Kể từ mùa Xuân năm Kỷ Dậu (1789), 228 năm đã qua, gần 4 vòng hoa giáp, lịch sử dân tộc nói chung, Hà Nam nói riêng vẫn in đậm dấu son chiến thắng của người Anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ. Nhân dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu, chúng ta ôn lại chiến thắng xưa để tự hào và vươn tới.
Tượng đài, đền thờ Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ (tại gò Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: hanoimoi.com.vn
Giữa năm 1788, trước tình cảnh hỗn loạn ở Bắc Hà, Nguyễn Huệ tự cầm quân ra Bắc để lập lại trật tự. Lê Chiêu Thống vội vã chạy sang Quảng Tây (Trung Quốc) cầu cứu triều đình Mãn Thanh. Vua Càn Long nhà Thanh lập tức giao cho Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị làm thống soái, chỉ huy 29 vạn quân xâm lược nước ta, bè lũ Lê Chiêu Thống cũng bám gót chúng theo về.
Theo kế sách tránh mũi nhọn ban đầu của địch của Ngô Thì Nhậm, Ngô Văn Sở quyết định tổ chức cuộc rút lui chủ động về phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn để bảo toàn lực lượng.
Ngày 17/12/1788, quân Thanh chiếm đóng thành Thăng Long. Đề phòng quân Tây Sơn, Tôn Sĩ Nghị cho lập tuyến phòng ngự ở phía Nam với các đồn lũy kiên cố, lần lượt là đồn Ngọc Hồi (Thanh Trì), Hà Hồi (Thường Tín). Trên đất phủ Lỵ Nhân (trấn Sơn Nam Thượng) địch lập 3 đồn: Nhật Tảo (Duy Tiên), Hoàng Đan và một đồn ở bờ Bắc sông Nguyệt Quyết, huyện Thanh Liêm.
Nhận được tin cấp báo, ngày 22/12/1788, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu Quang Trung, lập tức thống lĩnh đại quân thủy bộ tiến ra Bắc Hà.
Ngày 20 tháng Chạp năm Mậu Thân, tức ngày 15/1/1789, đại quân tới phòng tuyến Tam Điệp, vua Quang Trung truyền hịch, kể tội quân xâm lược và động viên nhân dân Bắc Hà đoàn kết, quyết tâm diệt giặc.
Được tin, Tôn Sĩ Nghị vội vã tăng cường phòng thủ. Mặt khác, gấp rút điều quân Lê từ Sơn Tây xuống Gián Khẩu (Gia Viễn, Ninh Bình) lập thành một đồn tiền tiêu mới để ngăn chặn quân đội Tây Sơn.
Nắm được mưu đồ và cách bố trí lực lượng của địch, Nguyễn Huệ quyết định chia làm 5 đạo để tiến đánh quân Thanh, 2 đạo quân thủy xuất phát từ Biện Sơn (Thanh Hóa), 3 đạo quân bộ có cả tượng binh, kỵ binh xuất phát từ Tam Điệp. Đạo quân chủ lực do đích thân Nguyễn Huệ chỉ huy cùng 2 đạo quân do đô đốc Bảo, đô đốc Long chỉ huy tạo thành ba mũi tấn công trên bộ. Hai đạo quân do đô đốc Tuyết, đô đốc Lộc chỉ huy tiến theo đường biển vào Lục đầu giang tạo thành gọng kìm uy hiếp và chặn đường rút chạy của quân Thanh.
Ngày 30 tháng Chạp năm Mậu Thân, Hoàng đế Quang Trung cho làm lễ khao quân, tuyên bố với tướng sỹ: "Nay hãy làm lễ ăn Tết Nguyên đán trước, đợi đến ngày mồng 7 tháng Giêng vào thành Thăng Long sẽ mở tiệc lớn". (1)
Mũi chính diện do đạo quân chủ lực của Nguyễn Huệ chỉ huy đánh vào mặt Nam Thăng Long đã tiêu diệt đồn Gián Khẩu, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Đặc biệt, 3 đồn trên đất Hà Nam được quân Thanh củng cố khá kiên cố, với hào sâu, lũy dày. Nhưng với sức mạnh áp đảo, ngay trong đêm 30 tháng Chạp, đồn ở bờ Bắc sông Nguyệt Quyết (tức sông Đáy ngày nay) trên đất thôn Đoan Vĩ (xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm) đã nhanh chóng bị tiêu diệt, tiếp đến là đồn Hoàng Đan (nay là thôn Hoàng Xá, Liêm Phong, Thanh Liêm) bị hạ. Do toán quân do thám của địch đã bị đội quân tiên phong Tây Sơn bắt hết, nên quân Thanh đóng ở đồn Nhật Tảo (Duy Tiên) vẫn chủ quan. Đồn này nằm giữa bờ tả sông Nguyệt Quyết và sông Mang Cổ (nay đã bị bồi lấp gần hết). Thời Trần, Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư được phong thái ấp ở Dưỡng Hòa (Duy Hải, Duy Tiên) ngay bên bờ sông Mang. Nhật Tảo nay là thôn Nhật Tựu, xã Nhật Tựu, huyện Kim Bảng.
Nắm chắc tình hình địch ở đồn Nhật Tảo, đạo quân của Nguyễn Huệ không tiến thẳng mà vòng sang phải đánh tạt sườn địch, làm cho chúng hoàn toàn bất ngờ. Quân ta lấy đồn dễ như chẻ tre.
Trong khi đạo quân chủ lực chủa Hoàng đế Quang Trung liên tiếp tiêu diệt các đồn quân Thanh, thì hai đạo quân của đô đốc Bảo, đô đốc Long hình thành 2 mũi qua huyện Kim Bảng, một mũi theo đường Chương Đức (nay là huyện Chương Mỹ), một mũi theo đường Sơn Minh (nay là huyện Ứng Hòa) đều thuộc thành phố Hà Nội ngày nay. Nhiệm vụ của 2 đạo quân là vu hồi, phối hợp với đạo quân chủ lực đánh vào phía Tây và trung tâm kinh thành Thăng Long.
Với sự tiến quân dũng mãnh, áp đảo, thần tốc, quân đội Tây Sơn liên tiếp tiêu diệt các đồn trọng yếu, sát và trong khi kinh thành Thăng Long: Đồn Hà Hồi bị hạ sáng mồng 3 Tết, đồn Ngọc Hồi, Khương Thượng bị hạ sáng mồng 5 Tết. Sầm Nghi Đống tự tử, "Tôn Sĩ Nghị vội vàng lên ngựa, không kịp đóng yên, mình không kịp mặc giáp, đem toán kỵ binh hầu cận lẻn qua cầu phao nhằm hướng bắc mà chạy. Quân sỹ các doanh trại nghe tin đều hoảng hồn tan tác bỏ chạy, tranh nhau qua cầu sang sông, xô đẩy nhau rơi xuống mà chết rất nhiều". (2)
Chiều mồng 5 Tết Nguyên đán Kỷ Dậu, Nguyễn Huệ vào Thăng Long "chiếc chiến bào màu đỏ đã đen sạm màu thuốc súng".(3)
Đại thắng đầu Xuân năm Kỷ Dậu (1789) quét sạch 29 vạn quân mãn Thanh xâm lược, mãi mãi lừng lẫy trong lịch sử dân tộc ta. Trong chiến thắng ấy, nhân dân Hà Nam đã góp phần xứng đáng. Điều đó lưu truyền trong tâm thức phong tục và văn chương dân gian ở một số địa phương trong tỉnh.
Gia phả ghi lại tục ăn Tết lại ở thôn Thượng Thọ, xã Mỹ Thọ (Bình Lục) -
Sơ đồ đường đi của quân Tây Sơn được bày trong đền thờ Tây Sơn, xã Mỹ Thọ (Bình Lục).
Ảnh: Thế Trang
Ngay từ khi quân Tây Sơn tạm lui về đóng giữ tại Tam Điệp - Biện Sơn cùng nhân dân các vùng, nhân dân Hà nam đã tham gia vào công việc xây dựng phòng tuyến như đóng góp lương thực, vật liệu, nhân công. Trai tráng các làng, xã, phủ, huyện Hà Nam vượt đường xa hăng hái gia nhập quân ngũ, trong chiến đấu, nhiều người đã hy sinh. Dân chúng ở quanh các đồn của địch còn thông báo lực lượng quân đội, cách bố phòng của địch cho quân thám thính của Viễn Mưu hầu Đinh Huy Đạo và Trần Đức Vi(4) được Nguyễn Huệ giao nắm động tĩnh quân Thanh. Truyền thuyết vùng Thanh Liêm, Kim Bảng, Duy Tiên cho biết: Khi quân Tây Sơn trên đường tiến quân ra Thăng Long, nhân dân địa phương đã chuẩn bị cơm rượu, quà, bánh… úy lạo quân sĩ; giúp binh sĩ Tây Sơn diệt đồn địch. Tết đến nhiều gia đình không đốt pháo để giữ bí mật và để dành mừng ngày chiến thắng. Ngày nay, ở làng Gừa (Liêm Thuận, Thanh Liêm) và một số thôn xóm lân cận… có lệ cấm chiêng trống từ đêm 30 đến hết ngày mồng 3 Tết là có gốc nguồn xa xưa ấy.
Đặc biệt, ở một số làng còn lưu lại dấu ấn sâu đậm liên quan trực tiếp đến Nguyễn Huệ và tướng lĩnh Tây Sơn. Truyền thuyết làng Lê Xá (tên nôm là làng Khoai) xã Châu Sơn (Duy Tiên) kể rằng: Đoàn quân của vua Quang Trung qua làng Khoai, làng cử hai người con gái tên là Mao, Mão ra đón và mời vua cùng hầu cận nghỉ tạm tại đình làng. Trong đội tượng binh có một con voi ốm rồi chết. Đoàn quân tiếp tục lên đường để lại xác voi nhờ dân chôn cất và giao cho quan lại địa phương đôn đốc. Có bài vè lưu truyền về việc này: Chị Mão, chị Mao/ Mồm miệng mau sao/ Đình làng tôi rộng/ Đón quân tạm đóng/ Lệnh đi nhanh chóng/ Để lại xác voi/ Dân làng chôn cất/ Con trai đạc tượng/ Rạch mép buộc ngà/ Phiên nhất, phiên ba/ Phiên nhì tận xuất/ Quan viên xem đất/ Chôn voi chỗ nào/ Làng nước xì xào/ Buộc dây mà kéo/ Ba hồi trống hiệu/ Ngồi xuống đứng lên/ Rẽ chân hai bên/ Xoạc chân kéo miết/ Tiên chỉ đốc thúc/ Dân kéo càng hăng/ Voi chết thật thương/ Đau lòng chủ tướng/ Thôi thì đành vậy/ Voi nằm đất làng/ Kéo voi qua đường/ Chốn sau nhà ông Khán Đột. Dấu tích mả voi, hiện còn ở gò đất phía Nam, cách đình thôn khoảng 500m. Còn hai thôn ở huyện Bình Lục, từ bao đời nay vẫn giữ mỹ tục "ăn Tết lại". Thôn Thượng Thọ (xã Mỹ Thọ) ăn Tết lại vào ngày mồng 8 tháng Giêng. Truyền thuyết của làng cho biết: Khi đạo quân của đô đốc Bảo dừng lại ở làng Cổ Thọ (Thượng Thọ nay) để nghỉ ngơi và thu nạp thêm binh sĩ thì đã vào áp Tết. Dân làng đón tiếp niềm nở, chu đáo, nhiều trai tráng tình nguyện ra nhập đạo quân của đô đốc. Trước khi lên đường, vị tướng trồng một cây đa và nói: "Cây đa này sẽ sống và đón chào đoàn quân chiến thắng trở về. Đúng ngày 8 tháng Giêng tại đây, ta sẽ mở tiệc khao quân ăn Tết lại". Đúng hẹn, đô đốc Bảo dẫn quân về Cổ Thọ có cả binh sĩ người làng trong sự hân hoan chào đón của dân làng. Ông mở tiệc mời cả dân làng đến dự và khao thưởng binh sĩ. Sau ngày vui đó, dân làng không biết tin tức vị tướng, bèn dâng sớ tâu với vua Quang Trung lập đền thờ ông ngay cạnh cây đa và xin định lệ lấy ngày mồng 8 tháng Giêng hằng năm là ngày ăn Tết lại, tế lễ tưởng niệm đô đốc Bảo. Tục đó vẫn được lưu truyền đến ngày nay.
Thôn Thông Sái (An Thái), xã An Mỹ, cách thôn Thượng Thọ gần 1 cây số. Tục ăn Tết lại nơi đây có nguồn gốc giống làng Cổ Thọ xưa. Dịp đô đốc Bảo dừng quân những ngày áp Tết Nguyên đán Kỷ Dậu, dân làng Thông Sái cũng đón tiếp đạo quân dừng ở làng, trai đinh trong làng nô nức gia nhập quân đội Tây Sơn. Chia tay con em đi chiến đấu, dân làng hẹn chiến thắng trở về làng lại ăn Tết. Thế rồi dân làng trữ lợn, gà…, đặc biệt nhà nào cũng gói một chiếc bánh chưng rất to bày trên bàn thờ. Ngày 10 tháng Giêng năm Kỷ Dậu (1789), đón con em ca khúc khải hoàn trở về làng lại mổ lợn, giết gà, đồ xôi… làm cỗ. Bánh chưng to được cắt thành nhiều miếng nhỏ mời các chiến binh. Ngày nay, tục gói chiếc bánh chưng này gọi là "bánh chưng bố" vẫn được duy trì, sử dụng tới 7 ống gạo nếp ngon (gần 6kg), 2,5 kg đỗ, 1 kg thịt lợn… Mồng 10 tháng Giêng trong ngày "ăn Tết lại", bánh được cắt thành nhiều miếng nhỏ mời những người trong họ mỗi người ăn một miếng lấy may. Ngoài đình làng, các cụ bô lão làm lễ tưởng niệm vua Quang Trung, đô đốc Bảo và con em xưa trong làng đã hy sinh khi đánh giặc. Không khí ăn Tết lại của hai thôn Thượng Thọ, An Thái tưng bừng, náo nhiệt chẳng khác gì ăn Tết chính, là vốn văn hóa dân gian quý cần được giữ gìn.
Mai Khánh
Công Thế