Mô hình “Nhóm nòng cốt tuyên truyền chính sách, pháp luật về bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) tại các địa phương” do Ủy ban MTTQ tỉnh tham mưu đề xuất xây dựng nhằm tuyên truyền đến người dân ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bồi thường, GPMB; tuyên truyền các văn bản hướng dẫn thi hành có liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của người dân để thực hiện tốt các cơ chế, chính sách quy định về bồi thường, GPMB, góp phần tạo điều kiện bàn giao mặt bằng đúng tiến độ và triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh có hiệu quả.
Năm 2022, theo tổng hợp của Ủy ban MTTQ tỉnh, trên địa bàn tỉnh có 213 dự án thực hiện bồi thường, GPMB, trong đó số dự án đang triển khai GPMB là 130 dự án, số dự án chưa triển khai là 31 dự án, số dự án đã hoàn thành GPMB là 52 dự án. Với số dự án trên, đã có khoảng 14.348 hộ dân bị ảnh hưởng về đất đai, hoa màu. Xác định tầm quan trọng của công tác GPMB, triển khai các công trình, dự án góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã xây dựng kế hoạch thành lập “Nhóm nòng cốt tuyên truyền chính sách, pháp luật về bồi thường, GPMB”, xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật tại các xã trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh đã kịp thời, chủ động báo cáo với cấp ủy cùng cấp, đồng thời xây dựng các kế hoạch tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về bồi thường, GPMB; hướng dẫn ban thường trực Ủy ban MTTQ cấp xã phối hợp rà soát các đơn vị có dự án thu hồi đất, GPMB, trên cơ sở đó tham mưu với cấp ủy, phối hợp với chính quyền thành lập nhóm nòng cốt tuyên truyền chính sách, pháp luật về công tác bồi thường, GPMB tại địa phương; tổ chức ra mắt mô hình và thông qua quy chế làm việc của nhóm; xây dựng kế hoạch, tiêu chí thực hiện mô hình, hướng dẫn nhóm hoạt động theo đúng nội dung.
Khi thực hiện dự án, các nhóm nòng cốt xây dựng kế hoạch tuyên truyền cụ thể các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bồi thường, GPMB các dự án trên địa bàn. Kết quả, năm 2022, toàn tỉnh đã thành lập được 70 nhóm nòng cốt (trong đó có 61 nhóm đang hoạt động ở 61 xã, phường, thị trấn có dự án đền bù, GPMB đang được triển khai) với 660 thành viên (bình quân mỗi nhóm có 09 thành viên, trong đó nhóm ít nhất có 7 thành viên, nhóm nhiều nhất có 20 thành viên (Nhóm nòng cốt thị trấn Vĩnh Trụ, huyện Lý Nhân). Thành viên các nhóm nòng cốt là những người thật sự uy tín, tâm huyết, am hiểu pháp luật, có khả năng tuyên truyền, thuyết phục và tinh thần trách nhiệm cao tại địa bàn và đại diện UBND, công an xã, MTTQ, các tổ chức đoàn thể, ban thanh tra nhân dân; trưởng thôn, tổ trưởng dân phố, trưởng ban công tác mặt trận ở thôn, tổ phố.
Sau khi thành lập mô hình, ban thường trực Ủy ban MTTQ cấp huyện đã hướng dẫn MTTQ cấp xã chỉ đạo các nhóm nòng cốt trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của từng ngành, từng tổ chức đoàn thể và chức năng nhiệm vụ từng thành viên trong nhóm xây dựng quy chế hoạt động của nhóm, xây dựng kế hoạch, quy chế hoạt động cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị mình. Định kỳ hằng tháng, hằng quý hay khi trên địa bàn có chủ trương chính sách thu hồi đất, GPMB, nhóm tổ chức họp phân công trách nhiệm và xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân với nhiều hình thức phong phú đa dạng phù hợp với nội dung và từng nhóm đối tượng, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với trình độ nhận thức của các tầng lớp nhân dân trên từng địa bàn khu dân cư. Có những nhóm đã chia các hộ gia đình bị ảnh hưởng thành từng nhóm như nhóm gia đình có người thân là đảng viên; nhóm cán bộ, công nhân, viên chức; nhóm gia đình có đoàn viên thanh niên, có người cao tuổi… để có hình thức vận động phù hợp. Các nhóm nòng cốt chú trọng vận dụng phương thức nêu gương, khơi dậy tinh thần trách nhiệm “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”… Nhờ đó, các hộ đã cơ bản hiểu, chấp hành quyết định thu hồi đất phục vụ dự án, qua đó góp phần ổn định tình hình tại địa phương, sớm hoàn thành tốt các dự án GPMB tại địa phương.
Việc tổ chức tuyên truyền của nhóm nòng cốt cũng rất linh hoạt, như: lồng ghép trong các buổi sinh hoạt cộng đồng; các hội nghị sơ kết; tổng kết công tác hội, đoàn thể; các buổi giao lưu, tọa đàm hoặc trực tiếp đến từng hộ dân để tuyên truyền, vận động; phối hợp với đài truyền thanh để tuyên truyền... bảo đảm mọi lúc, mọi nơi, gần gũi và thiết thực với hội viên và nhân dân. Bên cạnh đó, việc tổ chức tuyên truyền, vận động được tiến hành từng bước, kiên trì, liên tục và xuyên suốt trong quá trình thực hiện, chú trọng việc khảo sát, thu thập thông tin, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, phản ánh của người dân để xác định nội dung cần trả lời, giải thích, tham mưu với cấp thẩm quyền trong giải quyết các nguyện vọng chính đáng của hộ dân, quan tâm tuyên truyền, vận động tăng cường đoàn kết, phát huy dân chủ, bảo đảm lợi ích chính đáng của nhân dân trong công tác bồi thường, GPMP khi nhà nước thu hồi đất, với phương châm "Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".
Từ khi được thành lập, 100% thành viên các nhóm nòng cốt được Ủy ban MTTQ các cấp tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nắm bắt, tuyên truyền phổ biến, vận động nhân dân, đồng thời được cung cấp các tài liệu, văn bản về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh, của địa phương về công tác bồi thường, GPMB để các thành viên nhóm nòng cốt nắm được và tuyên truyền đến nhân dân, đặc biệt là tuyên truyền đến các hộ nằm trong diện quy hoạch, bị ảnh hưởng bởi các dự án. Chính vì vậy, dù mới được thành lập với thời gian chưa dài, nhưng các nhóm nòng cốt đã thật sự phát huy được vai trò hạt nhân, chủ đạo trong tuyên truyền và vận động nhân dân chấp hành các quy định pháp luật về bồi thường, GPMB ở địa bàn khu dân cư. Trong năm 2022, các nhóm nòng cốt đã tuyên truyền được 1.049 buổi cho 87.067 lượt người. Qua đó đã tuyên truyền, vận động được 7.348 hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án nhận tiền đền bù.
Tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động của các nhóm nòng cốt tuyên truyền chính sách, pháp luật về bồi thường, GPMB, trong thời gian tới, MTTQ tỉnh tập trung hướng dẫn các nhóm nòng cốt tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến Luật Đất đai năm 2013; quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; các văn bản hướng dẫn chính sách, pháp luật có liên quan trong thực hiện công tác GPMB. Đồng thời, đổi mới các nội dung tuyên truyền theo hình thức "Đi từng ngõ, gõ từng nhà", vận dụng đa dạng, linh hoạt các hình thức tuyên truyền như lồng ghép trong các buổi sinh hoạt cộng đồng, các hội nghị triển khai, tổng kết các đoàn thể, các buổi giao lưu, tọa đàm...
Tăng cường sự phối hợp giữa các nhóm nòng cốt với các cơ quan chuyên môn, chủ đầu tư trong việc biên soạn tài liệu tuyên truyền, tổ chức các hội nghị chuyên đề tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về GPMB và thu hồi đất ở các địa phương để các hộ dân bị ảnh hưởng các dự án và phải thu hồi đất GPMB nhận thức rõ quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm của mình. Cùng với đó, kịp thời kiện toàn các thành viên nhóm nòng cốt, bảo đảm những người thực sự có uy tín, tâm huyết, am hiểu pháp luật, có khả năng tuyên truyền, thuyết phục và có tinh thần trách nhiệm cao tại địa bàn tham gia nhóm nòng cốt.
Đức Anh