Tối 16/9, tức ngày mồng 2 tháng 8 năm Quý Mão, cuộc thi mô hình Đèn Trung thu thành phố Phủ Lý đã chính thức được tổ chức tại tuyến phố đi bộ Biên Hòa. Đây là một trong những hoạt động thiết thực, giàu ý nghĩa tạo cho trẻ em thành phố một sân chơi đậm màu sắc truyền thống và thúc đẩy các phong trào văn hóa, văn nghệ của các tổ chức, đoàn thể ở phường, xã…
9 xã, phường đầu tiên của thành phố đã trình diễn mô hình trên dọc tuyến phố đi bộ Biên Hòa trong sự chào đón, cổ vũ nồng nhiệt chưa từng có của trẻ em và nhân dân thành phố.
Bắt đầu từ 18h30, các mô hình đã có mặt trên tuyến phố, chuẩn bị diễn diễu theo thể lệ cuộc thi. Dòng người từ khắp nơi đổ về tuyến phố ngày một đông, hầu hết là trẻ em và phụ huynh đi cùng.
19h30, tại khu vực Rạp chiếu bóng Biên Hòa, lễ khai mạc cuộc thi chính thức diễn ra không một không gian lung linh sắc màu. Màn múa lân, sư tử chào mừng hấp dẫn người xem từ mọi phía của con đường. Chỉ sau màn trình diễn này, khu phố đã chật kín người. Đường Biên Hòa nhìn từ trên cao như một biển người. Tất cả chen chúc nhau trong náo nức, đợi chờ!
Mô hình đầu tiên là “Cá chép trông trăng” của xã Phù Vân. Mô hình được tạo nên bởi các chất liệu tre nứa, giấy màu là chính với mong ước cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhân khang vật thịnh. Biểu tượng này cũng gửi đến cuộc thi một khát vọng vươn tới của con người trước những khó khăn của cuộc sống, khẳng định một ý chí vững vàng, bền bỉ để đi đến thành công trên con đường học tập, lao động, xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp.
Tiếp theo là mô hình “Đón trăng cùng thỏ ngọc” của phường Hai Bà Trưng. Mô hình được thiết kế khá đơn giản, nhưng bắt mắt và chuyển tải được thông điệp đến với trẻ em từ sự tích thỏ ngọc. Đây là một trong những mô hình gợi nhớ cho trẻ em những câu hỏi thú vị về sự tích chú Cuội, chị Hằng trên cung trăng mà trẻ em luôn khao khát được khám phá thế giới thần tiên. Câu chuyện cũng dẫn dắt con người trở về với Tết Trung thu đậm chất dân gian và huyền bí…
Ngay sau mô hình “Đón trăng cùng thỏ ngọc” là mô hình “Vầng trăng cổ tích” của phường Thanh Tuyền. Mô hình được xây dựng nhỏ hơn so với các đội bạn, nhưng cũng gửi vào đó một thông điệp hay đến với trẻ em về Tết Trung thu.
Nhích từng centimet, mô hình đèn ông sao với chủ đề “Thiếu Nhi phường Lê Hồng Phong làm theo lời Bác” nhắc nhớ các em về sự biết ơn Bác Hồ, khơi gợi những tình cảm sâu sắc của thiếu nhi Việt Nam, thiếu nhi Hà Nam với Chủ tịch Hồ Chí Minh – người đã dành cho các cháu thiếu niên nhi đồng một tình cảm “không ai hơn” được! “Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan!”
Xã Liêm Tuyền với mô hình “Con trâu” đi sau một vầng trăng làm liên tưởng đến cuộc sống của những nông dân. Vầng trăng giống như lưỡi liềm, một công cụ gặt hái của nông dân Hà Nam, nó được thi vị hóa và chuyển thể thành một câu chuyện hay cho Tết Trung thu. Tác giả mô hình muốn gửi tới các cháu thiếu niên nhi đồng về vẻ đẹp của lao động, của sự cần cù và cống hiến…
Mô hình "Con voi" của xã Đinh Xá xuất hiện giữa một biển người dày đặc với một phong thái bước đi khoan thai, đáng yêu vô cùng. Nó là hiện thân của sức mạnh và sự giàu có. Người dân Đinh Xá luôn mong muốn và khát khao về sự giàu có và trường tồn. Vì thế, ở đây có một ngôi chùa mang tên Chùa Giàu, nơi còn lưu giữ một bảo vật Quốc gia – “Bia chùa Giàu”.
Mô hình “Cá chép hóa rồng” của phường Lương Khánh Thiện chuyển động sau đó. Được xây dựng từ các sản phẩm tre nứa, dưới bàn tay của nhiều nghệ nhân, cá chép hóa rồng thực sự là một mô hình Đèn trung thu to lớn nhất trong các mô hình tham dự diễn diễu trong buổi tối 16/9. Trogn văn hóa phương Đông, hình tượng này là biểu trưng cho sự nỗ lực, phấn đấu và may mắn. Rồng là hình ảnh tượng trưng cho Trời, có khả năng tối cao, hô mưa gọi gió, đồng thời, Rồng cũng thể hiện cho sự xuất hiện của điềm lành, sự an toàn và sức mạnh!
Mô hình cuối cùng trong đoàn diễn diễu đèn Trung thu tối 16/9 chính là “Nhà gà đi chơi hội trăng rằm” của phường Trần Hưng Đạo. Khác so với những buổi diễn diễu biểu dương tinh thần của cuộc thi trước đó, trong đêm thi chính thức, mô hình có sự chau chuốt và thành thục hơn trong biểu diễn. Vì thế, trẻ em không hề rời mắt trước những chú gà xinh đẹp, và những chú ếch đáng yêu, anh chàng Tôn Ngộ Không láu lỉnh, linh hoạt với các động tác múa gậy cùng Chư Bát Giới ục ịch, lúng liếng đi theo…
Theo thể lệ cuộc thi, mỗi đơn vị chỉ được trình diễn mô hình trong vòng 10 phút cho các nội dung Giới thiệu đội hình, thuyết minh về ý tưởng, hình dáng, kích thước mô hình. Tuy nhiên, do người xem quá đông, tuyến phố Biên Hòa trở thành một biển người dày đặc, khiến cho các xe mô hình khó khăn di chuyển. Điều đó mang đến cho người dân thành phố, đặc biệt là trẻ em một không khí hội hè hiếm có trong đời sống bấy lâu nay!
Theo ông Phạm Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND thành phố, cuộc thi là dịp để trẻ em các phường, xã được hòa mình vào không gian mang đậm dấu ấn cổ tích, từ đó giáo dục các em ý thức tôn trọng lịch sử, yêu mến văn hóa truyền thống, yêu quê hương, đất nước, nỗ lực học tập, phấn đấu trở thành con ngoan trò giỏi, chủ nhân tương lai của đất nước. Ông Phạm Văn Quân nhấn mạnh: “Chúng tôi rất mong muốn qua Cuộc thi này, các địa phương làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Hãy cho trẻ em một cuộc sống hạnh phúc hơn là đủ đầy về vật chất nhưng thiếu thốn về tinh thần. Tết Trung thu là của thiếu nhi, các em cần biết điều đó để dành cho những năm tháng tuổi thơ những khám phá, tìm tòi thật ý nghĩa….”
Tuần sau, vào tối thứ 7 ngày 23/9, cuộc thi tiếp tục diễn ra với các đơn vị còn lại của thành phố.
Giang Nam