Đền Trúc và những hiện vật, thực vật hàng trăm năm tuổi

Đền Trúc - Ngũ Động Sơn (Thi Sơn, Kim Bảng) là một quần thể di tích có giá trị độc đáo về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật. Đây còn là điểm du lịch tâm linh, sinh thái thú vị, thu hút khách du lịch của tỉnh. 

Đền Trúc nằm cạnh núi Cuốn Sơn (núi Cấm), ngọn núi đá vôi nằm một mình tách hẳn những dãy núi trập trùng phía Nam huyện. Núi và đền nằm soi bóng bên dòng sông Đáy. Ngoài rừng trúc nghìn năm tuổi bao quanh đền dưới chân núi; những làn điệu hát Dậm thâm trầm, chậm rãi kể chuyện ngàn xưa cũng gần nghìn tuổi; những hang động đá vôi với những nhũ đá được tích tụ qua hàng trăm năm tạo nên những hình thù vô cùng độc đáo, ngôi đền cổ này còn có những hiện vật, thực vật hàng trăm năm tuổi song hành cùng chiều dài lịch sử ngôi đền.

Đền Trúc và những hiện vật thực vật hàng trăm năm tuổi
Đền Trúc - Ngũ Động Sơn (Thi Sơn - Kim Bảng).

Căn cứ sắc phong, thần phả còn lưu giữ, đền Trúc được khởi dựng cách đây khoảng nghìn năm, ban đầu là một ngôi miếu nhỏ nằm bên sông. Khi Lý Thường Kiệt đưa quân đi đánh Chiêm Thành qua đây được âm phù. Chiến thắng trở về, ông dừng tạ ơn, khao thưởng dân làng, dạy họ nghề canh nông và truyền cho họ làn điệu hát Dậm độc đáo. Tưởng nhớ công ơn của ông, người xưa xây đền thờ phụng. Trải qua nhiều lần trùng tu, ngôi đền là di tích tiêu biểu trong vùng. Những năm đầu sau khi tái lập tỉnh, quần thể di tích và danh thắng này đã được UBND tỉnh đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng càng làm tăng thêm giá trị lịch sử và ý nghĩa tâm linh của di tích.

Đền Trúc được làm bằng gỗ lim, gồm tam quan, qua tam quan đến sân đền, tiếp theo là tòa tiền đường và hậu cung. Ngoài kiến trúc và kết cấu theo kiểu truyền thống, tại khoảng sân nhỏ giao giữa tòa tiền đường và hậu cung có một số hiện vật bằng đá chưa được nghiên cứu, đó là đôi rồng và một bể cảnh bằng đá. Đôi rồng không lớn lắm, nằm đối xứng theo chiều dọc, đầu quay vào tòa tiền đường, được tạo tác trên đá khối nhưng hình dạng lại khác nhau. Bà Trịnh Thị Phương Lâm, thủ từ đền Trúc cho biết: Có nhiều người đã đến đây xem xét, nghiên cứu và cho rằng con rồng phía bên phải nhìn từ ngoài vào là rồng thời Lý, còn con rồng phía bên trái là rồng thời Trần. Hình tượng rồng của các triều đại cũng không khó phân biệt, khi rồng thời Lý mềm mại, uyển chuyển thì rồng thời Trần to khỏe, mập mạp. Hai con rồng ở đây đều mang những đặc trưng riêng đó của hai triều đại rực rỡ trong lịch sử nước ta. Rồng không chỉ tượng trưng cho quyền lực hoàng gia, rồng còn tượng trưng cho nguồn nước, niềm mơ ước cho cư dân trồng lúa nên biểu tượng rồng thờ được điêu khắc, chạm khắc ở nhiều đền, đình, chùa và ở đền Trúc là tượng rồng đá. Nếu đúng niên đại, đôi rồng này cũng đã hàng trăm năm tuổi. Còn bể cảnh bằng đá, bà Lâm cho biết nó được tạo từ đá nguyên khối cũng là bể cổ. Bể hình chữ nhật, vuông thành sắc cạnh, đáy bể có riềm hình sóng nước bao quanh, thành bể có họa tiết tứ quý. Các họa tiết đều được rêu phong phủ, rất cần các nhà nghiên cứu mới khẳng định được niên đại.

Đền Trúc và những hiện vật thực vật hàng trăm năm tuổi
Hình ảnh rồng theo kiến trúc thời Lý ở đền Trúc.

Ngoài vườn trúc còn sót lại của rừng trúc trước đây quanh năm xanh tốt, trong khu vực đền Trúc còn có nhiều cây cổ thụ và cây ăn quả khác đã được trồng lâu năm. Bà Lâm dẫn chúng tôi ra sân đền và chỉ cho chúng tôi cây vải cổ thụ. Thân cây to, thẳng, chiều cao vượt cả mái đền. Bà cho biết, theo các cụ cao niên truyền lại, cây vải trên đã được trồng cách cây khoảng vài trăm năm. Hằng năm, cây vẫn cho quả, những chùm chín đỏ đầu tiên được dùng dâng lên lễ thánh.

Với vẻ đẹp khác biệt, cùng làn điệu hát Dậm riêng có, lễ hội đậm chất dân gian truyền thống, đền Trúc, núi Cấm và Ngũ Động Sơn vẫn còn nhiều giá trị về văn hóa, lịch sử và nghệ thuật cho chúng ta tìm hiểu và khám phá. Nơi đây, đã và đang là điểm đến thú vị của du lịch Hà Nam.

Chu Bình

Bình luận bài viết

Bình luận

  •  Nguyễn Tâm
    3 năm trước

    Bài viết chưa thực sự thuyết phục khi chưa đưa ra các dấu mốc thời gian cụ thể hơn của các vật chứng, cổ vật lịch sử, chỉ nói chung chung ngàn năm với trăm năm.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.