Bên cạnh triển khai thực hiện tốt các hoạt động chuyên môn, nhiều năm qua, ngành giáo dục còn có thế mạnh về phong trào văn hóa, văn nghệ. Trong mỗi nhà trường, phong trào văn hóa, văn nghệ đã trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng, được quan tâm phát triển mạnh. Khi tham gia các phong trào văn nghệ, xuất hiện trên sân khấu với tư cách “ca sĩ”, “nghệ sĩ” biểu diễn các tiết mục hát, múa, nhiều giáo viên đã khiến khán giả trầm trồ, thán phục bởi sự đa tài, tính chuyên nghiệp. Hoặc có những nhà giáo chỉ tham gia hoạt động văn nghệ mang tính tập thể, như: múa hát tập thể, hát đồng ca… nhưng khi bước lên sân khấu họ vẫn có được cho mình một phong thái khác hẳn lúc đứng trên bục giảng.
Là một giáo viên giỏi dạy môn Âm nhạc của Trường THCS Thanh Hà (Thanh Liêm), cô giáo Bạch Kim Hiên còn được nhiều người biết đến bởi rất có duyên với phong trào văn nghệ quần chúng. Bạch Kim Hiên được trời phú cho một hình thể đẹp, một khuôn mặt “bắt” đèn sân khấu cùng khả năng hát và diễn rất “ngọt”. Cô giáo Hiên đam mê ca hát, yêu ánh đèn sân khấu và không khí sôi động của phong trào văn nghệ quần chúng. Do được học hành bài bản về thanh nhạc, biết nhiều thể loại âm nhạc, biết thẩm âm và cảm thụ các tác phẩm âm nhạc, có tố chất biểu diễn mang tính chuyên nghiệp, luôn đi đầu trong các hoạt động văn nghệ phục vụ cho các chương trình, công việc của nhà trường và các chương trình, hoạt động chính trị của các ngành, của địa phương. Sự chuyên nghiệp đó thể hiện rất rõ khi cô giáo Hiên lên sân khấu biểu diễn, từ sự duyên dáng bản lĩnh sân khấu vốn có cho tới những kỹ năng làm chủ sân khấu. Vừa làm tốt công việc chuyên môn của một cô giáo, vừa tích cực tham gia các phong trào, cô giáo Hiên dường như sinh ra để dành cho sân khấu - dù chỉ là những sân khấu của phong trào văn nghệ quần chúng.
Không chỉ có cô giáo Bạch Kim Hiên, những sân khấu của ngành, của các địa phương còn có sự xuất hiện của rất nhiều nhà giáo, như các cô giáo: Đinh Thị Trang (Trường Tiểu học Trần Quốc Toản), Nguyễn Thị Thủy, Nguyễn Thúy Nhung (Trường Mầm non Hoa Sen, thành phố Phủ Lý), Vũ Thị Lụa (Trường Tiểu học Châu Sơn, thành phố Phủ Lý), Trịnh Thị Hà (Trường THCS Trung Lương, Bình Lục), Lê Thị Hằng (Trường Tiểu học Đồng Du, Bình Lục), Hoàng Kỳ Dịu (Trường THCS Châu Giang, Duy Tiên), Trần Hiền Hòa (Trường Mầm non Nhân Mỹ, Lý Nhân)… Có ưu thế về giọng hát, sự hăng hái, nhiệt tình tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ trong nhà trường hay của ngành và địa phương đã giúp các nhà giáo ấy có thêm nhiều cơ hội được đứng trên sân khấu để hát và tham gia các phong trào chung. Với họ, “sân khấu” dù lớn hay nhỏ đều là nơi để thể hiện năng lực, năng khiếu của bản thân, “phiêu” theo những ca từ, thanh âm, được cháy hết mình với đam mê và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Vì thế, họ luôn có sự chuẩn bị rất tốt tâm thế, năng lực cùng những điều kiện phụ trợ trước khi bước lên sân khấu. Cũng từ những sân khấu ấy đã giúp họ có thêm sự tự tin, hỗ trợ tích cực cho công việc chuyên môn.
Cũng có những cô giáo, thầy giáo không tham gia thường xuyên ở những sân khấu lớn tại các cuộc thi, hội thi hay phục vụ nhiệm vụ chính trị của ngành, của các địa phương, mà chỉ tham gia các hoạt động văn nghệ, biểu diễn các tiết mục văn nghệ trên sân khấu nhỏ ở cấp trường vào mỗi dịp kỉ niệm, ngày lễ… Các tiết mục văn nghệ họ tham gia có khi là các tiết mục đơn ca, nhưng hầu hết là các tiết mục có tính tập thể. Dẫu thế, họ vẫn xác định rõ được trách nhiệm của mình, sẵn sàng dành thời gian tập luyện để có thể thực hiện tròn vai. Trên sân khấu, các “nghệ sĩ” nghiệp dư ấy đôi khi vẫn bị áp lực bởi tâm lý, bị ngợp bởi không khí. Những lời hát đôi khi còn lệch tông, điệu múa còn vụng về chưa mềm dẻo, chưa có nhiều kỹ năng xử lý sân khấu… nhưng họ luôn nỗ lực đi đến cùng với các tiết mục. Thậm chí, có nhiều thầy, cô như “thoát vai” những nhà giáo có phong thái đĩnh đạc, chuẩn mực hằng ngày để “biến hóa” thành những “nghệ sĩ” hát, múa thực thụ. Niềm vui và sự cổ vũ lớn nhất đối với họ chính là sự cổ vũ nhiệt tình của đồng nghiệp, của học trò. Và, sau khi rời sân khấu, “thoát vai” nghệ sĩ, họ lại trở về làm công việc mà họ hằng yêu thích là đứng trên bục giảng, say mê với những bài giảng cho các thế hệ học trò.
Mỗi nhà trường, mỗi cấp học không chỉ có những đặc điểm khác nhau về thực hiện các nhiệm vụ giáo dục và đào tạo, mà ngay cả trong các phong trào như văn hóa, văn nghệ cũng luôn tạo ra những điểm khác biệt, riêng có. Đóng góp tích cực vào các phong trào ấy chính là các “ca sĩ” trong trường học.
Thanh Hà