Trong những ngày Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, tại các địa phương trên cả nước diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật cùng những chương trình vui chơi, giải trí hấp dẫn được tổ chức chào mừng kỷ niệm 89 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2019); đón mừng Xuân Kỷ Hợi 2019.
Hội chữ Xuân Kỷ Hợi diễn ra từ ngày 29/1 - 17/2 tại Hồ Văn, Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN.
Thành phố Hà Nội là địa phương có dày đặc các chương trình văn hóa, nghệ thuật diễn ra trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 như tổ chức các buổi biểu diễn văn hóa, nghệ thuật ở khu vực bắn pháo hoa vào đêm Giao thừa; tổ chức chiếu phim lưu động phục vụ nhân dân trên các quận, huyện, khu công nghiệp, chế xuất vào dịp Tết Nguyên đán.
Tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hội chữ Xuân Kỷ Hợi diễn ra từ ngày 29/1 - 17/2, bên cạnh việc tìm hiểu về nghệ thuật thư pháp, xin chữ ông đồ, du khách còn được chiêm ngưỡng 30 bức thư pháp chữ Hán Nôm và chữ Quốc ngữ với chủ đề “Văn hiến”; tham gia trải nghiệm và tìm hiểu các quy trình làm giấy dó, tìm hiểu về 3 dòng tranh dân gian: Hàng Trống, Đông Hồ và Kim Hoàng; tham gia các trò chơi dân gian...
Trong đêm giao thừa, ngoài việc tổ chức bắn pháo hoa tại 30 điểm khác nhau, người dân Thủ đô sẽ có cơ hội thưởng thức các chương trình nghệ thuật phong phú như “Tết là hy vọng” diễn ra tại tòa nhà Bưu điện Hà Nội. Bên cạnh đó là chương trình chào đón Tết Kỷ Hợi vào lúc 22 giờ tại quảng trường Cách mạng tháng Tám (Nhà hát Lớn Hà Nội), khu vực vườn hoa Lạc Long Quân, khu vực hồ Văn Quán, trước sân vận động quốc gia Mỹ Đình.
Tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, trong những ngày đầu xuân mới, người dân thủ đô, du khách trong và ngoài nước sẽ được tham gia vào một chương trình đặc biệt mang chủ đề “Vui xuân Kỷ Hợi: Sắc thái văn hóa Bắc Giang” với các hoạt động trình diễn, giao lưu, khám phá văn hóa Bắc Giang. Theo đó, trong hai ngày mùng 9 và mùng 10/2 (tức ngày mồng 5, 6 tháng Giêng âm lịch), công chúng đến Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam sẽ được thưởng thức hát Soong hao của người Nùng, hát Soọng cô của người Sán Dìu, các làn điệu dân ca quan họ Thổ Hà, trải nghiệm trò chơi cầu móc sôi động với ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu của người Việt ở Bắc Giang; thưởng thức hương vị ẩm thực của địa phương như: bánh đa Kế, chè kho Mỹ Độ, chim câu rang riềng. Du khách được trải nghiệm dệt thổ cẩm và làm giấy truyền thống của người Cao Lan…
Bên cạnh đó, du khách còn có thể tham gia các hoạt động mang đậm sắc thái Tết cổ truyền như xin chữ đầu năm mới, tìm hiểu ý nghĩa, phong tục của dân tộc, giao lưu với nghệ nhân in tranh Đông Hồ và tự tay in những bức tranh mình yêu thích; trải nghiệm nhiều trò chơi của một số dân tộc như nhảy chữ thập của dân tộc Khơmú, nhảy rùa của dân tộc Dao, đi cà kheo bỏ đũa vào lọ của dân tộc Thái và Sán Chay, hay ném pao của người Mông...
Tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), ngày hội "Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc" năm 2019 diễn ra trong 2 ngày 12 và 13/2 (tức mùng 8 - 9 tháng Giêng), với sự tham gia của khoảng 200 người là đại diện già làng, trưởng bản tiêu biểu, nhân sĩ trí thức, nghệ nhân của 25 cộng đồng dân tộc đến từ 17 tỉnh/thành đại diện cho các dân tộc, vùng miền trong cả nước. Trong khuôn khổ Ngày hội sẽ diễn ra các hoạt động: Chương trình Bài ca mừng Đảng, mừng Xuân, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước chúc Tết đồng bào các dân tộc; tái hiện các lễ hội truyền thống: Tái hiện Lễ hội Aza koonh của dân tộc Tà Ôi; Giới thiệu nghi lễ đón Tết (trích đoạn Tết nhảy) của dân tộc Dao.
Ngày hội "Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc" năm 2019 diễn ra trong 2 ngày 12 và 13/2 (tức mùng 8 - 9 tháng Giêng). Ảnh: LVH.
Bên cạnh đó Ngày hội "Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc" năm 2019 còn có nhiều chương trình hội xuân hấp dẫn như: Chương trình giao lưu "Ngày hội mùa xuân" của các dân tộc tại Làng; Tết trồng cây - Mùa Xuân nhớ Bác; Hưởng ứng Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ. Hoạt động trò chơi dân gian ngày Xuân dân tộc: Nhảy Sạp, đi cà kheo, bắn cung, đi cầu kiều, đánh đu… giao lưu tại không gian các nhà dân tộc Thái, Mường, Ê Đê, Tày; Giới thiệu ẩm thực ngày Tết: bánh chưng, xôi nếp ba màu, gà quay dân tộc, lợn quay, thịt sấy... tại không gian các nhà dân tộc Thái, Mường, Tày, Khơ Mú…
Theo baotintuc.vn
Quyết Thành