Sau hàng trăm năm tồn tại, mộc bản chùa Tế Xuyên, xã Đức Lý, huyện Lý Nhân đã thu hút sự chú ý của những nhà nghiên cứu và quản lý văn hóa địa phương. Với trên 1.550 bản khắc gỗ, được gìn giữ trong kho sách của chùa, mộc bản không chỉ là vật chứng ghi dấu một thời kỳ tồn tại và chấp nhiệm vai trò truyền bá Phật pháp, mà còn là một di sản vô giá để hậu thế bảo tồn và lưu giữ bởi những tinh hoa văn hóa hội tụ trong từng bản khắc gỗ.
Chùa Tế Xuyên, xã Đức Lý, huyện Lý Nhân (hay còn gọi là Sơn môn Tế Xuyên Bảo Khám) được xây dựng từ thời Lý và xếp hạng Di tích Lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1996. Ngoài vẻ đẹp về cảnh quan, kiến trúc, chùa Tế Xuyên có lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị quý hiếm, trong đó có mộc bản chữ Hán khắc trên gỗ thị dùng để in kinh sách với những nội dung chủ yếu liên quan đến đạo Phật ở Việt Nam, gồm các thể loại kinh, luận, sớ.
Đại đức Thích Thanh Bằng, trụ trì chùa cho hay, ngôi chùa được tạo dựng làm nơi quy hướng tâm linh, nơi chân tu phát đức của nhiều bậc danh tăng Bắc Việt, như: Hòa thượng Thích Phổ Tụ, Hòa thượng Thích Doãn Hài, Hòa thượng Thích Thông Tiến, Đức Đại lão Hòa thượng Thích Tâm Tịch (nguyên Đệ nhị Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thế danh Nguyễn Đình Khuê, pháp hiệu Như Sơn), Hòa thượng Thích Trí Hải (người có công lớn trong việc chấn hưng Phật giáo Bắc Kỳ những năm đầu thế kỷ XX), Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Bích (nguyên là Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Sơn môn Tế Xuyên Bảo Khám)…
Tư tưởng chấn hưng Phật giáo của Hòa thượng Thích Trí Hải kéo dài nhiều năm khi vận mệnh đất nước, dân tộc đang đứng trước nhiều thử thách sóng gió (từ năm 1924 đến những năm đầu thập niên 30 thế kỷ XX), nguy cơ Phật giáo càng ngày càng đi vào suy thoái và mê tín. Khi đó ông đã vận động chư tăng vùng Lý Nhân thành lập Hội Phật giáo để chấn chỉnh đạo pháp. Tổ đình Tế Xuyên trở thành nơi truyền đạo, những bản khắc gỗ kinh phật có điều kiện để sử dụng và trở nên ý nghĩa, mặc dù trước đó, những mộc bản này đã được làm và thực hiện chức năng của nó. Nhiều chư tăng danh giá xuất gia tại đây đã nói rằng, Tổ đình chính là một trong số những cơ sở truyền bá Phật pháp lớn nhất khu vực Hà Nam trước đây. Ngôi chùa khi đó tuy nhỏ, nhưng là nơi dân nghèo gửi con em tới học chữ, học đạo bởi các thiền sư uyên thâm.
Theo thần phả ở đình làng, chùa được xây dựng từ thời Lý, do ông Trần Nham phát tâm cúng tiến. Trải qua biến cố thời gian, ngôi chùa đã qua nhiều lần tu sửa. Vào thời vua Lê - chúa Trịnh, có một người con gái ở huyện này được chúa tin yêu, tuyển vào Phủ. Khi về già, bà đã bỏ tiền trùng tu lại chùa, mua đất làm ruộng công cho 2 làng Tế Xuyên và Tế Cát canh tác lấy tiền tu bổ chùa cảnh. Đến đời sư trụ trì thứ 9, Đại đức Thích Thanh Bằng, ngôi chùa một lần nữa được tu sửa, khang trang với một quy mô bề thế, đẹp đẽ, xứng đáng là chốn tổ của những bậc thiền tăng danh giá.
Tỷ mỷ, cẩn trọng trong việc khảo sát và thống kê toàn bộ số lượng mộc bản hiện đang được lưu giữ tại chùa, những cán bộ nghiệp vụ của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết, họ đã ghi chép đầy đủ thể loại các bản khắc. Trong số hàng chục bộ kinh, luật, luận, tác phẩm văn học, còn có nhiều bản sớ cúng Phật, văn sám hối, ấn treo vào cành phan, đạo bùa trấn trạch và các văn bản về giới nhà Phật… Mỗi thể loại mang những giá trị khác nhau, nhưng đều chứa đựng những bản sắc văn hóa độc đáo của tôn giáo Việt Nam.
Ví dụ, trong 13 bộ kinh còn lưu giữ, Bộ Đại phương tiện Phật báo ân kinh (3 quyển, 16 mộc bản) có nội dung phản ánh lời thuyết pháp của Phật theo lời thỉnh cầu của A Nan về nghĩa vụ con cái đối với cha mẹ, phụng thờ sư trưởng để ngăn lời phỉ báng của Lục sư. Gương hiếu đễ của người xưa: Bà La Môn cõng mẹ đi ăn mày, Tu Bồ Đề tự cắt thịt mình dâng cha mẹ ăn khỏi chết đói, Thiện Hưu Thái tử đốt hương “diệc báo” cứu cha mẹ khỏi mù. Trong 4 quyển của bộ Di Đà phản ánh thế giới tịnh độ, không có khổ đau, không có sinh, lão, bệnh, tử… Thế giới là niềm phúc lạc vô biên. Rồi trong 78 mộc bản bộ kinh Kim Cương phản ánh giáo lý nhà Phật, con người được khuyên răn những điều chân thiện: Trong cuộc đời phải tu nhân tích đức, làm nhiều việc thiện, chăm tụng kinh sẽ được giải thoát. Hàng trăm mộc bản khác thuộc thể loại kinh cũng có những nội dung khá sâu sắc đề cập đến y thuật, luật đạo… Giá trị của những bản kinh này hướng tinh thần con người đi đến những chuẩn mực đạo đức nhất định, tự tu dưỡng và hoàn thiện, xây dựng một xã hội bình đẳng, không tội ác.
Ngoài các bộ kinh, 4 bộ Luật cũng mang giá trị riêng đối với các những người theo tu thiền: Không sát sinh, không trộm cắp, không dâm dục, không láo xược, không uống rượu, không trang điểm, không ca hát, không ngồi ghế cao, không nằm giường rộng, không ăn quá lúc trưa, không cầm tiền, vàng bạc… Tất cả các mộc bản đều là chữ Hán cổ, khắc ngược với kỹ thuật chế tác khá tinh vi và khéo léo.
Tham khảo ý kiến của các chuyên gia nghiên cứu về văn hóa Phật giáo, điêu khắc, hội họa về kỹ thuật khắc mộc bản, nhiều người cho rằng, sự ra đời và tồn tại của những bản khắc in kinh này có lý do của nó. Một là, nhìn vào những mộc bản được chế tác một cách tỷ mỉ, người ta có thể phán đoán nhiều điều về tài nghệ và xuất thân của những người thợ. Hai là, địa điểm chùa Tế Xuyên nằm giữa cái nôi nghề mộc phát triển nhất khu vực với nhiều nghệ nhân tài hoa, từng có những toán thợ chuyên làm đình chùa khu vực miền Bắc… Cho nên, việc trả lời câu hỏi ai đã làm những bản mộc này có thể có căn cứ xác định là người địa phương. Trình độ in khắc mộc bản Tế Xuyên thực sự đạt đến độ tinh sảo, nhạy bén. Các bản mộc được khắc kiểu chữ chân phương, mỗi mặt ván hai trang sách, nhiều trang được khắc đan xen thêm những hình, khối đặc biệt khắc hình Đức phật Thích Ca mâu ni, Quan thế âm bồ tát ngồi trên tòa sen có giá trị thẩm mỹ cao. Chất liệu gỗ thị được chọn để khắc cũng là sự lựa chọn rất tinh tế, bởi đó là loại gỗ dẻo, ít bị cong vênh, không mối mọt. Theo bia đá có tại chùa Tế Xuyên và các chữ khắc trên mộc bản thì những mộc bản này có niên đại thời nhà Nguyễn.
Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã lên phương án bảo tồn và tiến tới đề nghị tỉnh xem xét công nhận những mộc bản này là di sản ký ức.
Giang Nam