Bảo vật về đạo hiếu ở triều Nguyễn

"Kim sách tấn phong Quốc mẫu Vương Thái phi" - bảo vật quốc gia - thể hiện tấm lòng hiếu nghĩa của Nguyễn Ánh với mẹ.

Kim sách là một trong 27 hiện vật được Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ký quyết định công nhận bảo vật quốc gia hôm 30/1.

Sách gồm hai tờ, chất liệu bạc mạ vàng, nặng 3,475 kg. Mặt lưng của hai tờ có vết xước. Mặt trước và mặt sau để trơn, bên trong khắc minh văn gồm 254 chữ Hán, nội dung Nguyễn Ánh tấn phong tôn hiệu cho mẹ đẻ là bà Nguyễn Thị Ngọc Hoàn làm Quốc mẫu Vương Thái phi, ngày mùng 7 tháng 10 năm Cảnh Hưng thứ 57 (1796). Bảo vật đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Bảo vật về đạo hiếu ở triều Nguyễn
Mỗi tờ "Kim sách tấn phong Quốc mẫu Vương Thái phi" có kích thước 24,65x11,32 cm, dày 0,6 cm. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Theo hồ sơ bảo vật của Cục Di sản Văn hóa, kim sách được chế tạo bằng chất liệu quý, bài minh văn khắc dạng chữ khải kích cỡ nhỏ, tinh xảo. Mỗi tờ dày 0,6 cm, gấp khoảng năm lần độ dày của những tờ kim sách khác. "Đạt đến trình độ cao về kỹ thuật và chắc chắn phải được thực hiện bởi những nghệ nhân tài hoa, danh tiếng đương thời. Đây là di sản quý giá, phản ánh nghệ thuật đúc, khắc minh văn", hồ sơ viết.

Kim sách được đúc dưới thời Lê Trung Hưng, có niên đại sớm nhất trong số 94 kim sách thuộc sưu tập bảo vật hoàng cung triều Nguyễn lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Hiện vật chứa đựng các thông tin giá trị về lịch sử, văn hóa của triều đại đồng thời cung cấp nguồn sử liệu quý giá, phản ánh chân thực, khách quan bối cảnh quyền lực, hoàn cảnh chính trị - xã hội giai đoạn thời Hậu Lê, Tây Sơn, Nguyễn.

Kim sách thể hiện tấm lòng của Nguyễn Ánh với mẹ, theo tư liệu Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Bà Nguyễn Thị Ngọc Hoàn (1736-1811) quê làng Minh Linh, tỉnh Thừa Thiên, là con gái Diễn quốc công Nguyễn Phúc Trung. Bà cùng Nguyễn Phúc Côn sinh được bốn người con: Nguyễn Phúc Đồng, Nguyễn Ánh (tức vua Gia Long sau này), Nguyễn Phúc Điển, Nguyễn Phúc Ngọc Tú.

Năm 1774, quân Trịnh vào chiếm Phú Xuân, Nguyễn Ánh theo chúa Nguyễn Phúc Thuần vào Quảng Nam, bà Ngọc Hoàn phải đến làng An Du ẩn nấp. Nguyễn Ánh sau đó bôn ba khắp nơi tìm cách giành lại quyền lực cho họ Nguyễn. Bà Ngọc Hoàn cũng chạy đến nhiều nơi như Gia Định, đảo Phú Quốc, đảo Thổ Châu.

Khi Nguyễn Ánh khôi phục đất Gia Định, được các tướng tôn làm Đại Nguyên soái Nhiếp quốc chính, bà Ngọc Hoàn được rước vào Gia Định và tôn làm Quốc mẫu. Tháng 10/1796, Nguyễn Ánh dẫn quần thần dâng sách vàng, ấn vàng tôn phong bà làm Quốc mẫu Vương Thái phi.

