“Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực tàu giấy đỏ/ Bên phố đông người qua...” đây là bài thơ “Ông đồ” - Vũ Đình Liên... câu trả lời của các em học sinh càng làm sôi động thêm không khí buổi giao lưu Hội chợ Xuân 2024 do Trường Tiểu học Hòa Mạc (thị xã Duy Tiên) tổ chức dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn vừa qua.
Đầu năm đi du Xuân, tham quan danh lam thắng cảnh, lễ hội, khu du lịch tâm linh, đình, chùa… đều bắt gặp hình ảnh ông đồ mải mê, tỉ mỉ viết chữ, cho chữ thư pháp. Ngày Tết, Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) là địa điểm đông người đến xin chữ, bởi nơi đây là trung tâm giáo dục lớn nhất nước ta thời xưa, trường đại học đầu tiên của Việt Nam; ngoài ra, có đền Trần Nam Định cũng nổi tiếng với nền văn hiến hiếu học. Những người đi du xuân, vãng cảnh, đền chùa… muốn được “xin chữ” may mắn đầu năm từ các ông đồ là những người có trình độ học vấn, biết chữ thư pháp, thư pháp Hán – Nôm, viết chữ đẹp và một điều quan trọng là phải hiểu sâu được ý nghĩa từng chữ mình viết ra cũng như tính cách, tâm nguyện của người “xin chữ”.
Theo phong tục truyền thống, các chữ được xin đầu năm mới mang về treo thường là chữ “Phúc”, tượng trưng cho sự ấm no, hạnh phúc và may mắn; chữ “Lộc” với mong muốn phát lộc, phát tài, thịnh vượng; chữ “Thọ” ý nghĩa sống lâu, trường thọ, khỏe mạnh, chữ thọ treo trong nhà mong muốn ông, bà, bố, mẹ sống lâu, mạnh khỏe, bách niên giai lão...
Chị Nguyễn Mai Phương ở Bối Cầu (Bình Lục), cùng gia đình đi du xuân đầu năm và về lễ đền Trần Thương có xin chữ “Hiếu”, chị cho biết: Xin chữ, cho chữ trước đây thường chỉ những người hiếu học, trọng chữ; nhưng ngày nay đã trở thành nét đẹp, thể hiện lời chúc của người viết và mong muốn của người nhận một năm mới ấm no, hạnh phúc, may mắn. Gia đình chị xin chữ “Hiếu” là để nhắc nhở con cháu, các thế hệ sau luôn biết ơn công lao dưỡng dục của cha, mẹ, sống có đạo hiếu, tròn bổn phận làm con.
Đối với các em học sinh Trường Tiểu học Hòa Mạc (thị xã Duy Tiên) thông qua nhiều hoạt động trải nghiệm, xin chữ ông đồ ngày Tết giúp các em hiểu hơn về nét đẹp văn hóa này; đồng thời thể hiện được những suy nghĩ của mình để rèn luyện tính kiên trì, cẩn thận, những triết lý nhân văn của cuộc sống thông qua con chữ. Tại buổi giao lưu Hội chợ Xuân 2024, các em xúm xít bên ông đồ để xin chữ, có em thì xin chữ “Khoa” thể hiện sự may mắn trong thi cử; có em xin chữ “Đỗ” thể hiện thi cử đỗ đạt, thành công…
“Xin chữ” không chỉ ở các lễ hội, danh thắng, mà các hội, đoàn thể cũng lồng ghép nét đẹp nhân văn, ý nghĩa này vào chương trình hoạt động, như Chương trình Hiến máu tình nguyện đầu xuân. Tại Chương trình Hiến máu đầu xuân 2024 của thị xã Duy Tiên, Ban Tổ chức đã bố trí một bàn để các tình nguyện viên sau khi hoàn thành hiến máu có thể đến chọn cho mình một chữ yêu thích do ông đồ viết tặng. Các chữ được chọn đều rất ý nghĩa dịp đầu xuân, như: Nhẫn, Phúc, Duyên, Hiếu… thể hiện sự nhẫn nhịn, may mắn trong tình yêu, hay hiếu nghĩa vẹn tròn…
Cùng với tục mừng thọ đầu năm, khai bút đầu năm…, nét đẹp “xin chữ” được lưu truyền trong xã hội từ lâu đã thể hiện được truyền thống hiếu học của ông cha và tinh thần cần cù, sáng tạo, trọng chữ nghĩa của người Việt Nam. Qua đó, góp phần vun đắp, gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp, ý nghĩa này cho thế hệ tương lai.
Lê Tùng