Mai một những tục lệ đẹp trong các lễ hội truyền thống

Là một tỉnh nông nghiệp, người dân Hà Nam từ lâu đã sáng tạo ra nhiều lễ hội. Với gần 120 lễ hội truyền thống, trong đó có nhiều lễ hội có những tục lệ đẹp, có ý nghĩa giáo dục đạo nghĩa, giữ gìn truyền thống và trao truyền kinh nghiệm. Nhưng cùng với việc phục hồi các lễ hội sau một thời gian gián đoạn bởi những diễn biến lịch sử, cũng có nhiều lễ nghi, tục lệ đẹp đã mai một dần. 

Lễ hội truyền thống là một sinh hoạt văn hóa dân gian, được gắn với những di tích thờ phúc thần, thành hoàng làng của cộng đồng làng, xã. Trong lễ hội có nhiều lễ nghi, tục lệ nhằm tái hiện những huyền tích, truyền thuyết, công trạng của những nhân vật được thờ, qua đó bày tỏ ước vọng vào những điều tốt đẹp hơn trong tương lai.

Trảm tự (chém chữ) là một nghi lễ trong Lễ hội vật võ Liễu Đôi ở xã Liêm Túc (Thanh Liêm). Lễ hội được tổ chức từ mùng 5 – 8 tháng Giêng hằng năm. Xưa, ngoài vật võ, trong lễ hội Liễu Đôi còn có cuộc thi đọc binh thư với nghi thức Trảm tự vô cùng độc đáo. Đây là nghi thức đầu tiên để chuẩn bị cho lễ hội, được diễn ra vào đêm 30 Tết tại chùa Ba Chạ. 

Theo ông Trịnh Cao Bằng, Trưởng ban khánh tiết di tích Liễu Đôi, sự tích về nghi lễ trảm tự có từ thời nhà Trần. Thời nhà Trần, có một vị tướng đã về vùng Liễu Đôi thao binh, luyện tướng. Trong lễ ra quân, ông đã trao cho 5 làng của Liễu Đôi một cuốn binh thư có tên là Võ trận và căn dặn người dân Liễu Đôi phải truyền đời học thuộc cuốn binh thư đó để rèn luyện sức khỏe, võ nghệ và biết binh pháp đánh giặc.

Để các thế hệ người dân trong làng có thể truyền đời nhau học thuộc được cuốn Võ trận, các làng đồng tình đặt ra cuộc thi đọc binh thư được tổ chức hằng năm, với nghi thức mở đầu có tên gọi Trảm tự.

Theo đó, đêm 30 Tết, các trưởng tộc đeo gươm vào chùa Ba Chạ, trước bàn thờ trang nghiêm là băng giấy ghi chữ đầu của các chương, đoạn của tập sách. Đúng giao thừa đèn nến vụt tắt, theo thứ tự, mỗi trưởng tộc chém một nhát lên băng giấy. Chém được đoạn giấy nào thì nhận lấy đoạn giấy ấy. Xong đèn nến được thắp sáng trở lại, từng họ đọc xem chữ đầu của đoạn giấy sẽ biết được họ mình năm nay phải học thuộc đoạn nào trong sách. Nhiều năm như thế, các dòng họ đều thuộc lòng quyển binh thư. Đến thời Pháp thuộc, việc dùng gươm chém băng giấy được thay bằng việc rút thẻ. 

Mai một những tục lệ đẹp trong các lễ hội truyền thống
Chùa Ba Chạ, nơi diễn ra tục lệ trảm tự xưa kia ở vùng Liễu Đôi.

Ông Trịnh Cao Bằng cho biết, đến nay cuốn Võ trận đã bị thất lạc, lễ Trảm tự cũng không còn, nhưng tục lệ đẹp đó đã chứng tỏ tinh thần thượng võ của người dân Liễu Đôi, tinh thần ấy vẫn duy trì và giữ gìn được đến ngày nay thông qua Lễ hội vật võ Liễu Đôi – lễ hội đã được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2017.

Xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên được biết đến với Lễ hội Tịch điền dưới chân núi Đọi, nhưng ít ai biết trước khi Lễ hội Tịch điền được phục dựng đã có một lễ hội mang đậm màu sắc lễ hội nông nghiệp ở vùng đất này, đấy là lễ hội đình đá thôn An Mông.

Đình An Mông thờ Nguyệt Nga công chúa – một tướng tài của Hai Bà Trưng. Lễ diễn ra vào đầu xuân, từ ngày mồng 6 – 8 tháng Giêng. Trong lễ hội có tế lễ, rước kiệu Nguyệt Nga công chúa, nhưng nội dung chủ yếu của lễ hội là lễ thờ thần nông với nhiều nghi thức đặc sắc. Sau khi làm xong nghi thức dâng hương, dâng rượu, đọc tấu sớ trước bàn thờ thần nông, mọi người liền rước hương án tế thần ra khu ruộng gần đình đã được cày bừa chuẩn bị sẵn. Đoàn người đi theo hương án tế thần, có người gánh vài bó mạ, người cầm dăm cây lau, vài cành tre, con dao và bó hom dâu. Khi ra tới ruộng cấy lúa, đoàn người đặt hương án trên bờ ruộng còn dân làng đứng vây quanh. Chủ tế và bồi tế là người được phân công thay mặt dân làng lội xuống ruộng cấy ít hàng lúa và trồng ít hom dâu tượng trưng. Dân làng vây quanh hò reo, hòa với tiếng chiêng trống tỏ niềm vui mừng đón chào một năm mới với những vụ mùa bội thu. Cùng với tiếng hò reo, dân làng còn té nước ruộng vào những người cấy, người gánh mạ,  người vác hom dâu, người cắm cành tre, cây lau, cây dâu dưới ruộng. Mọi người đều cầu mong mưa thuận gió hòa cho cây lúa, cây dâu lớn lên khỏe như cây lau, cứng như cây tre để có những vụ lúa, vụ dâu tươi tốt, dân làng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Lễ hội đình đá An Mông hiện nay chỉ duy trì trò chơi truyền thống vật cầu, còn những nghi thức nông nghiệp không được tái diễn nữa khi những bãi dâu đã bị thu hẹp, nghề trồng dâu nuôi tằm cũng dần mai một.

Trước đây, ở lễ hội đền Trần Thương, Xã Trần Hưng Đạo (Lý Nhân) vào tháng 8 âm lịch hằng năm, thu hút được sự quan tâm của nhiều người nhất là tục thi đấu cờ tướng. Tục này diễn ra trước các trò hội. Khi tiếng trống nổi lên báo hiệu cuộc chơi thì các đấu thủ cùng dân làng đã tề tựu ở sân đền. Làng chọn các lão làng, các chức sắc có gia phong tốt vào khai cuộc, trong đó người cao tuổi nhất được làm chủ tế. Chủ tế làm lễ cáo yết Đức Thánh Trần rồi rước bàn cờ từ hậu cung ra, đến trước hương án nâng bàn cờ lên vái ba vái, sau đó cuộc chơi bắt đầu. Hai đấu thủ mang y phục truyền thống của các tướng lĩnh thời Trần, vào cuộc. Sau một tuần hương, ai thắng, người đó đoạt giải. Vãn cuộc, quân cờ cùng bàn cờ được rửa bằng nước giếng của đền và nước ngũ quả rồi lau chùi cẩn thận đặt lên hương án.

Tục chơi cờ nhằm tưởng nhớ tài thao lược quân sự của Hưng Đạo Đại Vương, rèn luyện trí tuệ, nêu cao truyền thống chống giặc ngoại xâm của ông cha ta.

Còn khá nhiều các nghi lễ, tục lệ trong các lễ hội truyền thống không được tái hiện, bởi có nhiều tục lệ ít người còn nhớ đúng các trình tự như lệ cũ, bởi không gian lễ hội đã bị thu hẹp lại và không còn thích hợp để tái diễn...

Chu Bình

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.