Kim sách viết: "Mẫu phi Nguyễn Thị Ngọc Hoàn tính trời cho êm hòa, mềm mỏng, tư chất hiền hậu, cẩn thận, phục vụ Hoàng khảo những ngày như rồng còn ẩn mình, giống vợ vua Thuấn nơi cửa cung ôn hòa, tỏa sáng, bảo vệ đứa con bé bỏng trong những năm chiến trận, như mẹ vua Nghiêu ở chốn môn đình tấp nập, để lại lời chúc phúc tốt đẹp. Công đức như vậy phải hết sức suy tôn.

Cúi mong Quốc mẫu như mặt trời lên, như mặt trăng sáng mãi, đức sáng tỏ rõ như Thái Nhâm, Thái Tự. Tuổi thọ càng cao, đức độ càng lớn, nhân thế mà con lễ phép, cháu lễ phép, khôn xiết vui mừng, ca tụng hết lời".

Kim sách được dâng cùng ấn Quốc mẫu chi bảo. Ấn được đúc bằng bạc, quai ấn hình rùa được mạ vàng. Lưng ấn trơn, không khắc chữ, mặt ấn đúc nổi bốn chữ triện trong khung diềm "Quốc mẫu chi bảo".

Bảo vật về đạo hiếu ở triều Nguyễn
Ấn "Quốc mẫu chi bảo". Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi vua, lấy niên hiệu Gia Long, bà Ngọc Hoàn được phụng nghinh về kinh thành. Vua cũng ra ơn cho làng An Du đã cưu mang mẹ ông, miễn mọi dịch thân thuế.

Sau đó, vua tôn bà làm Vương Thái hậu, cho xây dựng cung Trường Thọ để ở. Năm 1806, bà được tôn làm Hoàng thái hậu. Năm 1807, Thái hậu 70 tuổi, Gia Long tổ chức khánh tiết lớn trong ngoài kinh thành. Các quan lại, hoàng tử, cung phi, các công thần ở Tống Sơn, họ Lê, họ Trịnh đều đến chúc mừng và dâng lễ vật. Vua sai nhạc công múa Bát dật, hát các khúc Vạn niên hoan, Thiên hạ lạc, Thái bình lạc. Bà mất năm 1811, thọ 74 tuổi. Vua Gia Long dâng sách vàng tôn thụy là "Ý Tĩnh Huệ cung An Trinh Tử Hiến Hiếu Khang hoàng hậu".

Tác phẩm thể hiện truyền thống đạo hiếu của thời nhà Nguyễn. Nhà Nguyễn dùng hiếu để cai trị thiên hạ, yêu cầu mọi người phải hiếu thuận với cha mẹ, trung thành với vua. Dưới thời vua Gia Long, hành vi bất hiếu là một trong mười tội ác nghiêm trọng, ngang hàng với mưu phản, đại nghịch.

Ngày 30/8/1945, sau khi tuyên bố thoái vị, vua Bảo Đại trao lại nhiều ấn triện, bảo kiếm, kim sách cho chính quyền cách mạng tại Ngọ Môn, trong đó có kim sách tấn phong Quốc mẫu Vương Thái phi. Sau đó, các hiện vật được chuyển ra Hà Nội. Tháng 12/1946, kháng chiến chống Pháp bùng nổ, bộ sưu tập được đưa đi cất giữ. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, chúng được đưa về Bộ Tài chính quản lý. Ngày 17/12/1959, hiện vật được bàn giao cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) lưu giữ.

Năm 1962, bảo tàng gửi bộ sưu tập sang Ngân hàng Nhà nước lưu giữ theo chế độ đặc biệt, nhằm đảm bảo an toàn. Gần nửa thế kỷ, bảo vật được giấu kín, ít người biết đến sự tồn tại của nó. Năm 2007, sau khi Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cải tạo, nâng cấp kho bảo quản đặc biệt, đầu tư, lắp đặt trang thiết bị đảm bảo an ninh, an toàn, hiện vật được bàn giao trở lại để lưu giữ, bảo quản và phát huy giá trị.

Theo Hiểu Nhân/VnE

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy