Mâm cỗ cúng gia tiên ngày Tết

Đối với mỗi gia đình Việt, ngày Tết không chỉ là dịp sum vầy mà còn là ngày để nhớ đến tổ tiên. Trước Tết các gia đình đều lo dọn dẹp phần mộ tổ tiên, mời các cụ về “ăn Tết”. Từ ngày 30 cho đến ngày hóa vàng sau Tết (thường khoảng mùng 3) bàn thờ các gia đình đều “hương tỏ, đỏ đèn” suốt ngày đêm, ngày ba bữa cỗ cúng gia tiên.

Mâm cỗ cúng gia tiên ngày Tết làm từ những nông sản quen thuộc, được chế biến một cách phong phú, thăng hoa nhất, có những món ăn ngon nhất, thể hiện tấm lòng thành kính của con cháu dâng lên tổ tiên phù hộ cho gia đình một năm mới bình an, làm ăn mưa thuận gió hòa và sau đó cũng là để con cháu quây quần, vui vẻ thụ lộc trong những ngày đầu Xuân năm mới.

Để có được những mâm cỗ Tết đủ đầy dâng cúng tổ tiên, ngay từ trước Tết các gia đình đã có sự chuẩn bị chu đáo. Trước đây khi kinh doanh dịch vụ chưa phát triển, các nhà đều rủ nhau đụng lợn. Thịt lợn được làm giò nạc, giò mỡ, làm nhân bánh chưng, còn lại nấu thịt đông, làm nhân chả nem, nhân sào,…

Ảnh minh họa.

Giò nạc là một món quan trọng không thể thiếu trong mâm cỗ Tết cúng gia tiên của người miền Bắc. Để làm được giò nạc rất cầu kỳ. Lợn vừa thịt xong phải lấy luôn phần thịt nạc còn “nóng” nhanh tay thái miếng vừa và cho vào cối giã. Những người giã giò phải khỏe, hai tay hai chày liên tục giã vào cối một mạch không nghỉ, cho đến khi thịt nạc nhuyễn mịn là được. Thịt nạc đã giã nhuyễn được nêm nếm gia vị và cho ra lá chuối xanh đã được rửa sạch, hơ nóng trên bếp cho mềm để bó thành giò.

Ngày xưa các gia đình đi tuyển rể thường nhìn chàng trai lúc giã giò để đánh giá, bởi người phải rất khỏe mới giã được giò và với nhà nông việc người chồng khỏe mạnh trong gia đình rất quan trọng. Cuộc sống hiện đại bây giờ có máy xay, không phải giã giò nữa, nhưng quy trình làm giò vẫn đúng như vậy. Lợn thịt xong phải lấy phần thịt nạc còn ấm, dẻo, thái miếng vừa và cho vào máy xay luôn, như thế mới được giò ngon, mịn. Nếu để thịt đã “nguội” mới xay giò sẽ bị bở, hỏng.

Bánh chưng là món quan trọng nhất trong ngày Tết, và để làm bánh chưng rất mất công, phải có sự chuẩn bị sớm. Gạo, đỗ xanh các gia đình phải chuẩn bị từ trong năm. Hôm sau thịt lợn, hôm trước các gia đình đã phải ngâm gạo, đỗ, rửa lá dong, để khi có thịt là gói bánh chưng luôn. Lá dong cắt theo kích thước, cho vào khuôn, đổ một bát gạo nếp, cho đỗ, miếng thịt lợn ba chỉ đã tẩm ướp, rồi lại đổ bát gạo lên trên và dùng lạt gói lại vuông vức. Bánh chưng được xếp vào nồi đun chừng 8-10 tiếng thì tắt lửa, để một lúc rồi vớt bánh, ép bánh cho ra hết nước, để bánh chắc và để được lâu.  

 Như vậy ngay từ trước Tết các gia đình đã làm xong những món quan trọng nhất, không thể thiếu trong mâm cỗ Tết là giò và bánh chưng. Những thực phẩm khác như măng, miến, khoai tây, rau xanh, rau thơm,… cũng được các gia đình chuẩn bị chu đáo. Một số nơi còn kho cá, làm thịt gà, chuẩn bị cá quả để nấu canh rau cần.

Từ 30 Tết trở đi cho đến khoảng ngày mùng 3 (ngày hóa vàng), các gia đình đều làm cỗ cúng gia tiên hằng ngày. Buổi sớm của những ngày Tết các gia đình quây quần làm cỗ cúng, nào gọt khoai, su hào, cà rốt, nào làm nhân, quấn nem,… rồi xào, nấu. Tất cả đều làm với một lòng thành kính, chỉn chu nhất. Mâm cỗ cúng được bày lên với giò nạc, giò mỡ, bánh chưng, xào súp lơ hay su hào, nấu khoai tây, su hào, hay măng miến, canh cá quả rau cần, nem rán, có nhà có thêm đĩa cá kho, gà luộc, dưa hành, thịt đông,...

Mâm cỗ bày lên thể hiện sự đủ đầy, với nhiều món ăn được chế biến cầu kỳ, màu sắc bắt mắt: màu nâu vàng của bát canh khoai tây, bên cạnh bát canh măng miến khói tỏa nghi ngút, đĩa giò tròn trịa, bát canh cần nấu cá xanh mướt, bát thịt đông,… Điểm xuyết một số món là màu của những bông hoa tỉa từ củ cà rốt mang đến màu cam tươi nổi bật... Sau khi dâng cúng tổ tiên, cả gia đình hạ lễ quây quần bên mâm cỗ.

Gia đình sum họp, tiếng nói cười rôm rả làm cho Tết càng trở nên ý nghĩa đặc biệt. Khách đến chúc Tết, chủ nhà lấy thêm bát đũa, mang thêm món, những câu chuyện, tiếng nói cười, lời chúc rôm rả, giao hòa. Tết vui, Tết ý nghĩa ở những điều như thế.

Đỗ Hồng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy