Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Sao miệt mài giữ lửa nghệ thuật chèo truyền thống

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống hát chèo, yêu chèo và ê a hát chèo từ khi lên 8, lên 9, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Sao (sinh năm 1957 tại thôn Phương Thượng, xã Lê Hồ, huyện Kim Bảng) là một trong những người có nhiều tâm huyết trong việc duy trì và phát triển câu lạc bộ (CLB) dân ca và chèo xã Lê Hồ. Đã gần 70 tuổi, song Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Sao vẫn miệt mài truyền dạy hát chèo, thắp lên ngọn lửa tình yêu với nghệ thuật chèo cho các thế hệ con cháu, góp phần gìn giữ những nét đặc sắc nghệ thuật chèo truyền thống mà ông cha để lại.

Xuất thân trong gia đình có truyền thống hát chèo, từ thưở còn tấm bé, được xem và nghe cô ruột dạy hát, dạy múa cho các anh các chị trong đội chèo của làng, bà Sao đã say mê nghệ thuật chèo truyền thống lúc nào không hay. Để rồi qua năm tháng, bà Sao hầu như nắm vững hầu hết các làn điệu chèo, một số kĩ thuật hát và biểu diễn như phát âm, nhả chữ, luyến láy, nhịp phách, múa cơ bản theo tính cách nhân vật chèo... Những làn điệu trong các vở chèo cổ, các tiết mục chèo hiện đại phục vụ và động viên công cuộc chống Mĩ cứu nước cũng như xây dựng hợp tác xã nông nghiệp... cũng được bà Sao thuộc nằm lòng.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Sao miệt mài giữ lửa nghệ thuật chèo truyền thống
Bà Nguyễn Thị Sao được trao Bằng công nhận Nghệ nhân ưu tú tháng 1/2023.

Chia sẻ với chúng tôi về thưở niên thiếu và những kỷ niệm với chèo, bà Sao bồi hồi nhớ lại: Những năm 1969, 1970, khi còn là cô nữ sinh cấp hai, bà Sao đã tham gia đội Văn nghệ thiếu nhi và là diễn viên chính trong Hoạt cảnh chèo “Rủ nhau đi học” trong kì Hội diễn tiếng hát thiếu nhi của huyện Kim Bảng và đạt giải Nhất.

Rồi đến những năm 1971-1975, bà Sao là đội trưởng đội văn nghệ của trường cấp 2 Lê Hồ, thường xuyên tham gia biểu diễn các tiết mục động viên tuổi trẻ lên đường đánh Mỹ và xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, hết lòng vì miền Nam ruột thịt.

Năm 1975-1977, bà là diễn viên chính trong đội chèo làng Phương Thượng được phân công đảm nhiệm các vai như: Mẹ Đốp trong “Quan âm Thị Kính”, Cô Nghệ trong “Cô gái sông Lam”, Cô Lụa trong “Sợi tơ vàng”... Dù ở vai diễn nào, bà Sao cũng luôn thả hồn theo các làn điệu thướt tha, khắc họa rõ nét tuyến nhân vật, góp phần hoàn thành xuất sắc các vở diễn.

Năm 1979, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Sao tham gia Hội diễn Văn nghệ quần chúng huyện Kim Bảng và được giải Nhất trong vai Hậu của vở chèo ngắn “Lại đến mùa cau” (của tác giả Hoàng Hởi). Bà để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả khi thể hiện xuất sắc hình tượng người phụ nữ Việt Nam trung hậu, đảm đang, sẵn sàng gác lại nỗi niềm riêng để động viên chồng lên đường nhập ngũ, làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc.

Bên cạnh đó, bà Sao còn cùng  với các thành viên trong CLB dân ca và chèo Lê Hồ dàn dựng các vở Chèo cổ như: Quan Âm Thị Kính, Lưu Bình Dương Lễ, Trương Viên, Cô Son, Thái hậu Dương Vân Nga... Các vở chèo hiện đại như: Nguyễn Viết Xuân, Sợi tơ vàng... Cũng năm 1997 tham dự cuộc thi “giọng hát Dân ca và Chèo tỉnh Hà Nam lần thứ nhất” bà Sao đã xuất sắc đạt Huy chương Vàng. Năm 1999, bà tham gia Hội diễn nghệ thuật quần chúng tỉnh Hà Nam đạt giải Vàng với vai diễn trong tiết mục “Chuyện lứa đôi”.

Năm 2006, CLB hát Dân ca và Chèo của huyện chuyển giao cho xã Lê Hồ quản lí, bà Sao được giao làm Chủ nhiệm CLB, kiêm diễn viên, phụ trách trống đế trong dàn nhạc, đồng thời dạy hát chèo cho các lứa tuổi. Từ đó đến nay CLB hoạt động rất tích cực, hiệu quả tạo được ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân và sự tin tưởng của các cấp, các ngành từ huyện đến tỉnh.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Sao miệt mài giữ lửa nghệ thuật chèo truyền thống
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Sao và các thành viên CLB Dân ca và Chèo Lê Hồ hướng dẫn các em thiếu nhi hát làn điệu chèo truyền thống.

Mặc dù không được đào tạo qua bất kỳ trường lớp nào, song Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Sao vẫn tự mày mò sáng tác chèo và dàn dựng chương trình để đội chèo đi biểu diễn trong các hội diễn và giao lưu với các địa phương khác. CLB Dân ca và Chèo Lê Hồ do bà góp công xây dựng và duy trì đã đạt được những thành tích đáng kể, điển hình là: Huy chương Bạc cho tác phẩm “Đất chuyển” tại Liên hoan hát Chèo không chuyên toàn quốc năm 2021, giải Ba với một tác phẩm về đề tài nông nghiệp - nông thôn trong Hội thi Liên minh hợp tác xã cụm miền Bắc năm 2013, hai giải Bạc cho hai tác phẩm “Mùa lúa ơn Bác” và “Mừng Đảng quang vinh” tại Liên hoan các CLB dân ca và chèo tỉnh Hà Nam năm 2017…

Hơn 10 năm gắn bó với CLB Dân ca và Chèo Lê Hồ, luôn đồng hành cùng Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Sao trong CLB, ông Nguyễn Tiến Tư, thành viên CLB cho biết: CLB Dân ca và Chèo Lê Hồ phát triển như ngày hôm nay có phần đóng góp không nhỏ của bà Sao. Với vai trò là chủ nhiệm CLB, bà Sao đã nỗ lực cùng các thành viên trong CLB bảo tồn và phát huy nghệ thuật chèo truyền thống. Đồng thời, bà Sao còn là người rất tâm huyết trong việc truyền dậy hát chèo cho các thế hệ trẻ. Đó cũng là tấm gương, sự khích lệ cho chúng tôi tiếp tục góp sức để phát huy nghệ thuật chèo truyền thống quê hương.

Bà Hoàng Thị Loan, thôn Phương Thượng xã Lê Hồ cho biết thêm: Không chỉ là một người chủ nhiệm năng nổ, nhiệt tình, tâm huyết, trong cuộc sống hàng ngày, bà Sao còn gần gũi, chan hòa, động viên giúp đỡ các thành viên trong CLB, được đông đảo anh chị em yêu mến và tôn trọng.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Sao - từ một cô bé 8 tuổi từng đêm theo cô học hát, học cách diễn viên ra sân khấu biểu diễn chèo, đến nay đã qua 56 năm gắn bó với chèo. Phong trào địa phương có lúc sôi nổi, lúc trầm lắng, thậm chí có lúc vì bận mải mưu sinh khiến rất ít người tham gia CLB, những lúc ấy, bà Sao lại đi vận động thuyết phục từng người, đặc biệt là những diễn viên, nhạc công có kinh nghiệm tiếp tục tham gia giữ vai trò làm hạt nhân cho phong trào.

Như mạch nguồn của văn hóa dân tộc, đặc biệt là Chèo đã gắn bó với bao thế hệ người dân làng quê Việt Nam, vẫn chảy đều theo cuộc sống, lúc sôi trào nhiệt huyết, lúc lặng êm hiền hòa, nhưng bản thân bà Sao vẫn luôn làm tốt vai trò là người giữ lửa, truyền lửa. Thực vậy, bà Sao đồng thời còn tham gia góp phần cho sự ra đời của CLB hát Dân ca và Chèo của các thôn như Phương Đàn, Đông Thái và của Hội Người cao tuổi xã.

Mặc dù tuổi đã cao nhưng sự nhiệt tình và đam mê chèo chưa hề vơi, bà vẫn muốn đem tâm huyết, vốn hiểu biết và sự đam mê truyền lại cho thế hệ sau. Sau gần 60 năm gắn bó với chèo, hơn 100 học trò các thế hệ đã được bà truyền dạy, nhiều em đã trở thành diễn viên chính của các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Sao cho biết: Hiện nay, ngoài việc duy trì và phát triển chiếu chèo truyền thống của quê hương Lê Hồ, chúng tôi còn tích cực truyền dạy hát chèo cho các cháu thiếu niên, nhi đồng với mong muốn có lớp kế cận tiếp nối truyền thống hát chèo của quê hương sau này. Chúng tôi phối hợp với Trường THCS Lê Hồ mở lớp dậy hát chèo cho các cháu học sinh (5-7 buổi/tháng). Nhiều cháu đã thể hiện được niềm yêu thích và bộc lộ năng khiếu của mình khi thành thạo các điệu chèo cổ như: luyện năm cung, lới lơ, đào liễu... 

Với những cống hiến xuất sắc trong việc gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, góp phần vào sự phát triển của văn hóa – xã hội đất nước, đầu tháng 1/2023 vừa qua, bà Nguyễn Thị Sao đã được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Đây chính là nguồn động lực lớn, động viên bà ngày càng miệt mài, nỗ lực truyền dạy và gìn giữ nghệ thuật chèo. Với nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Sao, nghệ thuật truyền thống như một dòng chảy không bao giờ ngừng và gieo niềm đam mê cho thế hệ trẻ chính là tiếp nối dòng chảy đó cho mai sau.

Nguyễn Khánh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy