Đã thành lệ, năm nào cũng vậy, vào đêm giao thừa – thời khắc linh thiêng chuyển giao từ năm cũ sang năm mới, người dân thôn Cẩm Du, xã Thanh Lưu, huyện Thanh Liêm (nay là tổ dân phố Cẩm Du, thị trấn Tân Thanh, huyện Thanh Liêm) lại tập trung về nơi đình làng để lễ Thánh và xin lửa cầu may. Đây là một trong những tục đẹp có từ hàng trăm năm được người dân Cẩm Du trân trọng, giữ gìn, tiếp nối và phát huy trong suốt những năm qua.
Đình Cẩm Du nằm trong vùng đồi núi huyện Thanh Liêm, nơi xa xưa người Việt Cổ đã từng định cư. Đình làng thờ Hoàng đế Lê Đại Hành, Thái hậu Dương Vân Nga cùng các vị tướng Huyền Minh (là người con của quê hương Cẩm Du), Quang Minh và Nhữ Hoàng Đê công chúa (vợ của tướng Quang Minh). Đây là những nhân vật lịch sử ở thế kỷ thứ X, có công lao lớn trong bình Xiêm, dẹp Tống và dẹp loạn 12 sứ quân. Sự nghiệp của Hoàng đế Lê Đại Hành cùng các tướng Huyền Minh và Quang Minh gắn liền với vùng đất cổ Cẩm Du.
Tại mảnh đất này, xưa kia, Huyền Minh cùng với Lê Hoàn, Quang Minh đã khởi binh phò nhà Đinh dẹp loạn, xây dựng nhà nước Đại Cồ Việt thái bình, thịnh trị. Đình Cẩm Du được xây dựng năm Lê Hiển Tông thứ nhất (năm Ất Tỵ 1785); trùng tu lần thứ nhất năm Thành Thái thứ 10 (năm Mậu Tuất 1896); trùng tu lần thứ hai năm 1987. Tại chính tẩm đình Cẩm Du có long ngai thờ vua Lê Đại Hành. Trên ngai có bài vị ghi “Thống vũ nhân đức anh triết tri kính Lê Đại Hành hoàng đế” (Kính thờ bậc thống soái, nhân đức hơn đời Lê Đại Hành Hoàng đế). Bên tả và bên hữu long ngai là hai bài vị thờ Huyền Minh đại vương và Quang Minh đại vương.
Mỗi năm đình Cẩm Du tổ chức 4 kỳ tế lễ vào: Đêm giao thừa, rằm tháng 2 (âm lịch), rằm tháng tám (âm lịch) và rằm tháng 11 (âm lịch). Lễ hội chính của làng tổ chức vào ngày 14, 15 tháng 2 âm lịch, nhưng vào những ngày đầu Xuân năm mới làng có tục “xin lửa” cầu may, lệ động thổ xuống đồng và yến lão hết sức độc đáo và đặc sắc.
Trong ngôi đình cổ nổi tiếng linh thiêng, ông Lê Xuân Hiển, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận Tổ dân phố Cẩm Du cho biết: Không ai biết chính xác tục “xin lửa” cầu may có từ bao giờ, chỉ biết hàng trăm năm qua, đời trước truyền cho đời sau, vào đêm giao thừa rất đông người dân tổ dân phố Cẩm Du và người dân quanh vùng tới đình làng “xin lửa” cầu may. Người chuẩn bị đuốc, người chuẩn bị hương... đúng thời khắc giao thừa, khi cụ chủ tế xin lửa từ hậu cung oai nghiêm bước ra châm lửa vào đống củi khô đã được tẩm dầu đặt trên lô hóa sớ ngoài sân đình, nhìn ngọn lửa bùng lên rồi bốc cao mọi người phấn khởi reo vui rồi cùng tới châm lửa, bái thánh xin mang về nhà lấy may. Lửa tượng trưng cho sự ấm áp, mạnh mẽ, thiện lành và may mắn.
Tục “xin lửa” cầu may không chỉ mang ý nghĩa cầu mong một năm mới ấm no, hạnh phúc, an khang, thịnh vượng mà còn thể hiện lòng thành kính, biết ơn và tin tưởng vào uy linh của những vị thành hoàng làng của người dân Cẩm Du. Đặc biệt, theo quy định, cụ chủ tế (cũng là người xin lửa từ cung cấm) được lựa chọn hàng năm phải là người cao tuổi, khỏe mạnh, minh mẫn, uy tín, gương mẫu, gia đình con cháu đủ đầy, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương và hương ước của làng. Năm nào cũng vậy, đêm 30 Tết, khi đã xin được lửa, từ đình làng người dân tỏa ra khắp các ngả đường, ánh lửa sáng bập bùng mang may mắn về với từng gia đình.
Cùng với tục “xin lửa” cầu may vào đêm 30 Tết, xưa kia, vào ngày mùng 8 tháng Giêng, thôn Cẩm Du còn có lệ yến lão. Đó là những cụ trong làng tuổi từ 60 trở lên đều được làng khao yến (làng có 2 mẫu ruộng chuyên để lo làm cỗ yến). Cỗ yến thường có các loại bánh, như: bánh chưng, bánh dày, bánh xu xê… Ngoài bánh còn có xôi, gà, giò, nem, canh mọc... Sáng mùng 8 tháng Giêng, sau khi làng làm lễ, đọc văn mừng thọ... cỗ yến được hạ xuống. Theo lệ làng, các cụ độ tuổi từ 80 trở lên được hưởng cả mâm, từ 70 tuổi trở lên được hưởng nửa mâm, từ 60 tuổi trở lên hưởng một góc mâm... Sau khi nhận khao yến của làng tại đình, con cháu các cụ cao tuổi tiếp tục dâng lễ mừng thọ, tổ chức liên hoan tại nhà. Tục yến lão độc đáo ở Cẩm Du thể hiện sự thành kính, tôn trọng, biết ơn và quan tâm đến người cao tuổi.
Theo thời gian, hiện tục này đã bị mai một. Tục yến lão không còn, nhưng ngày nay, vào ngày mùng 4 Tết, tổ dân phố Cẩm Du lại tưng bừng tổ chức Lễ mừng thọ đầu xuân cho các cụ tuổi tròn (70, 75, 80, 85, 90, 95...) theo đúng quy định tại nhà văn hóa thôn. Lễ mừng thọ đầu năm thể hiện được sự kế thừa và phát huy truyền thống nhân văn “Uống nước nhớ nguồn”, “kính lão trọng thọ” của dân tộc, của quê hương; đồng thời là dịp để con cháu thể hiện tấm lòng hiếu thảo cùng sự kính trọng, biết ơn đối với ông bà, cha mẹ.
Tại đình Cẩm Du vào ngày mùng 10 tháng Giêng còn có lệ động thổ xuống đồng đầu năm cầu mưa thuận gió hòa, việc canh tác được thuận lợi, mùa màng bội thu. Cụ Nguyễn Xuân Thiệm, 84 tuổi, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi tổ dân phố Cẩm Du chậm chãi chia sẻ: Trước kia, người dân cấy giống lúa cũ (có câu: chiêm cút, mùa dong – theo cách gọi của các cụ, vụ chiêm cấy giống lúa cút, vụ mùa cấy giống tẻ dong), dài ngày (6 tháng). Vụ chiêm, thường phải ngoài mùng 10 tháng Giêng nông dân mới xuống đồng cấy lúa.
Ngày mùng 10 tháng Giêng, tại đình Cẩm Du, sau lễ giỗ Thành hoàng làng, cụ chủ tế vào hậu cung xin phép các Ngài cho dân làng được xuống đồng bắt đầu vào vụ mới. Khi cáo yết xong, cụ chủ tế đánh 3 hồi chiêng, khi tiếng chiêng vang lên, trống, nạo bạt trong đình cũng nổi ba hồi vang vọng, giòn giã... Nghe thấy tiếng chiêng trống, lúc này, các gia đình mới dắt trâu ra đồng cày lấy may mong “chiêm tốt, mùa được”, cuộc sống no đủ. Sau lễ động thổ người dân mới chính thức xuống đồng gieo cấy vụ chiêm.
Ngày nay, nông dân cấy giống lúa mới, ngắn ngày, các khâu sản xuất cơ bản được cơ giới hóa… Để bảo đảm khung thời vụ, có năm nông dân xuống đồng từ ngày mùng 3, mùng 4 Tết. Giữ tục xưa, ngày mùng 10 tháng Giêng tại đình làng Cẩm Du vẫn tổ chức lễ động thổ xuống đồng lấy may (nhưng chỉ thực hiện các nghi lễ tại đình), cầu mong sản xuất trong năm mới giành nhiều thắng lợi mới.
Những năm qua, thực hiện nếp sống văn hóa mới, người dân Cẩm Du thống nhất, đồng lòng loại bỏ những hủ tục lạc hậu; đồng thời nỗ lực giữ gìn, bảo tồn và phát huy những tục đẹp, độc đáo của quê hương. Là tổ dân phố nhưng hiện nay Cẩm Du vẫn còn khoảng 150 mẫu đất sản xuất nông nghiệp. Tết đến Xuân về, hàng năm, tại đình Cẩm Du tục “xin lửa” và lệ động thổ xuống đồng cầu may vẫn được tổ chức. Đây là những tục đẹp, độc đáo, thể hiện được niềm tin, khát vọng và mong muốn về một cuộc sống bình yên, no đủ, ngày càng tốt đẹp hơn của người dân Cẩm Du xưa và nay.
Phạm Hiền