Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể lễ hội chùa Bà Đanh

Chùa Bà làng Đanh, hay còn gọi chùa Bà Đanh có tên chữ là Bảo Sơn tự tọa lạc trên một gò đất cao ở thôn Đanh Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng. Chùa thờ Pháp Vũ, một vị thần trong Tứ pháp (Vân, Vũ, Lôi, Điện). Đây là vị thần phù trợ cho sản xuất nông nghiệp, cây cối tốt tươi, đời sống nhân dân no đủ.

Ngôi chùa từ thuở sơ khai là một chiếc am nhỏ được dựng bằng tranh tre nứa lá, nằm cạnh một hòn núi nhỏ, có ba mặt giáp với sông Đáy, hai bên sông rừng cây rậm rì, có nhiều thú dữ. Người dân nơi đây còn truyền nhau câu chuyện, có năm hổ từ rừng về phá ruộng của dân, có người đi làm đồng sớm bị hổ đả thương. Vì vậy, mỗi lần người dân lên chùa phải tụ tập đông người mang theo chiêng trống, giáo mác để đề phòng thú dữ.

Thôn Đanh Xá Thượng (sau khi chia tách thành lập thị trấn Quế, thôn Đanh Xá có Đanh Xá Thượng và Đanh Xá Hạ) xưa ngoài chùa Bà Đanh còn có chùa Lê nằm sau đình Thượng, chùa được xây vào thời Tiền Lê nên được gọi là chùa Lê. Theo ông Vũ Văn Chuyên, 84 tuổi, người thôn Đanh Xá Thượng cho biết, vào đời Lê Hy Tông – vị vua thứ 10 triều Hậu Lê – dân thôn hợp nhất chùa Lê và am Bà Đanh thành chùa Bà Đanh như hiện nay. Từ khi chùa được hợp nhất và dựng mới, lễ hội chùa Bà Đanh được tổ chức 5 năm một lần từ ngày 15 - 17 tháng 2 âm lịch.

Du khách tham quan chùa Bà Đanh - núi Ngọc, xã Ngọc Sơn (Kim Bảng).

Kể về lễ hội chùa xưa, ông Chuyên nhớ vì chùa nằm gần sông, xung quanh là rừng rậm nên lớp sơn bên ngoài tượng thờ lâu ngày thường hay bị tróc lở. Vì thế làng định lệ 5 năm quang phấn, một lần – dùng vật liệu tự nhiên làm cho phần mặt của tượng trắng bóng trở lại. Nghi lễ quang phấn được dân làng làm rất cẩn thận, trước khi quang phấn, người dân làm lễ xuất thần cho tượng xong rước đến điểm làm quang phấn. Trong thời gian quang phấn phải buông màn quây tượng để bảo đảm sự tôn nghiêm.

Để bức tượng có bộ mặt trắng sáng, việc sơn trát phải làm từ 6 – 7 lần nên công việc này mất vài ba tháng mới xong. Khi xong dân làng lại long trọng rước về làm lễ nhập thần. Lễ nhập thần được làm vào ban đêm, khi thực hành lễ nhập thần, tất cả đèn phải được tắt hết, chỉ khi lễ xong lật khăn che mặt tượng ra, đèn mới được thắp sáng trở lại. Và sau mỗi lần quang phấn như thế, dân làng mới tổ chức lễ hội chùa.

5 năm mới tổ chức một lần nên lễ hội diễn ra linh đình, náo nức thu hút đông đảo nhân dân trong thôn, trong xã và quanh vùng tham dự. Vui và sôi động nhất là phần rước kiệu thần phật về đình làm lễ vào sáng ngày rằm tháng 2. Đi đầu đoàn rước là kiệu long đình, đây là kiệu thần nên việc chọn người khiêng kiệu khá khắt khe. Trai khiêng kiệu, người sáng sủa, gia đình tốt tươi đầm ấm và bắt buộc phải có sức khỏe thật tốt.

Sau kiệu long đình là kiệu giá lễ, lễ ở đây chủ yếu là hoa quả được bày vào một quả lễ lớn. Kiệu bát cống rước thành hoàng đi tiếp theo, các trai kiệu cũng được tuyển chọn như kiệu long đình. Kiệu ngọc lộ rước đức vua Bà do các cô gái thanh tân yếm thắm, khăn bao xanh, tóc bỏ đuôi gà trong thôn đảm nhiệm. Đi sau cùng đoàn rước là kiệu võng rước bóng thường do các bà, các cô trong làng khiêng kiệu. Kiệu xuất phát từ chùa Bà Đanh qua đình Đanh Xá Thượng, hạ kiệu tổ chức một tuần tế, sau đó đoàn rước kiệu lại tiếp tục rước xuống đình Đanh Xá Hạ tiếp tục tế lễ.

Chùa linh thiêng nên lễ hội diễn ra trong không khí cũng hết sức trang nghiêm, người làng tin rằng, những đứa trẻ nào sài đẹn, hay ốm đau, khó nuôi nếu chui qua kiệu trong đoàn rước sẽ được thần phật ban khước lành hay ăn, chóng lớn, thông minh, đĩnh ngộ. Vì vậy, trẻ con, hoặc mẹ bế con, bà dắt cháu cứ mỗi lần kiệu đi qua lại chui qua các kiệu lấy khước. Đoàn kiệu cũng đi rất nhẩn nha để người dân thực hiện nghi thức tâm linh này. Tuần tự mỗi kỳ lễ hội, kiệu rước được để lại đình Hạ hoặc đình Thượng cho nhân dân và du khách thập phương cầu lộc, cầu tài sau đó đến sáng ngày 17 mới rước về chùa.

Trong lễ hội chùa Bà Đanh còn có nhiều trò chơi dân gian được tổ chức như kéo co, bịt mắt đập niêu, chọi gà, cờ người và trò chơi người dân mong đợi nhất là đua thuyền chải trên sông Đáy.

Cũng theo ông Chuyên, đến năm 1950 khi Pháp đánh chiếm, xây bốt tại thị trấn Quế đàn áp dân trong vùng, lễ hội chùa Bà Đanh không còn được tổ chức. Năm 2011, sau 61 năm bị ngắt quãng, huyện Kim Bảng mới tổ chức phục dựng lại lễ hội cổ truyền chùa Bà Đanh. Chùa Bà Đanh sau tu sửa gồm nhiều hạng mục tạo thành quần thể kiến trúc liên hoàn với tam quan, chùa chính, tả vu, hữu vu, nhà tổ, phủ mẫu, nhà khách, nhà ni và các công trình phụ trợ khác.

Lễ hội chùa Bà Đanh từ đó hằng năm được dân làng phối hợp cùng nhà chùa tổ chức đã thu hút đông đảo thiện nam, tín nữ, phật tử và du khách xa gần về tham dự. Lễ hội vẫn giữ nguyên các nghi thức và các trò chơi truyền thống, là niềm tự hào của nhân dân thôn Đanh Xá nói riêng và huyện Kim Bảng nói chung. Vinh dự cho thôn, ngày 29/1/2019, lễ hội chùa Bà Đanh đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chứng nhận đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ngay sau khi được cấp giấy chứng nhận, xã Ngọc Sơn và đại diện thôn Đanh Xá đã tổ chức họp bàn về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản lễ hội chùa Bà Đanh. Với sự linh thiêng của một ngôi chùa cổ, với phong cảnh nên thơ hữu tình, là một địa chỉ du lịch của địa phương cùng lễ hội nhiều màu sắc thuần văn hóa dân gian nên du khách đến với di tích này khá đông.

Ngoài việc đón khách chu đáo, thân thiện, dân làng đã thống nhất từ năm 2019, lễ hội chùa Bà Đanh 2 năm tổ chức một lần, vào các năm chẵn. Kịch bản lễ hội cũng được thống nhất thông qua, ngoài các nghi lễ truyền thống, kịch bản có thêm phần cụ thể hóa thứ tự và số lượng đội hình đoàn rước và một số nghi thức hành chính. Các nghi trình lễ hội đều do dân thôn Đanh Xá đảm nhiệm. Bên cạnh các trò chơi truyền thống, xã còn tổ chức thêm một số giải thể thao quần chúng như cầu lông, cờ tướng, bóng chuyền da nam và bóng chuyền hơi nữ.

Từ tháng 8/2018, khu du lịch chùa Bà Đanh – núi Ngọc bắt đầu thu phí. Nhiều ý kiến cho rằng huyện Kim Bảng nên căn cứ tình hình thực tế sao cho có mức thu hợp lý, hài hòa để thu hút ngày càng đông hơn nữa du khách về với danh thắng, về với lễ hội là di sản văn hóa phi vật thể này.

Chu Bình

Chu Bình

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy