Hoài niệm Tết Đoan Ngọ…

Sự biến đổi khí hậu diễn ra bất thường vài năm nay làm cho mùa hè nóng hơn, dài hơn. Nóng quá cũng quen, dường như không nhiều người nghĩ đến một thời điểm bắt đầu của sự nóng nực nữa. Ấy là Tết Đoan Ngọ hay gọi là Đoan Dương. Tôi thì khác, tứ thời tiết lập thay đổi thế nào thì trong lòng vẫn cứ nhớ Tết Đoan Ngọ, nghĩ về nó đến suốt đời.

Trong ký ức của tôi, những cái Tết truyền thống đều thúc giục tinh thần hướng về nó. Gia đình tôi vốn trọng mọi lễ nghi truyền thống nên bất kỳ cái Tết nào trong bốn mùa đều được chú ý. Tôi nhớ, một ngày đầu tháng Năm nóng nực, mẹ tôi phơi cả sân thóc vàng óng dưới nắng già như lửa. Cứ ba mươi phút một lần, mẹ tôi rũi thóc cho khô. Tôi theo mẹ xuống sân, thấy bàn chân nóng rẫy rồi chạy vội lên hè. Ngày ấy, cả làng tôi không có điện. Bà nội lúc nào cũng giang cánh tay quạt thật lực để ba, bốn đứa cháu cởi trần như nhộng nằm nhoài ra đất được mát. Rồi bà nhắc mẹ tôi: “Chị xem cái hũ rượu cái thế nào nhé, sáng mai múc cho mỗi đứa một chén nhỏ chiết sâu bọ”. Bà gọi các con là anh, chị hết! Tục xưng hô ở làng như vậy. Tôi chả biết chiết sâu bọ là gì, tại sao phải chiết sâu bọ. Tôi giật tay áo bà hỏi: Bà bảo chiết sâu bọ là sao? Ở đâu có sâu bọ hả bà?

Hoài niệm Tết Đoan Ngọ…
Làm bánh cho ngày Tết Đoan ngọ là tập tục của nhiều gia đình Việt. Ảnh: Chu Uyên

Bà tôi giỏi thơ ca, hò vè, cứ nhắc đến chuyện gì là biến tấu thành thơ ngay. Bà nói: “Tháng Tư đong đậu nấu chè/ Ăn Tết Đoan Ngọ trở về tháng Năm. Cụ tổ nhà ta dạy ta cứ đến ngày 5 tháng 5 là phải chiết sâu bọ. Nói là chiết cũng được, giết cũng được. Đây là ngày sự nóng nực trong con người, ngoài con người đều đến tột cùng con ạ. Vì thế, sâu bọ cũng nảy nở sinh sôi dữ dội. Con nhìn người các con kìa, rôm xẩy mọc như kê nhé. Rồi mai kia, mụn nhọt tứ tung… Phải ăn rượu nếp, trái quả chua, tắm nước lá thơm để diệt sâu bọ, giữ gìn sức khỏe. Nhớ là như thế để sau này theo nếp ấy mà làm con nhé!”

Tôi không hiểu được hết những gì bà nói, chỉ biết sáng sớm hôm sau, bà bắt chúng tôi mỗi đứa ăn một chén nhỏ rượu nếp cái, nhai một quả chanh non chua lún cả răng. Làm xong thủ tục ấy, tôi thấy bà tôi vui vẻ, yên tâm vô cùng. Bà cũng làm một chén rượu, ăn một trái chanh non.

Cứ thế, năm nào cũng vậy, cứ đến ngày này, bà tôi lại giục mẹ tôi làm rượu, chuẩn bị vài thứ quả chua, chát để cả nhà giết sâu bọ. Buổi trưa, mẹ tôi làm thịt vịt, bày cỗ cúng tổ tiên. Trong cái nóng oi óc của tháng Năm ấy, chúng tôi ăn gì cũng vẫn thấy ngon. Cả nhà rộn rã tiếng cười nói, hạnh phúc. Mẹ tôi bảo, đấy là ngày đoàn tụ gia đình.

Hoài niệm Tết Đoan Ngọ…

Sau này lớn lên, tôi được ông nội giảng giải về Tết Đoan Ngọ là thế nào. Ông học Hán Văn thời phong kiến, cũng có dự định ứng thí làm quan, nhưng không gặp thời nên đành thuận thời mà sống “quẳng bút lông đi viết bút chì”. Ông bảo, ngày này ở Trung Quốc người ta tưởng nhớ một người giỏi thơ ca, chữ nghĩa, từng làm trọng quan triều đình thời vua Sở Hoài Vương, tên là Khuất Nguyên. Ban đầu, ông này được vua sủng ái lắm, vì sự sủng ái đó mà có nhiều người ghen ghét, tìm mọi kế hãm hại, làm cho vua Sở nghi ngờ, ghét bỏ ông.

