Kể từ 1.7.2024, khi luật Căn cước có hiệu lực, sẽ có thêm trường hợp người dân phải làm thủ tục cấp đổi thẻ căn cước.
Từ 1.7.2024, luật Căn cước có hiệu lực, thay thế cho luật Căn cước công dân. Thẻ căn cước công dân có tên gọi mới là thẻ căn cước. Nhiều quy định mới liên quan đến quy trình cấp, cấp đổi thẻ căn cước cũng sẽ chính thức được áp dụng.
Thêm trường hợp đổi thẻ căn cước
Luật Căn cước công dân (đang có hiệu lực) quy định 6 trường hợp công dân được cấp đổi thẻ căn cước công dân.
Cụ thể gồm: khi đến độ tuổi đổi thẻ (25, 40 và 60 tuổi); thẻ bị hư hỏng không sử dụng được; có thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên, đặc điểm nhân dạng; xác định lại giới tính, quê quán; có sai sót về thông tin trên thẻ; hoặc khi công dân có yêu cầu.
Còn theo quy định tại luật Căn cước, công dân được cấp đổi thẻ căn cước trong 7 trường hợp sau: đến tuổi đổi thẻ (14, 25, 40 và 60 tuổi); có thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên khai sinh, ngày, tháng, năm sinh; có thay đổi nhân dạng, bổ sung thông tin ảnh khuôn mặt, vân tay, xác định lại giới tính hoặc chuyển đổi giới tính theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra là các trường hợp có sai sót về thông tin in trên thẻ căn cước; theo yêu cầu của người được cấp thẻ căn cước khi thông tin trên thẻ căn cước thay đổi do sắp xếp đơn vị hành chính; xác lập lại số định danh cá nhân; hoặc khi người được cấp thẻ căn cước có yêu cầu.
So với luật Căn cước công dân, luật Căn cước bổ sung thêm nhiều trường hợp cấp đổi thẻ căn cước cho người dân. Đáng chú ý là trường hợp cấp đổi khi có sự thay đổi do sắp xếp đơn vị hành chính.
Quá trình xây dựng luật, một số đại biểu đề nghị bỏ quy định này ra khỏi dự thảo. Lý do, việc đổi thẻ căn cước khi sắp xếp đơn vị hành chính sẽ gây tốn kém; trong khi nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính đã quy định rõ "các loại giấy tờ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp cho cá nhân, công dân, tổ chức trước khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, nếu chưa hết hạn theo quy định vẫn tiếp tục được sử dụng".
Giải trình về nội dung trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay, quy định như trong luật giúp thẻ căn cước phản ánh đúng thông tin của công dân ở thời điểm sử dụng thẻ, bảo đảm quyền lợi và thuận tiện cho người được cấp thẻ. Để không gây phiền hà, luật nêu rõ việc cấp đổi chỉ thực hiện khi người dân có yêu cầu.
Rút ngắn thời gian cấp thẻ căn cước
Theo quy định hiện hành tại luật Căn cước công dân, thời hạn cấp thẻ căn cước công dân được chia theo từng khu vực.
Tại thành phố, thị xã không quá 7 ngày làm việc đối với trường hợp cấp mới và đổi; không quá 15 ngày làm việc đối với trường hợp cấp lại.
Tại các huyện miền núi vùng cao, biên giới, hải đảo không quá 20 ngày làm việc đối với tất cả các trường hợp.
Tại các khu vực còn lại không quá 15 ngày làm việc đối với tất cả các trường hợp.
Từ 1.7.2024 tới đây, khi luật Căn cước có hiệu lực, thời hạn cấp thẻ căn cước được thống nhất là 7 ngày làm việc, đối với tất cả trường hợp cấp, cấp đổi, cấp lại.
Quá trình xây dựng luật, một số đại biểu cho rằng với thời hạn 7 ngày như quy định, nên chăng phân cấp thẩm quyền cấp thẻ căn cước về cho địa phương, thay vì đầu mối duy nhất là Bộ Công an.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, với quy định về quản lý cơ sở dữ liệu tập trung như hiện nay, việc kiểm tra, đối sánh dữ liệu căn cước công dân cần thực hiện tại trung tâm dữ liệu căn cước để bảo đảm tính chính xác trên toàn quốc.
Mặt khác, việc tổ chức in, phát hành thẻ căn cước tập trung sẽ tiết kiệm chi phí mua sắm trang thiết bị, vật tư, nguyên liệu và chi phí in ấn thẻ.
Do đó, luật Căn cước chỉ giao một đầu mối là cơ quan quản lý căn cước Bộ Công an có thẩm quyền cấp thẻ căn cước, là phù hợp với công nghệ và thực tế quản lý hiện nay.
Theo thanhnien.vn