Điểm nhấn trong xây dựng đời sống văn hóa ở Thanh Liêm

Xác định, văn hóa chính là tấm gương phản chiếu đời sống và nếp sống của một cộng đồng, những năm qua, cùng với các giải pháp chiến lược về phát triển kinh tế, Thanh Liêm đã đặc biệt quan tâm đầu tư cho phát triển văn hóa. Theo đó, hệ thống thiết chế văn hóa từng bước được nâng cấp, sửa chữa và xây mới cơ bản đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của người dân. Bức tranh kinh tế - xã hội ở Thanh Liêm vì thế ngày càng khởi sắc.

Nhân rộng những điển hình

Với quan điểm, lấy giá trị văn hóa và con người làm nền tảng, sức mạnh nội sinh cho sự phát triển bền vững, những năm qua, Thanh Liêm đã tập trung tối đa nguồn lực đầu tư cho văn hóa và phát triển văn hóa. Các phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống mới khu dân cư và chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao được triển khai và thực hiện hiệu quả; góp phần tạo nên diện mạo mới cho nhiều địa phương trong huyện. Việc xây dựng, nhân rộng gương “Người tốt, việc tốt” và các mô hình, điển hình tiên tiến trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội... được các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, địa phương trong huyện quan tâm; kịp thời tôn vinh, biểu dương, khen thưởng và giới thiệu, nhân rộng, lan tỏa trong cộng đồng dân cư; coi đó là một điểm nhấn quan trọng trong phong trào, động lực thúc đẩy phát triển đời sống kinh tế - xã hội ở địa phương. Tiêu biểu như: mô hình trồng bưởi da xanh xã Liêm Sơn; trồng ổi, lê Đài Loan của xã Thanh Hương; trồng rau, củ quả an toàn của xã Thanh Tân, HTX bánh đa Kiện Khê; mô hình tham gia thu gom rác thải nhựa tái chế, gây quỹ hỗ trợ phụ nữ khó khăn và trẻ em nghèo của xã Thanh Thủy và Hội Phụ nữ thôn Nga, xã Liêm Thuận, mô hình khởi nghiệp của chị Nguyễn Thị Tuyết (phụ nữ khuyết tật) thôn Phú Gia, xã Thanh Nguyên...

Điểm nhấn trong xây dựng đời sống văn hóa ở Thanh Liêm
Thành viên CLB Hát chèo thôn Lau Chảy (Liêm Thuận, Thanh Liêm) - những hạt nhân trong phong trào VHVN ở địa phương.

Trên tinh thần phát huy ý chí tự lực, tự cường, khơi dậy mọi tiềm năng, xây dựng địa bàn dân cư có cuộc sống ấm no, an toàn, văn minh và hạnh phúc; thực hiện mỗi khu dân cư đoàn kết, thống nhất, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, những năm qua, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều Khu dân cư văn hóa điển hình, nhân dân tích cực hưởng ứng. Đời sống văn hóa nhân dân không ngừng nâng cao, 100% các thôn, tổ trên địa bàn huyện đều đã xây dựng hương ước, quy ước và thường xuyên bổ sung các nội dung phù hợp với tình hình thực tế của từng thôn tổ và được chủ tịch UBND huyện phê duyệt. Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn huyện được nhân dân thực hiện theo các quy định… 100% các khu dân cư, tiểu khu, tổ dân phố đăng ký xây dựng Khu dân cư văn hóa.

Phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa” được triển khai, gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện hương ước, quy ước tại địa phương và các nội dung trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã thấm sâu vào đời sống và trở thành hoạt động thường xuyên của cộng đồng dân cư; tác động tích cực đến từng thành viên gia đình làm thay đổi hành vi, lối sống, đạo đức, nhân cách của mỗi cá nhân; khơi dậy truyền thống tương thân tương ái, uống nước nhớ nguồn, lòng yêu nước, ý thức chấp hành pháp luật...

Điểm nhấn trong xây dựng đời sống văn hóa ở Thanh Liêm
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của CLB hát chèo thôn Lau Chảy (Liêm Thuận, Thanh Liêm).

Theo số liệu của Phòng Văn hóa và Thông tin huyện, năm 2022, toàn huyện đã có 36.548 hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, đạt 94,2%; 83 thôn, làng đạt danh hiệu Khu dân cư văn hóa, đạt 82,2%; 14 cơ quan, đơn vị, trường học được công nhận Đơn vị đạt chuẩn văn hóa. Năm 2023, số hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa ước đạt  trên 92%; Khu dân cư văn hóa được duy trì và giữ vững 83/101 thôn, tổ dân phố, khu dân cư.

Tiếp tục lan tỏa những giá trị văn hóa, con người văn hóa

Những năm qua, phong trào “Học tập, lao động sáng tạo”, xây dựng doanh nghiệp phát triển bền vững, cơ quan văn hóa và nhiều phong trào khác trên địa bàn huyện đã đi vào chiều sâu, hoạt động có hiệu quả, góp phần nâng cao trình độ nghề nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ vào chuyên môn nghiệp vụ, sản xuất kinh doanh, phát huy những ý tưởng sáng tạo của tập thể, cá nhân... Năm 2018, thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-HĐND ngày 13/7/2018 về việc sáp nhập thôn, xóm hiện trên địa bàn huyện Thanh Liêm còn 101 thôn. Theo đó, 44 thôn sau sáp nhập đã sửa đổi, bổ sung hương ước cho phù hợp với tình hình thực tế. Hằng năm, Ban Chỉ đạo phong trào huyện luôn chú trọng nâng cao chất lượng hiệu quả, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” nhằm tạo chuyển biến tích cực trong xây dựng con người có tư tưởng, đạo đức, lối sống, nếp sống văn hóa; thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Trên cơ sở, phát huy vai trò của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng NTM; NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, Ban Chỉ đạo phong trào của huyện chỉ đạo các đơn vị tích cực xây dựng nếp sống văn minh đô thị, xây dựng người Thanh Liêm văn minh, thanh lịch; đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa việc xây dựng các thiết chế văn hóa và hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở; thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội và phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XX và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thanh Liêm lần thứ XXX.

Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện, đến thời điểm này, trên địa bàn huyện có 16/16 nhà văn hóa (NVH) xã, thị trấn; số lượng NVH tại các thôn, tổ dân phố đã thực hiện sáp nhập là 44 NVH (trong đó có 8 NVH xây mới, 3 NVH sửa chữa); số lượng NVH tại các thôn, tổ dân phố không thực hiện sáp nhập là 53 NVH. Toàn huyện hiện có 165 câu lạc bộ (CLB)  thể dục, thể thao gồm: CLB bóng bàn, cầu lông, bóng chuyền hơi, da, bóng đá, dưỡng sinh, võ thuật… và 83 CLB dân vũ thể thao; tỷ lệ người luyện tập TDTT thường xuyên, tỷ lệ gia đình tập TDTT thường xuyên tăng lên qua các năm.  Năm 2023, tỷ lệ người tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên phấn đấu giữ vững 31,5%; gia đình tập TDTT thường xuyên đạt 23,8%...

Điều đó khẳng định phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đã được các địa phương triển khai sâu rộng, đồng bộ, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân. Đa số các gia đình, khu dân cư tham gia phong trào đều thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa; có ý thức tự giác trong việc chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, giúp nhau giảm nghèo, thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; hương ước, quy ước ở khu dân cư; tăng cường giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo đảm tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Đặc biệt, việc triển khai lồng ghép, gắn kết giữa phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa nói riêng và các phong trào thi đua yêu nước nói chung trên địa bàn đã tập hợp, phát huy được các nguồn lực xã hội và sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong quá tình triển khai, thực hiện. Từ đó, tạo nền tảng, động lực cho các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa trên địa bàn huyện phát triển ổn định, bền vững.

  Thu Minh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy