Khó khăn cần sớm được tháo gỡ tại các trung tâm văn hóa, thông tin và thể thao cấp huyện

Ngay sau khi có Quyết định của UBND tỉnh về việc thành lập Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao (gọi tắt là trung tâm) trên cơ sở sáp nhập Đài Truyền thanh với Trung tâm Văn hóa, Thể thao (VHTT) cấp huyện, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh trong nửa đầu tháng 7 đã tổ chức hội nghị công bố quyết định thành lập trung tâm. Là đơn vị trực thuộc UBND các huyện, thị xã, thành phố, hoạt động đặc thù, đa lĩnh vực, đa nhiệm vụ đòi hỏi sự nỗ lực rất cao của cán bộ, viên chức các trung tâm, tuy vậy sau thành lập các trung tâm gặp một số khó khăn.

Là đơn vị công bố Quyết định thành lập trung tâm sớm nhất nhưng huyện Lý Nhân đến nay chưa bổ nhiệm được Ban giám đốc trung tâm, mới chỉ cử một cán bộ phụ trách chung. Ngoài Lý Nhân, các trung tâm khác cũng chưa có đầy đủ cán bộ lãnh đạo, như Trung tâm huyện Bình Lục mới có giám đốc chưa có phó giám đốc; thị xã Duy Tiên chưa có giám đốc, mới có 2 phó giám đốc. Điều đáng nói, ở những trung tâm chưa bổ nhiệm đủ lãnh đạo quản lý đa phần cán bộ lãnh đạo trung tâm VHTT trước đây chuyển công tác nên việc tìm cán bộ thay thế không dễ. Các đơn vị có đầy đủ ban giám đốc gồm TP Phủ Lý, Kim Bảng, giám đốc các trung tâm là những đồng chí nguyên trưởng đài truyền thanh trước đây, phó giám đốc là các đồng chí cán bộ trung tâm VHTT cũ. Huyện Thanh Liêm có giám đốc và 1 phó giám đốc trung tâm nguyên là lãnh đạo Đài Truyền thanh huyện.

Về việc thực hiện chuyên môn, các đơn vị có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch hoạt động trình UBND huyện phê duyệt và tổ chức thực hiện. Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ (VHVN), tuyên truyền cổ động, đọc sách báo, giải trí, câu lạc bộ, nhóm sở thích, lớp năng khiếu nghệ thuật. Tổ chức các hoạt động thể dục thể thao (TDTT), hướng dẫn kỹ thuật, phương pháp và điều kiện tập luyện cho các tổ chức và cá nhân; tổ chức các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn, thi đấu và hướng dẫn phong trào VHVN, TDTT ở cơ sở; phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu VHVN, TDTT; sưu tầm, bảo tồn và hướng dẫn các loại hình nghệ thuật dân gian, các môn thể thao truyền thống. Tổ chức các hoạt động tác nghiệp chuyên môn, các hoạt động dịch vụ VHTT và các hoạt động dịch vụ khác đáp ứng nhu cầu của nhân dân địa phương; hợp tác, giao lưu, trao đổi chuyên môn nghiệp vụ và các hoạt động trong lĩnh vực VHTT và du lịch với các đơn vị, tổ chức trong và ngoài tỉnh. Sản xuất và phát sóng các chương trình truyền thanh nhằm tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, điều hành của chính quyền địa phương, các hoạt động tại cơ sở. Tiếp sóng và phát sóng các chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nam phục vụ nhu cầu tiếp nhận thông tin của nhân dân. Trực tiếp quản lý hệ thống kỹ thuật chuyên ngành để vận hành các đài phát sóng phát thanh trên địa bàn…

Khó khăn cần sớm được tháo gỡ tại các trung tâm văn hóa thông tin và thể thao cấp huyện
Nhân viên Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Thanh Liêm sản xuất chương trình truyền thanh. Ảnh: Thu Thảo

Với khối lượng công việc lớn, nhưng hiện nay, số lượng cán bộ, viên chức của các trung tâm chưa đáp ứng yêu cầu. Hiện TP Phủ Lý có gần 30 người, huyện Lý Nhân có 22 người, còn các đơn vị khác có từ 15 – 17 người, trong đó huyện Bình Lục sau sáp nhập chỉ có 15 người, là đơn vị có số cán bộ, viên chức ít nhất sau sáp nhập.

Bà Trần Thị Hằng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Bình Lục cho biết: Vừa thiếu nhân lực, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Bình Lục còn thêm phần khó khăn khi đa số cán bộ, viên chức của trung tâm đều là nữ, chỉ có 4/15 người là nam giới, hơn nữa phần nhiều cán bộ, viên chức của trung tâm có chuyên môn thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Vì vậy, tiếp nhận khối lượng công việc lớn với khoảng 20 đầu việc lại mang tính chất đặc thù không có giờ giấc, ngày nghỉ nhất định nên buộc anh em vừa phải trau dồi chuyên môn nghiệp vụ vừa tích cực chủ động nắm bắt, triển khai các nhiệm vụ được giao. Trung tâm đã đề xuất huyện xây dựng đề án vị trí việc làm và bổ sung thêm biên chế, tạo điều kiện cho trung tâm được hợp đồng tuyển dụng cộng tác viên hỗ trợ cho các hoạt động.

Với huyện Lý Nhân, mặc dù số cán bộ tương đối đông và đa phần là nam giới nhưng theo bà Cao Thị Thu Giang, phụ trách Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện, do chưa có lãnh đạo, nhân lực ở Đài Truyền thanh lại chiếm đa phần nên để triển khai các nhiệm vụ một cách bài bản cần phải có thời gian nhất định. Rất mong huyện sớm kiện toàn ban giám đốc, đồng thời đề nghị Phòng Văn hóa Thông tin huyện ngoài thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực VHTT, du lịch, tăng cường chỉ đạo, hỗ trợ trung tâm thêm về chuyên môn. Đề nghị các đơn vị chuyên môn của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch mở các lớp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, viên chức các trung tâm.

Khó khăn của các đơn vị trên cũng là khó khăn chung của các trung tâm, trong đó thiếu nhân lực, nhất là ở đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở là những khó khăn hiện hữu. Do vậy, trước mắt các trung tâm cần xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể, bố trí cán bộ, viên chức phù hợp với năng lực, trình độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Chu Bình

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.