Mùa xuân năm Quý Mão 2023, lần thứ 5 Lễ hội chùa Tam Chúc được khôi phục tổ chức, gọi là Hội xuân Tam Chúc với sự mong đợi của hàng vạn phật tử, du khách và nhân dân. Cho đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho lễ hội được sẵn sàng.
Tự hào là chốn non thiêng, cảnh đẹp, chùa Tam Chúc còn ghi dấu ấn sâu đậm về thời gian tu tập, thưởng ngoạn của Thiền sư – Quốc sư Nguyễn Minh Không. Thượng tọa Thích Minh Quang, Phó trụ trì chùa Tam Chúc kể rằng: Thiền Sư – Quốc sư Minh Không (thời Lý) đã khổ công tầm sư, học đạo, để từ một nhà sư ở phủ Tràng An ra kinh thành làm Quốc sư, đứng đầu hàng tăng ni trong nước, danh vọng và đạo pháp đạt đến đỉnh cao, được nhân dân tôn sùng là Đức Thánh Nguyễn.
Thời đó, Quốc sư Nguyễn Minh Không đi theo dọc triền núi từ Ninh Bình qua Hòa Bình, đến Hà Nam, tìm thuốc cứu nhân, độ thế, chữa bệnh cho vua và cho dân. Đến nơi nào có cảnh đẹp, ngài đều dừng chân, tìm nơi có hang động để làm nơi tu hành cho mình. Tại Tam Chúc, người đã để lại dấu chân hoằng pháp, tu hành…
Trong Hội xuân Tam Chúc năm nay, Ban tổ chức sẽ dành phần thời lượng cô đọng nhất khắc họa chân dung Quốc sư với những dấu ấn đặc biệt ở chùa. Đó là một trong nhiều nội dung mang ý nghĩa khơi sáng các giá trị di sản để chư tăng đức, tôn ni, tín đồ Phật tử và quần chúng nhân dân về dự Hội xuân Tam Chúc cùng nhất tâm, cầu nguyện cho quốc thái dân an, mưa thuận, gió hòa, thế giới hòa bình, nhân dân an lạc và quốc gia được phú cường, cầu cho một năm mới được an khang thịnh vượng, mọi sự được cát tường như ý.
Theo kế hoạch tổ chức lễ hội, chương trình khai hội chùa Tam Chúc có hai phần, phần lễ và phần hội. Phần lễ là các nghi thức cầu Quốc thái dân an, phần hội là nghi rước nước ở hồ Tam Chúc lên chùa Ngọc.
Lễ Khai hội sẽ bắt đầu từ 9h30 phút sáng 12 tháng Giêng, được kênh VTV 2 Đài Truyền hình Việt Nam truyền hình trực tiếp với phần mở màn gióng trống hội do Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu – Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Tam Chúc thực hiện. Sau đó, Thượng tọa Thích Minh Quang, Phó trụ trì chùa Tam Chúc điều hành nghi thức lễ cầu an. Trong phần này, chân dung quốc sư Nguyễn Minh Không được khắc họa qua phóng sự ngắn.
Tiếp đó là nghi thức rước nước, một nghi thức tâm linh thể hiện lòng thành kính, biết ơn các chư phật, thần, thánh, mẫu và ước muốn mưa thuận gió hòa của cư dân nông nghiệp.
Đại diện bộ phận Truyền thông Công ty Dịch vụ du lịch Tam Chúc cho hay, số người thực hiện các nghi thức tâm linh trong lễ hội lên tới hàng nghìn người. Ban tổ chức huy động 200 chiếc thuyền nhỏ trên sông cùng 200 nữ lái đò ăn mặc theo trang phục truyền thống. 3 chiếc thuyền lớn chở hoa….
Chương trình có những tiết mục biểu diễn nghệ thuật đan xen, tạo không khí cho lễ hội với những ca khúc về Phật giáo, ca ngợi Tam Chúc. Vì thế, lực lượng tham gia tổ chức sản xuất chương trình nghệ thuật lên tới gần 1.000 người, luyện tập trong vòng một tuần trước lễ khai hội.
Thượng tọa Thích Minh Quang, Phó Ttụ trì chùa Tam Chúc cho biết : Chùa Tam Chúc được phục dựng từ năm 1999. Đến năm 2019, chùa là nơi tổ chức sự kiện Lễ hội Phật giáo quốc tế lớn nhất – Đại lễ Phật Đản Liên Hợp quốc lần thứ 16. Đây là lần thứ 3, Việt Nam đăng cai tổ chức sự kiện này, với quy mô lớn nhất, để lại ấn tượng tốt đẹp đối với bạn bè trong khu vực và trên thế giới.
Rõ ràng, Tam Chúc là một vùng non thiêng, cảnh đẹp, xứng đáng được bảo vệ và phát huy giá trị của di sản này trong đời sống văn hóa xã hội. Tiếc là trong 5 năm qua, có hai năm lễ hội không được tổ chức trọn vẹn các nghi thức vì đại dịch Covid-19, mang lại sự tiếc nuối cho nhiều phật tử và du khách.
Năm nay, dịch đã được kiểm soát tốt, Hội xuân Tam Chúc được tổ chức với đầy đủ các nghi thức, sẽ đáp ứng mong mỏi của phật tử, du khách và nhân dân địa phương. Thượng tọa Thích Minh Quang nói: Chúng ta đều mong muốn, tất cả mọi người về đây thể hiện lòng thành kính, trang nghiêm, cùng đồng lòng cầu nguyện cho quốc thái dân an, người người, nhà nhà được mạnh khỏe, bình an, sống tốt với nhau, hòa thuận vì một thế giới hòa bình.
Đi chùa đầu xuân là nét đẹp văn hóa của người Việt bao đời nay. Những ngày qua, tại chùa Tam Chúc, mỗi ngày có hàng vạn du khách ở khắp mọi nơi tìm về thưởng ngoạn cảnh đẹp và hướng lòng bái Phật. Nhà chùa đã tổ chức chu đáo các khâu tiếp đón, hướng dẫn du khách đến tham quan, chiêm bái cảnh chùa. Ban quản lý chùa cho biết, họ đã thành lập 10 điểm tư vấn bán vé dịch vụ kết hợp với thanh toán online. Vì thế, mọi hoạt động trong tuyến tham quan theo quy củ, trật tự, đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách.
Chùa Tam Chúc là một quần thể kiến trúc, tự nhiên rộng lớn gồm hồ nước, núi đá rừng tự nhiên, các thung lũng và các công trình tâm linh, các kiệt tác về kiến trúc. Chùa là sự kết hợp hài hòa, linh diệu, đồng điệu giữa quá khứ và hiện đại, được tu bổ và xây dựng từ tinh hoa của những người thợ thủ công lành nghề, giữa nghệ nhân Việt Nam và nghệ nhân nước ngoài.
Anh Nguyễn Xuân Dương, một du khách đến từ Mộc Châu, Sơn La tâm đắc nói: “Lần đầu tiên tôi đến Tam Chúc vào trong các điện, thấy có những bức phù điêu đá tuyệt đẹp, mô phỏng cuộc đời Đức Phật, những dăn dạy của Đức Phật. Tôi nghĩ, đó là điều có ý nghĩa giáo dục rất lớn đối với chúng ta.
Tôi thực sự ấn tượng với 36 cột kinh, là công trình kiến trúc độc đáo. Nó là những cột đá, khắc những bài kinh Phật. Kinh Phật thì thiên kinh vạn điển, nhưng đến đây thấy được lời kinh, lời Đức Phật dạy hiển hiện trước mắt, đọc rồi ngẫm nghĩ để áp dụng cuộc sống hàng ngày. Rõ ràng qua đây, nhà Phật mong muốn chúng ta sống yêu thương, sống hiểu biết, sống chia sẻ, sống có trách nhiệm, sống biết ơn…Chúng ta hãy sống hòa thuận với nhau để tạo cho xã hội được bình yên. Nhà Phật có dạy chúng ta, nếu muốn có được sự bình an, thì hãy nói lời hay, làm việc tốt và giữ tâm thiện.”
Anh Nguyễn Xuân Dương sẽ ở lại Hà Nam đến hết lễ hội Tam Chúc, bởi, khi đến thăm Tam Chúc vào những ngày qua, anh được nhìn thấy công tác chuẩn bị lễ hội rất bài bản. Anh mong muốn sẽ tận mắt nhìn thấy một Hội xuân tưng bừng, nhiều cảm xúc trong một không gian mênh mông, đẹp đẽ, đậm đặc hương xuân như Tam Chúc năm nay!
Giang Nam