Nghiên cứu, khảo sát xây dựng hồ sơ khoa học ghi danh Tam Chúc là Di sản văn hóa thiên nhiên thế giới

Trong Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Tam Chúc, tỉnh Hà Nam đến năm 2030, khu du lịch này gồm 6 khu chức năng: Khu trung tâm đón tiếp (tiếp giáp bờ Bắc hồ Tam Chúc) là nơi đón tiếp và cung cấp thông tin hướng dẫn cho khách du lịch về dịch vụ nghỉ dưỡng, mua sắm, thưởng thức ẩm thực; tham quan, tham gia các hoạt động biểu diễn văn hóa văn nghệ, hội chợ, hoạt động vui chơi giải trí hiện đại.

Khu văn hóa tâm linh Tam Chúc (chân núi Thất Tinh và Thung Vạc) là nơi tham quan, hành hương, thực hành tín ngưỡng và chiêm bái các công trình tôn giáo; tham quan Bảo tàng văn hóa truyền thống vùng Đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc; tìm hiểu về đạo Phật; tổ chức sự kiện văn hóa văn nghệ, tổ chức các khóa học về Phật học ngắn hạn. Khu bảo tồn tự nhiên Quền Vồng và hồ Tam Chúc (phía Tây giáp Hà Nội, phía Bắc giáp tỉnh lộ 74 đi chùa Hương và phía Nam là dãy núi Thất Tinh): tham quan nghiên cứu hệ sinh thái tự nhiên và động thực vật đặc hữu; tham quan hồ Tam Chúc, các công trình tôn giáo; tham gia hoạt động biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực, tham dự các lễ hội, các hoạt động thể thao rèn luyện sức khỏe.

Khu nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe và du lịch cộng đồng Tam Chúc (phía Tây Nam của hồ Tam Chúc): nghỉ dưỡng cuối tuần, điều dưỡng dài ngày phục hồi thể lực, tham gia các liệu trình chăm sóc sức khỏe đặc biệt, tìm hiểu đời sống, phong tục tập quán của cư dân địa phương, nghỉ dưỡng và sinh hoạt cộng đồng (homestay).

Khu sân golf Kim Bảng và hồ Ba Hang: tổ chức các giải thi đấu thể thao quốc gia và khu vực; tổ chức hội nghị hội thảo; nghỉ dưỡng, chơi golf, tham gia các hoạt động thể thao ngoài trời. Trung tâm dịch vụ hậu cần phục vụ hoạt động khu du lịch (tại thị trấn Ba Sao): cung cấp các dịch vụ nghỉ dưỡng quy mô nhỏ xen kẽ trong khu dân cư và các dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp.

Nghiên cứu khảo sát xây dựng hồ sơ khoa học ghi danh Tam Chúc là Di sản văn hóa thiên nhiên thế giới
Vườn cột kinh khu tâm linh chùa Tam Chúc.

Đến nay, Khu du lịch văn hóa tâm linh chùa Tam Chúc và khu trung tâm đón tiếp với sự đầu tư từ Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường đã cơ bản hình thành và đưa vào khai thác du lịch. Với chức năng là điểm nhấn của du lịch Hà Nam, điểm kết nối với các khu, điểm du lịch lớn vùng Đồng bằng sông Hồng, ngay từ khi đưa vào khai thác, Khu du lịch đã đón nhận hàng triệu lượt du khách đến tham quan, chiêm bái, là điểm du lịch được ưu tiên lựa chọn của nhiều người.

Tiến tới mục tiêu Khu du lịch Tam Chúc trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới, Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường đã lên ý tưởng xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch Tam Chúc. Những nét nhận diện thương hiệu độc đáo có một không hai của Khu du lịch Tam Chúc bao gồm: Tháp Ngọc được xây dựng trên đỉnh ngọn núi cao nhất thuộc dãy núi Thất Tinh và nằm trên trục thần đạo của toàn bộ khu tâm linh. Công trình này do những người theo đạo Hindu đến từ đất nước Ấn Độ xây dựng bằng hàng ngàn khối đá Granite đỏ ghép lại. Công trình thứ hai là hệ thống 12 nghìn bức tranh bằng đá núi lửa được khai thác, đục đẽo rất công phu, cầu kỳ và tỉ mỉ bởi đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân theo đạo Hồi Indonesia.

Công trình thứ ba là hệ thống vườn cột kinh nằm trong khuôn viên của Tam quan nội và điện Quan Âm. Dự kiến khi hoàn thành sẽ có số lượng lên đến một nghìn cột kinh Phật sẽ được khắc trên thân cột để lưu truyền cho hậu thế. Dãy núi Thất Tinh cùng hệ thống rừng Kim Bảng còn là nơi sinh sống của loài Voọc quần đùi trắng – động vật quý hiếm đã được ghi vào Sách đỏ Việt Nam. Đây cũng là điểm nhận diện khác biệt và độc đáo cho Khu du lịch Tam Chúc, vừa đan xen văn hóa, tâm linh, vừa tham quan khám phá cảnh quan thiên nhiên độc đáo của núi rừng Kim Bảng.

Với mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, các đơn vị chuyên môn của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học để triển khai xếp hạng, ghi danh trong nước, tiến tới đề nghị UNESCO công nhận quần thể danh thắng Tam Chúc là Di sản văn hóa thiên nhiên thế giới. Vừa qua, thông qua các hoạt động điền dã tại quần thể danh thắng Tam Chúc, Đoàn khảo sát của Bảo tàng tỉnh phối hợp với Viện Khảo cổ học bước đầu đã phát hiện ra 10 hang động, mái đá, giếng Catxtơ có giá trị về cảnh quan thiên nhiên, liên quan đến sự hình thành kiến tạo địa chất cách đây hàng triệu năm. Đặc biệt, đoàn đã phát hiện ra cồn hến nằm giữa lòng hồ Tam Chúc với kết cấu tầng vỏ sò khá dày. Trong tầng vỏ sò này còn phát hiện ra những hiện vật văn hóa như: cuội đá, hạch đá, mảnh tước, mảnh gốm sứ, bát đĩa… Qua giám định, các hiện vật trên thuộc nhiều thời kỳ từ văn hóa Đông Sơn đến giai đoạn Bắc thuộc và các triều đại phong kiến Việt Nam sau này.

Những phát hiện trên đây rất quan trọng, được xem là chìa khóa để mở ra công tác nghiên cứu, khai quật khảo cổ học, góp phần giải mã về lịch sử văn hóa vùng đất Tam Chúc. Đồng thời là cơ sở khoa học, bằng chứng xác thực nhất để phục vụ cho việc xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị Nhà nước, UNESCO xếp hạng, công nhận quần thể danh thắng Tam Chúc trên cả hai phương diện Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.

Chu Bình

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy