Bảo tàng tỉnh phối hợp với Viện Khảo cổ học vừa tiến hành điều tra, khảo sát Quần thể di tích Bát cảnh sơn và Khu di tích Lạt Sơn gắn với Nữ tướng Lê Chân trên địa bàn huyện Kim Bảng. Tại 2 quần thể di tích này, đoàn đã thu thập được nhiều tư liệu, hiện vật tạo tiền đề cho việc nghiên cứu, bảo tồn và lập quy hoạch khoanh vùng bảo vệ di tích trong các quần thể này.
Quần thể di tích và danh thắng Bát cảnh sơn xưa kia có 8 ngôi chùa và một ngôi miếu thờ thổ địa thần linh được bài trí xây dựng theo thuyết bát quái ngũ hành. Hiện nay, trong tổng số 8 di tích có 4 di tích không còn hiện hữu, chỉ còn lại 4 di tích. Tuy nhiên, trong đó hiện chỉ có chùa Tam Giáo và chùa Ông là đã được trùng tu xây dựng khá kiên cố, khang trang và giữ lại được một số di vật, như thần phả, sắc phong thời Khải Định và các đồ thờ tự như: hoành phi, đại tự, câu đối, bát hương bằng đá, bằng đồng, các pho tượng thờ.
Còn lại chùa Kiêu và chùa Vân Mộng chỉ là các phế tích và mái đá. Trên đường dẫn lên chùa Kiêu, ở khoảng giữa, phía bên tay phải có 2 bia được khắc vào vách núi, loại bia này gọi là bia “ma nhai". Căn cứ vào mỹ thuật cho thấy cả 2 bia đều có cùng phong cách trang trí và cùng niên đại ở khoảng thế kỷ 17 - 18, thời Lê Trung Hưng. Toàn bộ di tích hiện nay không còn tồn tại, tuy nhiên vẫn còn một số di vật bằng đá là các cấu kiện của kiến trúc, bao gồm: các tảng đá kè thành bậc, chân tảng đá kê cột có nhiều kích thước khác nhau. Ngoài ra, trên bề mặt khoảng sân rộng phía trước mái đá, còn rất nhiều các loại hình di vật khác, như: gạch, ngói có niên đại kéo dài liên tục khoảng từ thế kỷ 13 - 14 đến thế kỷ 18, tức là từ thời Trần đến thời Lê Trung Hưng. Chùa Kiêu nằm trên đỉnh núi cao, ít chịu tác động của con người nên tiềm năng di tích dưới lòng đất còn nguyên vẹn. Tiến hành khai quật khảo cổ học tại khu vực này, có thể nhận diện được toàn bộ quy mô và cấu trúc của di tích như vốn đã từng tồn tại trong lịch sử.
Có vị trí xa nhất trong hệ thống chùa/đền trong khu di tích Bát cảnh sơn là chùa Vân Mộng. Chùa Vân Mộng nằm chênh vênh trên sườn núi, cảnh sắc u tịch, quyện cùng khói mây huyền ảo, xung quanh có rất nhiều hang động lớn nhỏ kỳ thù, bí ẩn. Theo truyền thuyết, chùa được xây dựng từ thời Lý, gắn với Thiền sư Minh Không. Ngoài cùng của khuôn viên chùa là bờ kè cấp nền bằng đá, xen trong các lớp đá có một số mảnh ngói thời Trần. Toàn bộ hệ thống thờ tự của chùa hiện đều nằm dưới mái đá rộng khoảng 23m2, chiều rộng là 4,15m, chiều dài là 5,5m, trần hang cao 3m tính từ nền hiện tại. Phía bên ngoài, trên vách đá phía Tây Bắc có 1 tấm bia “ma nhai". Trên toàn bộ khuôn viên di tích, đều tìm thấy các di vật thuộc loại hình vật liệu kiến trúc, gồm: các thanh đá, chân tảng kê cột, các mảnh gạch, ngói, bát... Ngói là loại hình vật liệu có số lượng nhiều nhất, nhưng phần lớn đều đã bị vỡ. Loại hình hiện vật này có niên đại kéo dài liên tục từ thời Trần đến thời Nguyễn. Khảo sát, nhận diện các di tích và di vật thì ngôi chùa này được xây dựng từ thời Lý, gắn liền với Thiền sư Minh Không, sau đó các thời sau tiếp tục tôn tạo và sử dụng liên tục cho đến thời Nguyễn.
Theo dấu tích hiện trạng ngôi chùa cũ đã không còn tồn tại, nhưng qua các di tích và di vật trên bề mặt thì có thể khẳng định, toàn bộ lịch sử của chùa Vân Mộng đang nằm sâu dưới các lớp đất đá. Theo hiện trạng, chùa Vân Mộng có quy mô rộng lớn nhất trong số các ngôi chùa hiện còn thuộc Quần thể di tích danh thắng Bát cảnh sơn. Vị trí của chùa lại nằm sâu nhất trong dải núi của hệ thống di tích, các dấu tích vật chất còn lại rất đầy đủ với nhiều loại hình, hệ thống bia ký cho thấy trong lịch sử, đây là trung tâm tu hành của các thiền sư, nơi đào tạo tăng đồ.
Nằm trên địa bàn xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng còn có Quần thể di tích danh thắng căn cứ Lạt Sơn. Từ đền Lê Chân hiện nay vào đến khu vực Giát Dâu ở phía Tây, nơi chứng kiến sự hy sinh của nữ tướng, dài khoảng 7km, qua khảo sát thực địa, vẫn còn tồn tại tên các địa danh gắn liền với công cuộc xây dựng và chiến đấu tại đây của nữ tướng và nghĩa quân, đồng thời cũng là nơi an nghỉ của bà - một trong những nữ tướng có tài thao lược, tâm phúc của Hai Bà Trưng. Quần thể di tích danh thắng này rất rộng lớn, có nhiều địa điểm liên quan, như: Đền Thánh Chân, đồi Am, Giát Dâu, Thung Bể, dốc voi trượt, thung Đồng Loạn, hang Hội quân... Qua điền dã, khảo sát chùa Thánh Chân là nơi mà các tài liệu còn nhiều nhất, gồm: tài liệu khảo cổ học, bia ký và truyền thuyết.
Theo truyền thuyết, sau khi bà Lê Chân gieo mình tuẫn tiết, các tướng lĩnh dưới quyền đã đưa thi hài bà an táng trong một hang động bí mật, sự kiện này dẫu chưa được kiểm chứng, nhưng lại trùng khớp với địa hình của chùa Thánh Chân. Ở lưng chừng núi đá, sau lưng chùa Thánh Chân, có một mái đá, trong đó được bài trí tượng thờ rất nguy nga, cửa hang mới bị sập kín lối vào trong vài năm gần đây. Dấu tích chùa Thánh Chân, tức Thánh Lê Chân ở Thung Bể phân bố trong phạm vi rộng khoảng 3.000m2 mà các dấu tích vật chất, bia ký còn nguyên vẹn đã cho thấy, đây chính là trung tâm của căn cứ Lạt Sơn, xứng đáng được quan tâm khai quật, nghiên cứu khảo cổ nhằm làm rõ lịch sử xây dựng và tồn tại qua các thời kỳ, qua đó đóng góp tư liệu quan trọng, chân xác vào việc nghiên cứu thân thế, sự nghiệp của Nữ tướng Lê Chân với căn cứ Lạt Sơn nói riêng và với cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng nói chung.
Bình Lưu