Trên địa bàn huyện Thanh Liêm có tổng số 40 di tích được Nhà nước xếp hạng, trong đó có 11 di tích cấp quốc gia và 29 di tích cấp tỉnh. Những năm qua, với sự vào cuộc của các cấp, ngành và các tầng lớp nhân dân, việc tôn tạo, nâng cấp và bảo vệ các di tích trên địa bàn huyện đã được quan tâm, từng bước khắc phục tình trạng xuống cấp diễn ra từ nhiều năm.
Chùa Tứ, thuộc thôn Tam Tứ, xã Liêm Cần được xây dựng từ trước thế kỷ thứ 10 và có tên là Long Hoa tự, sau được đổi thành Thượng Nương tự. Chùa Tứ nằm trong quần thể các di tích Đá Bàn Miễu Tứ (thuộc núi Cõi) và Mả Dấu. Chùa Tứ được xây dựng theo lối kiến trúc thời Nguyễn, hiện còn lưu giữ được nhiều đồ thờ, hiện vật có giá trị cao. Đây là nơi thờ Phật, thờ Thần và các nhân vật có liên quan đến Phật giáo, cũng là nơi hội tụ nhiều giá trị lịch sử văn hóa, tâm linh về cả vật thể và phi vật thể.
Bởi vậy, năm 2016, chùa Tứ đã được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Mặc dù, di tích đã nhiều lần được các cấp, các ngành và bà con nhân dân đầu tư, quyên góp, ủng hộ để tu sửa, tôn tạo, nhưng ngôi chùa và các hạng mục vẫn bị xuống cấp nghiêm trọng. Để không mất đi giá trị lịch sử vốn có đã gắn liền với ngôi chùa, cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân thôn Tam Tứ chủ động đề xuất các cấp có thẩm quyền xem xét, quan tâm, đồng ý chủ trương tu bổ, tôn tạo nhà thờ Thánh Mẫu và các hạng mục xây dựng như cổng tam quan, tường rào, sân chùa, tượng đài Bồ Tát Quán Âm và các hạng mục phụ trợ bằng nguồn xã hội hóa và các nguồn huy động hợp pháp khác.
Qua 2 năm xây dựng, các hạng mục đã hoàn thành, ngôi chùa đã thêm phần uy nghiêm, trang trọng và bề thế, thể hiện rõ nét văn hóa tâm linh của làng quê Việt Nam. Ông Hà Đức Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Liêm Cần cho biết: Việc tôn tạo, sửa chữa, nâng cấp một số hạng mục của chùa Tứ đáp ứng được sự mong mỏi của cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương. Chùa được tu bổ, tôn tạo khang trang, rộng rãi không chỉ trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng, để người dân được trao đổi văn hóa và tìm hiểu giáo lý nhà Phật và tham gia các hoạt động văn hóa tín ngưỡng, tâm linh, mà còn là địa điểm để giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn cho các thế hệ con em địa phương và bà con xa quê. Để tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị của di tích, những năm qua, xã chỉ đạo thôn thực hiện tốt công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương, các quy ước, hương ước của khu dân cư; tích cực tuyên truyền, quảng bá di tích và tiếp tục làm tốt công tác vận động để thu hút nguồn lực thực hiện tu bổ, tôn tạo các hạng mục đang xuống cấp.
Đối với các di tích cấp tỉnh, huyện có 4 di tích gồm: chùa Lác Nội (xã Thanh Hương), chùa Tháp (thị trấn Kiện Khê), đình Gừa (xã Liêm Thuận) và đình Đoan Vĩ (xã Thanh Hải) được công nhận sớm nhất vào năm 1996. Còn lại, các di tích đều được công nhận từ năm 2004 trở lại đây. Theo khảo sát, đánh giá của cơ quan chuyên môn, hầu hết các di tích trên địa bàn huyện đều trong tình trạng xuống cấp với nhiều mức độ khác nhau. Trong tổng số 17 di tích đã và đang xuống cấp, hiện có tới 8 di tích xuống cấp nặng là: chùa Tháp (thị trấn Kiện Khê), đình Thong (xã Thanh Tâm), chùa Tiên (xã Thanh Lưu), đình Gừa (xã Liêm Thuận), đình Trại Hạ (xã Liêm Cần), tổ hợp đình-đền-miếu Dương Xá và đình Yến (xã Thanh Hà), đình Đoan Vĩ (xã Thanh Hải). Phần lớn các hạng mục, như: tiền đường, hậu cung, trung đường đều có kiến trúc bị xuống cấp nghiêm trọng, mái ngói xô dột, tường nứt, phần kèo cột, xà gian hồi, thân rường, tàu mái… bị mối xông.
Với chức năng quản lý Nhà nước đối với các di tích trên địa bàn, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện đã tham mưu với UBND huyện hướng dẫn ban quản lý di tích các xã, thị trấn làm tờ trình trình các cấp có thẩm quyền đề nghị hỗ trợ chống xuống cấp, thực hiện các thủ tục theo đúng trình tự, quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trên cơ sở nguồn kinh phí được cấp và chủ yếu thực hiện xã hội hóa, một số di tích này đã được đầu tư tu bổ, tôn tạo chống xuống cấp.
Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thanh Liêm cho biết: Hằng năm, phòng đã phối hợp với các địa phương có các di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia đánh giá hiện trạng di tích, xây dựng phương án, kế hoạch tu sửa, tôn tạo và trình cấp có thẩm quyền nghiên cứu cấp kinh phí để thực hiện nâng cấp, trước hết với những di tích có mức độ xuống cấp nặng nhất. Nguồn kinh phí đó được ưu tiên đầu tư một cách tập trung và khẩn trương nhất nhằm hạn chế sự xuống cấp đối với kiến trúc và sự an toàn của di tích. Tuy nhiên, với số kinh phí hỗ trợ, đầu tư chưa được nhiều nên việc tu sửa các di tích mới chỉ dừng lại ở mức sửa chữa, tu bổ, nâng cấp nhỏ, chứ chưa thể thực hiện tu bổ toàn diện đối với tất cả các hạng mục xuống cấp.
Được biết thêm, từ năm 2020 đến nay, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện đã hướng dẫn các xã, thị trấn và phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện trùng tu, tôn tạo được 9 di tích lịch sử, văn hóa bằng nguồn kinh phí xã hội hóa và ngân sách với số tiền khoảng 50 tỷ đồng. Đặc biệt, cùng với việc tôn tạo Đền Hạ, huyện cũng đang triển khai xây dựng Đền Trung và Đền Thượng (đều thuộc di tích quốc gia Đền Lăng) với tổng kinh phí xây dựng lên đến hàng chục tỷ đồng, đáp ứng tâm nguyện của nhân dân và những người gắn bó với di tích.
Thanh Hà