Gắn kết di sản trong xây dựng nông thôn mới

Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Hà Nam đang tiếp tục chặng đường nâng cao trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Đó là một nông thôn mới vừa chứa đựng những giá trị truyền thống, vừa phát triển theo xu thế hiện đại một cách hài hòa. Để nông thôn trở thành nơi đáng sống, là điểm đến của du khách trong tương lai, nhiều địa phương có tiềm năng du lịch ở Hà Nam đã gắn kết di sản, phát triển nông thôn năng động, cộng đồng sáng tạo, đưa quá trình xây dựng nông thôn mới tiến nhanh và bền vững.

Coi di sản là tài nguyên vô giá

Tại hội nghị Tỉnh ủy tổ chức học tập và triển khai chuyên đề năm 2023 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu xây dựng tỉnh Hà Nam phát triển bền vững”, PGS, TS Nguyễn Toàn Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ: “So với các tỉnh đồng bằng sông Hồng, Hà Nam đang có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế - xã hội. Là vùng đất có bề dày văn hóa truyền thống, nhiều di sản được lưu giữ và truyền lại đến hôm nay, trở thành động lực nội sinh cho phát triển Hà Nam. Đó là lễ hội Tịch điền, Lễ phát lương đền Trần Thương, Lễ hội Vật võ Liễu Đôi, Lễ hội đền Lảnh Giang… Trong tâm thức con người, những lễ hội gắn liền với đời sống sản xuất nông nghiệp của cư dân, gắn liền với những di tích lịch sử được xây dựng và bảo tồn hàng trăm năm tạo thành dòng chảy văn hóa bền bỉ, sâu sắc trong đời sống người dân nông thôn. Đến hôm nay, khi các vùng quê của những di sản đó đang xây dựng nông thôn mới, Hà Nam cần khai thác nó, coi nó như một thứ tài nguyên vô giá làm nguồn lực phát triển cho các địa phương”.

Gắn kết di sản trong xây dựng nông thôn mới
Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia đền Trần Thương (Lý Nhân).

Thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa Hà Nam đến năm 2030, ngành văn hóa – thể thao và du lịch đã thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đối với gần 1.800 di tích, hơn 100 lễ hội. Đến nay, toàn tỉnh có gần 100 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, trên 100 di tích cấp tỉnh. 7 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Nghi lễ Chầu Văn của người Việt ở Hà Nam, Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn, Lễ hội đền Trần Thương, Lễ hội Vật võ Liễu Đôi, Lễ hội đền Lảnh Giang, Hát Dậm Quyển Sơn, Lễ hội chùa Bà Đanh. 3 bảo vật được công nhận Bảo vật quốc gia, gồm: Bia Sùng Thiện Diên Linh tại chùa Đọi Sơn, bia Chùa Giầu (tại chùa Giầu, xã Đinh Xá, thành phố Phủ Lý), Trống đồng Tiên Nội I. Bảo tồn, phát huy tốt các giá trị của di sản, hình ảnh về đất và người Hà Nam được biết đến rộng rãi hơn. Năm 2019, số lượng du khách đến Hà Nam đạt trên 2 triệu lượt người. Đến năm 2022, lượng du khách đến Hà Nam đạt 3,1 triệu lượt người, doanh thu đạt hơn 2.100 tỷ đồng. Năm 2023, chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm, số lượng du khách đến với Hà Nam gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ năm 2022, doanh thu du lịch đạt trên 2.100 tỷ đồng… Những vùng quê, như Kim Bảng, Phù Vân (thành phố Phủ Lý), Lý Nhân, thị xã Duy Tiên trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong và ngoài nước.

Ông Mai Thành Chung, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch cho biết: Các di sản văn hóa Hà Nam đã và đang có sức hấp dẫn lớn đối với du khách. Di sản không chỉ mang lại một nguồn thu cho du lịch, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn mà còn quảng bá hình ảnh đất và người Hà Nam. Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2023, doanh thu du lịch của tỉnh đạt trên 2.000 tỷ đồng, một con số kỷ lục kể từ trước tới nay.

Thực tế, Khu du lịch quốc gia Tam Chúc là một trong những điểm đến hấp dẫn du khách nhất Hà Nam. Năm 2023, danh thắng Tam Chúc được công nhận di tích quốc gia, tiếp tục hành trình di sản, kết nối các địa phương trong khu vực đồng bằng sông Hồng trong phát triển du lịch. Theo ông Mai Thành Chung, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, xây dựng nông thôn mới ở Hà Nam sẽ không chỉ tạo điều kiện cơ sở vật chất cho các hoạt động văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa nông thôn mà còn gắn kết di sản để văn hóa thực sự là động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Chúng ta cần coi di sản như một tài nguyên vô giá, vô tận để khai thác, phát huy một cách hiệu quả trong quá trình xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững.

Khai thác có hiệu quả giá trị di sản

Ngày 27/2/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết 26 về Ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đề cập đến thực hiện mô hình “Nông thôn năng động – Cộng đồng sáng tạo – Di sản gắn kết”. Theo ông Trần Nhật Lam, Phó Trưởng Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), việc chọn mô hình này triển khai thực hiện trong xây dựng nông thôn mới hiện nay nhằm phát huy các giá trị cốt lõi trong nông thôn, trong đó người dân phát huy năng lực, tính cộng đồng. Trong xây dựng nông thôn mới, đối với nguồn lực từ ngân sách còn rất nhỏ. Tuy nhiên, để phấn đấu đạt chuẩn đòi hỏi nguồn lực đa dạng, tính cộng đồng phải cao. Việc xây dựng mô hình này là một đòi hỏi cấp bách nhằm xây dựng nông thôn mới bền vững, đi vào chiều sâu.

Gắn kết di sản trong xây dựng nông thôn mới
Hát Trống quân tại Liên hoan Văn hóa dân gian các di tích tiêu biểu tỉnh Hà Nam năm 2020.

Đây đúng là một cơ hội mới cho Hà Nam về cơ chế, chính sách phát triển văn hóa, du lịch trong xây dựng nông thôn mới. Gắn kết di sản với xây dựng nông thôn mới là một bài toán mang giá trị bền vững cho phát triển nông thôn, nông dân Hà Nam hôm qua, hôm nay và mai sau. Khi di sản văn hóa được phát huy, khơi dậy giá trị trong cộng đồng, việc giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội của các tầng lớp nhân dân được tăng cường theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đó cũng là lúc, Hà Nam xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh. Nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân về văn hóa được nâng cao, đúng với vai trò trong xây dựng con người chứ không chỉ mang chức năng giải trí đơn thuần. Gắn kết di sản trong xây dựng nông thôn mới sẽ phát huy tính cộng đồng của nhân dân, huy động nguồn lực được dễ dàng, phong phú hơn. Chia sẻ điều này, nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Văn Cường khẳng định: “Lễ phát lương đền Trần Thương – một di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, hàng chục vạn người dù ở nơi xa, nơi gần cũng mong muốn được về đây xin lương thảo đầu năm để an tâm lao động sản xuất, tin tưởng vào tương lai phía trước. Đó chẳng phải là điều tốt đẹp sao. Số tiền mà người dân cúng tiến, dâng lễ đầu năm xin lương sẽ trở thành nguồn lực quý giá để địa phương sử dụng vào các mục đích bảo tồn di sản, góp phần xây dựng, kiến thiết quê hương”.

Cũng theo nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Văn Cường, bảo tồn và phát triển giá trị di sản gắn với xây dựng nông thôn mới được xác định vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược vì văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh bảo đảm cho sự phát triển toàn diện. Chúng ta làm tốt việc này cũng sẽ góp phần đấu tranh, chống khuynh hướng xâm lăng, đồng hóa văn hóa khi nông thôn có sự phát triển vượt bậc, quá trình đô thị hóa nhanh, sự chuyển dịch lao động mạnh mẽ, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng. Do vậy, Hà Nam cần gắn bảo tồn và phát huy, khai thác các giá trị của di sản phục vụ xây dựng nông thôn mới thông qua phát triển du lịch bền vững.

Giang Nam

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.