Hết đời vua Hoài Vương, đến đời vua Tương Vương, con trai Sở Hoài Vương lên ngôi, cũng nghe theo bọn ngu thần, ghét bỏ Khuất Nguyên, đẩy ông về Giang Nam, phía Nam sông Dương Tử. Khuất Nguyên ôm hận quyên sinh trên dòng Mịch La đúng vào ngày mồng 5 tháng 5, để lại trần gian nỗi thương tiếc khôn nguôi cho biết bao kẻ hiền sỹ, chính trực. Do vậy ngày mồng 5 tháng 5 là ngày người Trung Hoa tưởng nhớ Khuất Nguyên.

Hoài niệm Tết Đoan Ngọ…
Những thứ cần có trong ngày Tết Đoan Ngọ...

Việt Nam vốn ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa nhiều năm, những nghi lễ ấy cũng có sự hòa nhập vào đời sống xã hội, không rõ từ bao giờ. Nhưng sự phát triển của lịch sử, người Việt Nam đã có những kiến giải riêng về lễ tiết trong năm. Tết Đoan Ngọ còn được gọi là tết giết sâu bọ, Tết nửa năm, tết Dương ngọ. Nhiều lệ tục vào ngày này được thực hiện nhằm phục vụ lẽ sống của con người, khao khát của con người về cuộc sống, nhân sinh và tinh thần. Ông tôi bảo,  không chỉ ở quê tôi, người ta thường lấy lá móng nhuộm các đầu ngón tay, nhưng không được nhuộm ngón tay trỏ và ngón chân trỏ. Sáng sớm ăn rượu cái, trái quả chua để giết sâu bọ. Trẻ con ăn xong, bôi hồng hoàng vào thóp đầu, vào ngực, vào rốn để khử trùng. Buổi trưa sau khi cúng ông bà, tổ tiên xong người ta đi hái lá mồng năm, gặp lá gì cũng hái, nhưng cố gắng nhặt lá cối xay, lá vối, lá muỗm … đem về ủ phơi khô, nấu nước, uống cho lành. Bà tôi ra ruộng cắt ít lúa non, về tuốt lấy thóc, đem rang cho nổ thành nẻ, thành hoa, bỏ vào nồi nước mưa đun kỹ cho  con cháu uống. Nước chẳng có vị gì, chỉ thấy mùi thơm của lúa mới, khuấy động tâm hồn, làm cho người ta không quên được hương vị quê nhà mỗi khi đến mùa lúa.

Tết Đoan Ngọ nhà tôi vui lắm. Ông bà tôi sinh nhiều con gái, theo tục thì ngày này, mỗi chàng rể phải mang đến Tết bố vợ một con ngỗng, hoặc một con ngan hay đôi vịt… tùy điều kiện. Các chú, các bác tôi người thì mang vịt, người mang ngan Tết bố vợ. Một bữa cơm ngày Tết nóng không một gợn gió cũng làm mát lòng ông bà tôi.

Hoài niệm Tết Đoan Ngọ…
Hoa trái, rượu nếp dành cho ngày Tết Đoan ngọ...

 Theo thời gian, chúng tôi lớn lên và xa nhà. Nhưng cứ đến ngày này, dù con cháu ở đâu xa cũng phải về đoàn tụ. Bà nội tôi đặt ra quy ước ấy để chúng tôi phải nhớ gia phong, gìn giữ gia phong. Và, Tết Đoan Ngọ năm 1998, trời nóng như lửa, mất điện. Cả sân thóc mẹ tôi phơi tràn dưới nắng. Bà tôi ốm nằm trong nhà bức bối, chờ chúng tôi về ăn Tết. Năm nay, cả nhà chưa ai kịp “chiết sâu bọ”, vì bà bảo phá lệ, chờ chúng tôi về mới tiến hành lễ tục ấy, không cần phải buổi sớm mai. Nhưng không ngờ, cái nóng của tháng Năm làm bà không chịu đựng được, bà bỏ chúng tôi đi về bên kia thế giới… Bà mất đúng ngày Tết Đoan Ngọ, đúng ngày giỗ của Khuất Nguyên.

Bây giờ làm việc trong phòng lạnh, ăn cơm, ngủ nghỉ trong phòng lạnh… không mấy ai để ý đến ngày Tết nửa năm này ra sao, nhưng tôi vẫn thấy nhớ, nóng ran tâm hồn vì những hoài cảm xa xôi của tuổi thơ, của Tết Đoan Ngọ, của những điều gắn với đời sống gia đình tôi.

Giang Nam

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy