Luyện tập, biểu diễn văn nghệ là một trong những phong trào có vai trò quan trọng trong hoạt động của các cấp học và các nhà trường nhằm tạo môi trường vui chơi, giải trí lành mạnh; góp phần quan trọng trong việc giáo dục đạo đức và hình thành nhân cách cho học sinh theo phương châm giáo dục toàn diện.
Trên cơ sở đó, ngay từ đầu năm học ngoài việc nâng cao chất lượng của việc học văn hóa, ngành giáo dục đã chỉ đạo các nhà trường quan tâm đẩy mạnh hoạt động văn nghệ trong học sinh. Bám sát tinh thần đó, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (TP Phủ Lý) đã chỉ đạo Liên đội nhà trường xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động văn nghệ theo từng năm học để học sinh được học mà chơi, chơi mà học. Hằng năm, Liên đội nhà trường xây dựng kế hoạch hoạt động xuyên suốt theo chủ điểm các ngày lễ lớn trong năm học để tổ chức các hoạt động văn nghệ và thành lập các đội văn nghệ, các câu lạc bộ Em yêu âm nhạc…, tạo sân chơi lành mạnh, là nơi giao lưu, mở rộng tình đoàn kết, học hỏi, cũng như gắn kết tình cảm giữa các chi đội và các chùm sao nhi đồng với nhau.
Theo chia sẻ của lãnh đạo nhà trường, những năm qua, bên cạnh việc chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, trong phong trào xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, nhà trường luôn chú trọng phát triển các hoạt động văn nghệ cho học sinh các khối lớp. Qua đó, không chỉ tạo nguồn cảm hứng để phát huy các yếu tố sáng tạo nghệ thuật, mà còn hướng tới việc nâng cao nhận thức thẩm mỹ để học sinh biết yêu quý cái đẹp, hoàn thiện nhân cách. Hoạt động này của trường được đông đảo học sinh, cán bộ, giáo viên và cả cha mẹ học sinh hưởng ứng nhiệt tình, tạo sự lan tỏa sâu rộng, đạt hiệu quả cao.
Mỗi nhà trường, theo đặc thù của từng cấp học đã chủ động, sáng tạo triển khai tích cực biện pháp để thúc đẩy phong trào văn nghệ; thường xuyên tổ chức chương trình chào mừng các ngày lễ lớn, tham gia các hội thi liên hoan văn nghệ của địa phương và ngành giáo dục phát động. Cô giáo Phạm Thị Thanh Lan, Hiệu trưởng Trường THPT Lý Thường Kiệt (Kim Bảng) cho biết: Với phương châm "Vui để học tập, khỏe để cống hiến”, phong trào văn hóa, văn nghệ cũng như phong trào thể dục, thể thao luôn được nhà trường quan tâm phát động, tạo sân chơi lành mạnh trong toàn trường. Hằng năm, vào dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn, nhà trường tổ chức các cuộc thi văn nghệ, thể dục thể thao tạo khí thế tập luyện thi đua sôi nổi giữa các lớp. Thông qua việc tham gia các phong trào, nhà trường kịp thời phát hiện và bồi dưỡng những hạt giống văn nghệ, tạo ra sân chơi lành mạnh giúp học sinh phát triển năng khiếu, đam mê của mình; đồng thời còn giúp các em tránh xa sự cám dỗ của những trò giải trí vô bổ, các tệ nạn xã hội. Hơn thế, học sinh biết cách đặt ra mục tiêu và nỗ lực để hoàn thành mục tiêu đó; đồng thời, học được tính kỷ luật, sự kiên trì và tinh thần vượt khó. Ðây đều là những đức tính tích cực, những kỹ năng sống quan trọng giúp học sinh phát triển toàn diện về cả trí và lực.
Có thể nói, phong trào văn nghệ của các trường học trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm phát triển tương đối rộng khắp; trở thành một trong những hoạt động mang tính thường xuyên của ngành, thu hút sự tham gia của đông đảo giáo viên, học sinh, góp phần không nhỏ vào việc xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực. Theo đánh giá, nếu các đội văn nghệ của trường THPT có thế mạnh về nhảy và múa hiện đại; trường cấp tiểu học và THCS có nhiều lợi thế về đàn, ca, đội kèn trống nghi thức; các trường mầm non lại mạnh về múa.
Trên cơ sở phát huy các lợi thế, thế mạnh về văn nghệ của từng cấp học, từng trường học, ngành giáo dục các địa phương đã tập trung chỉ đạo xây dựng và duy trì có hiệu quả nhiều hoạt động văn nghệ mang tính tập thể, như: múa hát tập thể, thi hát đồng ca, giao lưu biểu diễn văn nghệ giữa các cấp học… Phòng giáo dục – đào tạo các huyện, thị xã, thành phố cũng thành lập và phát huy tốt vai trò của Hội đồng bộ môn Âm nhạc trong việc tư vấn chuyên sâu các vấn đề liên quan đến văn hóa, văn nghệ cho các nhà trường, thường xuyên kết nối và gây dựng phong trào văn nghệ cho các trường học trên địa bàn. Hầu hết những tiết mục đều do học sinh tự biên, tự diễn; nhưng khá đa dạng, phong phú, có cả từ các tiết mục ca múa hiện đại đến văn nghệ dân gian. Các trường học đều thành lập đội văn nghệ và các câu lạc bộ sở thích, thu hút hàng chục thành viên có năng khiếu, sở trường về văn nghệ, âm nhạc tham gia. Từ thực tế triển khai, phát triển phong trào cho tới các hoạt động biểu diễn giao lưu, thi diễn… có nhiều tiết mục do học sinh các nhà trường biểu diễn đã thể hiện tương đối tốt, tính chuyên nghiệp về cả khâu lựa chọn tác phẩm, chuẩn bị trang phục biểu diễn, đạo cụ phụ trợ cho tới cách biểu diễn, trình bày tiết mục; khẳng định rất rõ tài năng của học sinh. Chính vì vậy, phong trào văn nghệ đã thực sự trở thành một điểm nhấn của nhiều trường học các cấp; đóng góp không nhỏ cho sự phát triển và thành tích trong phong trào văn nghệ quần chúng của toàn ngành.
Theo chia sẻ của lãnh đạo nhà trường, những năm qua, bên cạnh việc chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, trong phong trào xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, nhà trường luôn chú trọng phát triển các hoạt động văn nghệ cho học sinh các khối lớp. Qua đó, không chỉ tạo nguồn cảm hứng để phát huy các yếu tố sáng tạo nghệ thuật, mà còn hướng tới việc nâng cao nhận thức thẩm mỹ để học sinh biết yêu quý cái đẹp, hoàn thiện nhân cách. Hoạt động này của trường được đông đảo học sinh, cán bộ, giáo viên và cả cha mẹ học sinh hưởng ứng nhiệt tình, tạo sự lan tỏa sâu rộng, đạt hiệu quả cao.
Thanh Hà