Lễ đón Bằng xếp hạng Di tích quốc gia Căn cứ địa Lạt Sơn và Khai hội truyền thống đền thờ Nữ tướng Lê Chân

Sáng 27/8, tại đền thờ Nữ tướng Lê Chân (thôn Hồng Sơn, xã Thanh Sơn) UBND huyện Kim Bảng đã long trọng tổ chức Lễ đón Bằng xếp hạng Di tích quốc gia Căn cứ địa Lạt Sơn (gồm đền thờ Nữ tướng Lê Chân, núi Giát Dâu và đồi Bụt) và Khai hội truyền thống đền thờ Nữ tướng Lê Chân năm 2023.

Tới dự buổi lễ có các đồng chí: Trần Thị Ngân, Ủy viên Ban Thường vụ  Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; Nguyễn Đức Vượng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Hồng Sơn, TUV, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Kim Bảng; lãnh đạo Cục Quản lý Hành chính C06 Bộ Công An; các Giáo sư, Phó Giáo sư Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh); lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo huyện Kim Bảng, xã Thanh Sơn; đại diện lãnh đạo Quận Lê Chân (thành phố Hải Phòng); Hội đồng họ Lê tỉnh Quảng Ninh, cùng đông đảo nhân dân và du khách thập phương.

Lễ đón Bằng xếp hạng Di tích quốc gia Căn cứ địa Lạt Sơn và Khai hội truyền thống đền thờ Nữ tướng Lê Chân năm 2023
Các đại biểu dự lễ đón Bằng xếp hạng Di tích quốc gia Căn cứ địa Lạt Sơn.

Theo sử sách ghi lại, Nữ tướng Lê Chân sinh ngày mùng 8 tháng 2 năm 20 đầu Công nguyên ở trang Yên Biên, huyện Khúc Dương, quận Giao Chỉ (nay thuộc thôn An Biên, xã Thủy An, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh). Sinh ra dưới thời Đông Hán cai trị, mang mối thù nhà, nợ nước, nghe lời truyền hịch cứu nước của Hai Bà Trưng, Lê Chân đã đem nghĩa quân theo Hai Bà dựng cờ khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng thành công, Lê Chân được Trưng Nữ Vương phong là Thánh Chân công chúa, giữ chức Chưởng quản binh quyền nội bộ.

Lễ đón Bằng xếp hạng Di tích quốc gia Căn cứ địa Lạt Sơn và Khai hội truyền thống đền thờ Nữ tướng Lê Chân năm 2023
Thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL, đồng chí Nguyễn Đức Vượng, TUV,  Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao Bằng xếp hạnh Di tích quốc gia Căn cứ địa Lạt Sơn cho cán bộ, nhân dân
huyện Kim Bảng.

Năm 42, tướng nhà Đông Hán là Mã Viện đã đem quân chống lại quân nổi dậy của Hai Bà Trưng. Thế giặc mạnh, nghĩa quân nhiều người hy sinh, Hai Bà Trưng tuẫn tiết, Nữ tướng Lê Chân quyết định chọn vùng rừng núi hiểm trở Lạt Sơn, xã Thanh Sơn làm căn cứ phòng thủ chặn quân thù. Căn cứ chưa vững mạnh, binh lực không đủ đánh lui quân thù, nữ tướng Lê Chân đã cho toàn binh bí mật rút khỏi căn cứ để mưu kháng chiến lâu dài, bản thân và số ít tướng lĩnh, một bộ phận cảm tử quân chốt lại tử thủ.

Trong một trận huyết chiến ác liệt, không địch nổi lại giặc Hán, Thánh Chân Công chúa cùng mấy tướng tâm phúc rút lên núi Giát Dâu. Từ đỉnh núi cao, nữ tướng Lê Chân gieo mình tự vẫn để khỏi sa vào tay giặc. Đó là buổi chiều ngày 13 tháng 7 năm Quý Mão (43).

Lễ đón Bằng xếp hạng Di tích quốc gia Căn cứ địa Lạt Sơn và Khai hội truyền thống đền thờ Nữ tướng Lê Chân năm 2023
Đại diện lãnh đạo huyện Kim Bảng đánh trống khai hội.

Tưởng nhớ công ơn và sự hy sinh anh dũng của nữ tướng, nhân dân nơi đây lập đền thờ bà để bốn mùa hương khói phụng thờ. Đền thờ Nữ tướng Lê Chân có ở nhiều nơi: Quảng Ninh – quê cha đất mẹ; thành phố Hải Phòng –  nơi khai phá đất đai, chiêu mộ anh tài nuôi nghiệp lớn; Thủ đô Hà Nội - nơi bà lập sới vật rèn luyện quân sĩ và đền thờ Nữ tướng Lê Chân ở Hà Nam - nơi bà tuẫn tiết.

