Tín ngưỡng thờ thần nông nghiệp ở Hà Nam

Tín ngưỡng thờ thần nông nghiệp có từ thời cổ đại. Theo thần thoại Hy Lạp, Demeter, nữ thần nông nghiệp tự nhiên, mùa màng là một trong mười hai vị thần trên đỉnh núi Olympus, biểu tượng ngọn đuốc, lúa mỳ, khả năng sinh sản và sự thu hoạch.

Thờ các vị thần, tín ngưỡng dân gian, con người tin vào để giải thích các hiện tượng thiên nhiên, mang lại sự bình an cho bản thân và mọi người, với nghề nông mong ước mùa màng bội  thu.

Là quốc gia nông nghiệp, việc sùng bái tự nhiên là đặc trưng của văn hóa nông thôn. Tên gọi tỉnh Hà Nam (     ), chữ Hán có nguồn gốc tượng hình, gồm bộ chữ Thủy và chữ Khả, thành chữ Hà, nghĩa là sông, nguồn nước, mạch sống, trong xanh, lưu loát, ngọt lành, còn chữ Nam, phía Nam kinh thành, cùng phương với Nam Định.

“Vân đài loại ngữ”, bách khoa thư của nhà bác học Lê Quý Đôn (1726-1784), khảo bầu trời Kinh châu, gồm các tỉnh Cao Bằng, Thái Nguyên, Kinh Bắc, Sơn Nam thượng (Hà Nam), thuộc phân dã sao Chẩn. Lấy sao Bắc Cực làm khởi điểm, sắp xếp “nhị thập bát tú” (28), ngôi chủ tinh trên bầu trời đêm. Người cổ đại chia ngân hà làm bốn phương (Đông - Tây - Nam - Bắc), mỗi phương bảy ngôi, cộng hai tám sao trời. Các vì sao này 28 năm mới xuất hiện vào một tháng nào đó.

Vua Lê Thánh Tông chọn đặt danh các văn sỹ tham dự hội thơ Tao đàn. Bảy ngôi sao (Chẩn, Tỉnh, Quỷ, Liêm, Trinh, Trương, Dực), ngự ở phương Nam, tượng sao Chu Tước thần hộ vệ quan sơn môn trong đạo giáo.

Nơi nào gần phương Đông ấm nhiều, rét ít cấy được hai vụ, gần phương Tây, nóng rét bằng nhau nên chỉ cấy một vụ. Xem ra thời tiết có ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống con người và cây trồng, vật nuôi. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thờ tự các vị thần, bảo hộ cho nghề nông.

Đêm hội hoa đăng tại Chùa Bầu (TP. Phủ Lý). Ảnh tư liệu

Biểu tượng quốc gia, Trống đồng Ngọc Lũ do hai ông Nguyễn Văn Ý và Nguyễn Văn Túc cùng hiệp thợ đấu người tổng Ngọc Lũ, huyện Bình Lục đào được trên đê sông Hồng, huyện Lý Nhân, khoảng năm 1893 - 1894. Năm 1902, giới khảo cổ nước ngoài xếp vào loại lớn và đẹp nhất cổ vật thời đại Đông Sơn, tựa cuốn sách chép lịch sử cách đây 2.500 năm. Khuôn trống rực rỡ hình mặt trời, tỏa mười bốn tia sáng, các vòng đồng tâm khắc hình chim Lạc, con thuyền, binh sỹ… hoa văn tinh xảo, quay ngược chiều kim đồng hồ, biểu hiện hoạt động ảo của mặt trời. Thờ thần mặt trời, mặt trăng, tín ngưỡng cổ của cư dân nông nghiệp. Thần mặt trời, mặt trăng (Hậu Nghệ, Hằng Nga), xuống trần trừ ác thú cứu nạn. Lễ cúng trăng chỉ có phụ nữ, cầu bình an vạn sự, nhân duyên…

Phục dựng lễ hội Tịch điền, tưởng nhớ sự kiện cách đây 1032 năm (987-2019), Hoàng đế Lê Hoàn (941-1005), từ cố đô Hoa Lư, theo thủy lộ chọn cánh đồng phía Tây núi Đọi, thôn Đọi Tam, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên mở nghi lễ khuyến nông, để các triều đại noi theo. Sự tích còn ruộng  Kim Ngân, Kim Tiền,  ruộng vua cày ngày đó diện tích 1,6 mẫu mang tên Hồ Hiến và đường sừng trâu bạc…

 Kinh đô Huế còn đàn tế Thần Nông, xây hình bát giác, đáy to, đỉnh nhỏ dần, trên đặt bàn đá, bát hương để hằng năm vua quan nhà Nguyễn tế lễ, tịch điền.

Tục thờ Tứ pháp, bốn thần nữ: Pháp Vân (thần  mây), Pháp Vũ (thần  mưa), Pháp Phong (thần gió), Pháp Điện (thần sét), con mẹ Man Nương, (người đẹp tóc dài). Cổ ngôn truyền có bốn nơi: Đanh (chùa Bà Đanh), Dâu (chùa Dâu, Kinh Bắc), Bầu (chùa Bầu, thành phố Phủ Lý), Nứa (thôn Thần Nữ, xã Bạch Thượng, Duy Tiên) nổi tiếng.

Thư tịch minh văn, ngôi Tam Bảo thờ tứ pháp lâu đời nhất đất Hà Nam, tương truyền từ thời Hán, là chùa Vân Lâm, thị trấn Quế, huyện Kim Bảng. Bia Hồng Đức thứ 5 (1464) thời Lê Thánh Tông (1460-1497), nói việc dân làng công đức sửa chùa và đắp đường hội.

Ông nghè Phạm Đãi Đán (1518-1590) quê làng Lôi Hà, xã Trác Văn, huyện Duy Tiên, đỗ Tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân (TGĐTSXT), khoa Mậu Tuất, niên hiệu Đại Chính thứ 9 (1538), đời Mạc Đăng Doanh (1530-1540), chức quan Công khoa cấp sự trung, tham gia sửa chùa, ngày khánh thành chùa đề thơ:

Sửa chùa Pháp Vân xã Văn Lâm

Tương truyền chùa dựng từ thời Hán

Thay đổi bao phen khác cổ rồi

Phật năm mẹ con đều có pháp

Làng ngàn dặm rộng được yên vui

Một phương hội lớn người chiêm bái

Tiền vạn quan nhiều sửa các ngôi…

                                      (Bản dịch)

Đỗ đạt trước Phạm Đãi Đán 33 năm, TGĐTSXT Trần Thì Vũ (1470-?), cũng tới đây để lại câu đối.

Mẹ hiệu Man Nương, làng xóm cầu mong ngô lúa tốt.

Con tên tứ pháp, trẻ già mong được thọ khang nhiều.

Danh lam cổ tự chùa Bầu (bầu nơi tụ họp đông người?), làng Bảo Thôn, trung tâm thành phố Phủ Lý, nay là Trụ sở Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hà Nam, thờ Pháp Vân và các nhân vật có liên quan đến Phật giáo. Bia đá dựng cuối thời Lê, cảnh vẻ non xanh nước biếc. Phó bảng thời Tự Đức, Vũ Duy Tuân (1840-1915), quê Lạc Tràng, thành phố Phủ Lý, người khảo văn bia cho biết lai lịch ngôi chùa.

Chuyện Tiến sĩ Nguyễn Kiện Hy (1470-?), quê Duy Tiên, cầu tự chùa Vân Lâm, Kim Bảng, đạt sở nguyện, Nguyễn Kiện Hy rước Phật từ chùa này về cắm đất dựng ngôi chùa Bầu. Lúc đầu nhỏ, sau xây lớn dần. Khi được phong chức Hàn lâm viện thị độc, phủ Doãn Phụng Thiên, ông trở lại trùng tu chùa theo lối cổ, trụ non, con cung, chồng rường, đấu rê… bằng gỗ tứ thiết. Cuối thời Hậu Lê, hương hào viện cớ tòa tiền tế hỏng, cử Lý trưởng Trần Văn Phiệt chủ việc giải hạ 5 gian đại tế, lấy gỗ sửa đền và đóng cổng làng. Chuyện được Vũ Duy Tuân viết vào thơ. Bản thần tích chùa Bầu do Đỗ Huy Liêu (1844-1891), quê Nam Định TGĐTSXT, khoa Kỷ Mão (1879), niên  hiệu Tự Đức thứ 32 (1880), tri phủ Đoan Hùng sau vào Huế nhận chức Biện lý bộ Hộ viết.

Sinh thời Đỗ Huy Liêu đốc việc sửa chùa Bầu, Quỳnh Châu, Bảo Khám đều thuộc tỉnh Hà Nam. Tuần phủ Hà Nam Vũ Thiện Đễ  cũng  công đức sửa nhiều ngôi tứ pháp. Mới biết việc thờ tự các thần nông nghiệp, được các chức quan triều đình và dân làng coi trọng.

Các vạn chài đánh cá trên sông Châu, sông Đáy, xây đền Thủy Cơ thờ Tam Phủ (Thiên phủ, Địa phủ, Thủy phủ) và Chử Đồng Tử - Tiên Dung, công chúa con vua Hùng, ông tổ nghề chài lưới.

Tiến sĩ Trương Minh Lượng (1636-1712), quê Ngô Xá, xã Tiên Nội, huyện Duy Tiên, ông ngoại nhà bác học Lê Quý Đôn, từng thưởng lãm đàn lễ tế cá nhà Trần. Đền Trần Thương, kho lương đại Việt, xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân đã phục dựng hội tế cá, tưởng nhớ đến nguồn gốc nhà Trần. Chọn cá sống tế cho tên các vị hoàng tộc gọi là lễ ngư. Tế ông Trần Kinh chọn cá quả, Trần Hấp cá trắm, Trần Lý cá chép, Trần Thừa cá dưa, Trần Cảnh cá lành canh, Trần Thị Dung cá ngừ… tế xong, phóng sinh nơi các ao hồ quanh đền.

Làng Độ Việt, xã Vũ Bản, huyện Bình Lục, thờ Thủy Phủ tôn thần, ngài là thiên thần coi thủy lợi cho làng. Đời vua Khải Định thứ 2 (1917), thứ 9 (1924) sắc phong mỹ tự “Nông nhuận, Dực bảo trung hưng Thủy phủ chí tôn trung đẳng thần”. Làng Vũ Diễm, xã Bình Nghĩa, Bình Lục, thờ thành hoàng Bảo Phúc đại vương quản về đất đai; Tế Thế mênh mông đại vương coi giữ bến đò Cánh Diễm. Dân gian cho rằng phàm nơi nào có nước (sông, hồ, biển, ao đầm…) đều có Long Vương (tổng quản thủy tộc) ngự, có thể hô gió gọi mưa. Khi hành lễ kèm câu chú, ý nghĩa ảo diệu, trừ tai, tác công, tiến phúc.

Nơi rừng núi Kim Bảng, Thanh Liêm lễ mở cửa rừng. Các làng tổng Đọi Sơn (Duy Tiên), Văn Mỹ (Bình Lục), thờ Nguyệt Nga phu nhân, tướng Hai Bà Trưng, bà chúa tằm, người dạy dân trồng dâu dệt lụa vùng sông Châu, núi Đọi.

Tín ngưỡng thờ thần nông nghiệp ở Hà Nam nhiều nét độc đáo. Các làng, xã còn tổ chức lễ thượng điền, hạ điền, thường tân (cơm mới), cầu mưa… kết thúc chu trình nông nghiệp chuẩn bị vào vụ mới. Biết rằng năm nắng mười mưa mới có thu, “Cày đồng đang buổi ban trưa/ Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày/ Ai ơi bưng bát cơm đầy/ Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần” (ca dao).

Thời đại công nghiệp hóa áp dụng các tiến bộ khoa học, nhưng người nông dân vẫn cho rằng có những vị thần trợ thủ cho họ trong nghề nông, song việc này có tính ước lệ, sùng bái tự nhiên không hoài nghi sức mạnh bản thân, khi thực hiện cần tránh hệ lụy cho cá nhân, gia đình và cộng đồng…

Nguyễn Thế Vinh        

Nguyễn Thế Vinh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy