Quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng, Nhà nước về bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch luôn được cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp của thị xã Duy Tiên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện và đạt được kết quả quan trọng, tạo tiền đề và động lực thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.
Với chủ trương: “Lấy văn hóa để phát triển du lịch, lấy du lịch để bảo tồn phát triển văn hóa”, Thị ủy Duy Tiên đã ban hành chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch nhằm gắn kết phát triển du lịch với khai thác tài nguyên văn hóa. Cụ thể hóa chỉ thị của Thị ủy, chính quyền, cơ quan chức năng các cấp của Duy Tiên đã phối hợp lập quy hoạch và đề nghị UBND tỉnh phê duyệt: quy hoạch chi tiết xây dựng điểm du lịch văn hóa tâm linh đền Lảnh Giang; đầu tư xây dựng công trình hạ tầng điểm du lịch văn hóa tâm linh đền Lảnh Giang. Trên cơ sở chủ trương và quy hoạch được phê duyệt, UBND thị xã Duy Tiên đã đầu tư xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật (kinh phí trên 46 tỷ đồng); đồng thời huy động các nguồn lực thông qua xã hội hóa để trùng tu, tôn tạo các hạng mục khu di tích đền Lảnh Giang (kinh phí trên 100 tỷ đồng); đầu tư xây dựng các hạng mục phụ trợ Khu di tích quốc gia đặc biệt chùa Long Đọi Sơn (kinh phí trên 2 tỷ đồng). Bên cạnh đó, để bảo tồn, phát huy giá trị di tích tiêu biểu gắn với phát triển du lịch, năm 2022, thị xã Duy Tiên phối hợp tiến hành khảo sát, lập quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt chùa Long Đọi Sơn, khu trung tâm lễ hội Tịch điền Đọi Sơn giai đoạn 2022-2035, tầm nhìn 2045, đề nghị các cấp, ngành phê duyệt.
Công tác tôn tạo, phối hợp lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích luôn được cấp ủy, chính quyền, nhân dân hết sức quan tâm. Thị xã đã có 62 di tích được tu bổ, tôn tạo từ nguồn kinh phí nhà nước kết hợp nguồn lực xã hội hóa; 29 di tích, cụm di tích được nhà nước xếp hạng (1 di tích quốc gia đặc biệt, 14 di tích cấp quốc gia, 14 di tích cấp tỉnh), 1 bảo vật quốc gia. Năm 2022, Thị ủy, UBND thị xã đã chỉ đạo, phối hợp tiến hành kiểm kê 235 di tích, đánh giá giá trị và đề nghị UBND tỉnh ban hành danh mục kiểm kê.
Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cũng đạt kết quả quan trọng. Thị xã Duy Tiên hiện có 5 trong tổng số 12 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của tỉnh được ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Lễ hội chùa Long Đọi Sơn; Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn; Lễ hội đền Lảnh Giang; Trống Đọi Tam, nghề làm trống Đọi Tam, nghề dệt lụa Nha Xá; Nghi lễ Chầu văn của người Việt ở Hà Nam). Địa bàn thị xã hiện đang bảo tồn, duy trì 20 lễ hội truyền thống (trong đó 3 lễ hội cấp vùng). Để bảo tồn các di sản văn hóa, thị xã Duy Tiên phối hợp phục dựng, duy trì tổ chức thành công 3 lễ hội lớn (Lảnh Giang, Long Đọi Sơn, Tịch điền).
Công tác quản lý, tổ chức lễ hội từng bước đi vào nền nếp. Nhận thức của chính quyền, nhân dân về xã hội hóa công tác tổ chức lễ hội ngày càng được nâng cao, các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, phát huy, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh những danh nhân có công với dân, với nước được quan tâm. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị nghề và làng nghề truyền thống được quan tâm. Thị xã hiện có 9 làng nghề, 11 làng có nghề, 11 nghệ nhân, 68 thợ giỏi được công nhận (2 làng nghề: trống Đọi Tam, lụa Nha Xá được ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia).
Các lễ hội, môn thể thao truyền thống, trò chơi dân gian được khôi phục, phát huy. Thị xã hiện có 300 câu lạc bộ (CLB) văn nghệ, TDTT được thành lập, phát huy hiệu quả, điển hình như CLB bảo tồn, phát huy di sản hát Chầu văn tỉnh Hà Nam, chiếu chèo Ngô Tân (Tiên Nội), CLB văn nghệ Đông Ngoại (Châu Giang)... Năm 2020 vở chèo “Huyền tích bến Lảnh Giang” được dàn dựng, công diễn góp phần quảng bá mảnh đất, con người Duy Tiên đến công chúng. Cùng với xuất bản cuốn sách “Đền Lảnh Giang điểm du lịch văn hóa tâm linh”, “Long Đọi Sơn tự xưa và nay”, tại các lễ hội, hoạt động văn hóa dân gian được tổ chức kết hợp trưng bày sản phẩm truyền thống để quảng bá, đáp ứng nhu cầu của du khách, góp phần bảo tồn các làng nghề truyền thống. Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quảng bá, lượng khách đến tham quan di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội, làng nghề truyền thống ngày càng tăng, 6 tháng đầu năm 2022, Duy Tiên đón trên 10 vạn khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, tìm hiểu.
Từ việc đánh giá đúng thực trạng phát triển du lịch, nhất là công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch thời gian qua, trên cơ sở quy hoạch định hướng phát triển ngành, thời gian tới cấp ủy, chính quyền, nhân dân Duy Tiên tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Nghị quyết 08 ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; các nghị quyết, quyết định của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Nam về phát triển du lịch.
Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, nhân dân về vai trò, vị trí di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trong phát triển KT-XH; thực hiện hiệu quả các dự án, đề án bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, trọng tâm thực hiện tốt đề án chống xuống cấp, tu bổ tôn tạo di tích cấp tỉnh, bảo tồn phát huy di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu. Đẩy mạnh nghiên cứu, sưu tầm để có biện pháp bảo tồn lễ hội, loại hình nghệ thuật thiết thực, hiệu quả; tăng cường tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch, liên kết với các khu, điểm du lịch trong tỉnh để tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án tại các điểm du lịch đã được quy hoạch, khuyến khích đầu tư mở rộng loại hình dịch vụ và tạo sản phẩm du lịch hấp dẫn, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch ở các điểm du lịch hiện có. Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, nhất là tại khu vực trung tâm (Đồng Văn, Hòa Mạc) đáp ứng nhu cầu của du khách khi đến với Duy Tiên. Thực hiện tốt việc bảo vệ tài nguyên du lịch, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, văn hóa ứng xử trong cơ sở kinh doanh, điểm tham quan du lịch.
Chủ động phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ để thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ (xây dựng khách sạn cao cấp, khu vui chơi giải trí kết hợp nghỉ dưỡng để thu hút đối tượng khách có mức chi tiêu cao, đặc biệt là khách quốc tế...). Tăng cường tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, hội nghị, hội thảo để thu hút khách du lịch. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch; đưa hoạt động kinh doanh du lịch vào nền nếp; từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch (nhất là đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên); kết hợp chặt chẽ hoạt động du lịch với quảng bá, phát huy văn hoá truyền thống, di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch bền vững.
Trịnh Thị Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Duy Tiên
.