Đền thờ Nữ tướng Lê Chân ở Hà Nam trong năm có nhiều kỳ lễ hội, trong đó lễ hội lớn nhất là vào ngày 13 tháng 7, ngày hóa của nữ tướng. Nhiều người biết đến lễ hội đền bởi lễ rước kiệu độc đáo trên thuyền, những giá hát Văn hầu đồng đặc sắc và các trò hội sôi nổi, tưng bừng, như: đua thuyền câu trên sông Ngân, đánh cờ, chọi gà…

Lễ đón Bằng xếp hạng Di tích quốc gia Căn cứ địa Lạt Sơn và Khai hội truyền thống đền thờ Nữ tướng Lê Chân năm 2023
Các đại biểu dâng hương tại tượng thờ Nữ tướng Lê Chân.

Đồi Am (còn gọi đồi Bụt Mọc) là quả đồi cao gần 170m so với mực nước biển, một bên vách đá dựng đứng như bức tường thành. Trên đồi cây rừng mọc san sát, vừa có cây thân gỗ vừa có cây bụi đan xen. Căn cứ vào tư liệu Hán văn và truyền thuyết địa phương, vào khoảng thế kỷ XVI, Thiền sư Đinh Hạc, quê phủ Nghĩa Hưng, trấn Sơn Nam Hạ đến vùng Lạt Sơn thấy công lao của nữ tướng liền cho xây dựng chùa Thánh Chân tại vị trí của Tiên Động Thánh Chân (nơi chỉ huy của nữ tướng khi còn sống). Sau khi đã hoàn thành tâm nguyện, tuổi đã cao, nên Thiền sư đã chọn đồi Bụt Mọc nằm phía Tây Nam làng dựng ngôi chùa trên núi thờ phật và tu luyện tại đó. Khi Thiền sư mất, dân làng an táng ngay dưới chân đồi và xây am thờ. Từ đó đồi Bụt Mọc đổi tên thành đồi Am.

Lễ đón Bằng xếp hạng Di tích quốc gia Căn cứ địa Lạt Sơn và Khai hội truyền thống đền thờ Nữ tướng Lê Chân năm 2023
Đội trống hội Đền Lê Chân biểu diễn tại lễ khai hội.

Lạt Sơn, nơi Nữ tướng Lê Chân chọn làm căn cứ địa còn là vùng đất cổ. Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy nhiều cổ vật quý, là dấu tích của nền văn hóa Đông Sơn, như: mộ cổ, cuốc, rìu đồng, dao gặt lúa, lưỡi cày chìa vôi, giáo, chậu đồng, bát gỗ, khuyên tai bằng đá, đặc biệt là ba chiếc Trống đồng: Trống Lê Chân, Bút Sơn I và Bút Sơn II được phát hiện tại nơi đây đã chứng minh rằng cư dân Việt cổ xuất hiện ở Thanh Sơn từ rất sớm.

Tại khu vực Thung Bể, Bảo tàng tỉnh Hà Nam còn phát hiện 3 tấm bia ma nhai có niên đại rất sớm, trong đó 2 tấm bia có niên đại khoảng thế kỷ 16, 17; 1 tấm bia thời Mạc (niên hiệu Mạc Tuyên Tông). Nội dung của 3 tấm bia này rất có giá trị về mặt lịch sử, là tư liệu Hán Nôm duy nhất tính đến nay cho chúng ta biết thông tin quý về Nữ tướng Lê Chân.

Tháng 6/2021, Bảo tàng tỉnh Hà Nam đã  phối hợp Viện Khảo cổ học tổ chức điều tra, điền dã, nghiên cứu về quần thể di tích thờ Nữ tướng Lê Chân, tại núi Thung Bể đã phát hiện ra nền móng liên quan quần thể kiến trúc rất quy mô, ngôi chùa thờ Thánh Chân được xây dựng cách đây khoảng trên 600 năm.

Lễ đón Bằng xếp hạng Di tích quốc gia Căn cứ địa Lạt Sơn và Khai hội truyền thống đền thờ Nữ tướng Lê Chân năm 2023
Biểu diễn hoạt cảnh Nữ tướng Lê Chân chỉ huy quân sĩ tại Căn cứ địa Lạt Sơn.

Với những giá trị về lịch sử, văn hóa và khảo cổ học, vùng Căn cứ địa Lạt Sơn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) ra Quyết định xếp hạng Di tích cấp quốc gia loại hình lưu niệm sự kiện. Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL, đồng chí Nguyễn Đức Vượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã trao Bằng xếp hạng Di tích quốc gia Căn cứ địa Lạt Sơn cho cán bộ và nhân dân huyện Kim Bảng.

 Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia Căn cứ địa Lạt Sơn và Khai hội truyền thống đền thờ Nữ tướng Lê Chân của huyện Kim Bảng năm 2023 nhằm thể hiện sự tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay đối với những di sản văn hóa của cha ông ta để lại; khẳng định những giá trị nổi bật về lịch sử, văn hóa nơi ghi dấu các sự kiện lịch sử, cũng là nơi thờ phụng, tôn vinh công lao của Nữ tướng Lê Chân. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu về văn hoá tâm linh của nhân dân và du khách thập phương đối với Thánh Mẫu Lê Chân; khơi dậy lòng tự hào dân tộc, góp phần giáo dục và phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa cho các thế hệ noi theo.

Chu Bình

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy