Dự kiến siết hàng loạt điều kiện với xe đưa đón học sinh

Bộ Giao thông Vận tải đề xuất xe đưa đón học sinh bắt buộc có đèn cảnh báo hoặc đăng ký màu sơn nhận diện, niên hạn sử dụng không quá 15 năm.

Theo dự thảo luật Đường bộ lần thứ năm đang được lấy ý kiến nhân dân, Bộ Giao thông Vận tải quy định xe đưa đón học sinh phải đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Nếu đưa đón học sinh tiểu học, mầm non, xe phải có dây đai an toàn hoặc ghế ngồi phù hợp lứa tuổi. Kính xe có thể nhìn rõ phía trong xe từ bên ngoài. Lái xe đưa đón học sinh có 2 năm kinh nghiệm.

Xe đưa đón học sinh có thể do cơ sở giáo dục tự tổ chức hoặc đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện. Các trường học muốn tổ chức đưa đón phải thông báo đến cơ quan chuyên môn về giao thông vận tải địa phương, gồm: Hành trình; điểm dừng đón, trả; danh sách xe, lái xe; hình ảnh xe và màu sơn đặc trưng. Nếu thông tin trên thay đổi, trường phải thông báo bổ sung.

Khi đưa đón học sinh tiểu học, mầm non, các trường phải bố trí một quản lý mỗi xe để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự, đảm bảo an toàn suốt chuyển đi. Nếu ôtô trên 24 chỗ đưa đón học sinh mầm non phải có hai quản lý. Các trường có trách nhiệm tập huấn cho lái xe và người quản lý học sinh nắm vững, thực hiện đúng quy trình an toàn.

Xe đưa đón học sinh được quyền ưu tiên trong phân luồng, điều tiết giao thông.

Dự kiến siết hàng loạt điều kiện với xe đưa đón học sinh
Học sinh trường tiểu học Long Bình Tân (TP Biên Hòa, Đồng Nai) nhảy xuống từ xe đưa đón, ngày 15/2/2023. Ảnh: Phước Tuấn

Đề cập cụ thể về chi tiết đèn cảnh báo, đại diện Phòng Quản lý phương tiện, người lái (Cục Đường bộ Việt Nam), cho biết đèn cảnh báo phải phát sáng, có thể xoay, được gắn trên nóc xe hoặc đèn ghi "xe chở học sinh" để khi tham gia giao thông các phương tiện khác có thể nhận diện.

Tại Mỹ, nhiều bang quy định nghiêm ngặt hoạt động đưa đón học sinh bằng ôtô. Tại California, xe buýt chở học sinh phải lắp đặt hệ thống cảnh báo an toàn trẻ em. Đây là còi báo động được đặt phía sau xe bus, nối với động cơ. Khi động cơ được ngắt, tài xế phải đi xuống cuối xe để tắt thiết bị, nếu không còi sẽ vang lên nhằm cảnh báo mọi người. Như vậy, tài xế không thể quên việc kiểm tra học sinh trên xe. Các bang Tennessee, Texas, Wisconsin cũng có quy định tương tự.

Đại diện Phòng Quản lý phương tiện, người lái cho rằng chưa cần lắp đèn cảm biến cảnh báo ở cuối xe vì công nghệ khá phức tạp. Các quy định trong dự thảo đã yêu cầu trước khi học sinh xuống xe, cả lái xe và người giám sát phải kiểm tra toàn bộ xe xem còn ai hay không.

Cơ quan soạn thảo dự tính sẽ không bắt buộc tất cả xe đưa đón học sinh phải dùng màu sơn chung, nhưng cần có các màu sơn đặc trưng để dễ nhận biết. "Quy định này nhằm làm sao để ôtô đưa đón học sinh dễ được nhận biết khi tham gia giao thông, để được ưu tiên phân luồng, điều tiết và đảm bảo an toàn hơn", đại diện Phòng Quản lý phương tiện, người lái, cho biết.

Lý giải cho hàng loạt quy định mới, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng trẻ em cần được ưu tiên đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, quản lý hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng ôtô hiện "chưa có bất cứ quy định nào", trong khi dịch vụ này đang phổ biến, nhất là ở thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM. Vì chưa có quy định nên xảy ra nhiều bất cập như dịch vụ tự phát, chất lượng xe không đảm bảo, lái xe thiếu trách nhiệm...

Các đề xuất nêu trên nhằm phân biệt rõ xe đưa đón học sinh với các xe kinh doanh vận tải khác, tạo cơ chế quản lý chặt xe đưa đón học sinh, nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn, gắn trách nhiệm của đơn vị kinh doanh và nhà trường vào hoạt động này.

Doanh nghiệp phải bổ sung một số thiết bị an toàn, đào tạo lái xe, người quản lý học sinh khiến chi phí tăng. Nhưng nếu không thực hiện sẽ không khuyến khích được doanh nghiệp đầu tư, đổi mới xe, trang bị đảm bảo an toàn cho học sinh. Người dân cũng khó lựa chọn xe an toàn, chất lượng tốt.

Dự kiến siết hàng loạt điều kiện với xe đưa đón học sinh
Xe buýt đưa đón học sinh đỗ ở thành phố Helena, bang Montana, hôm 20/8/2021. Ảnh: AP

Những năm qua, nhiều địa phương xảy ra nhiều vụ tai nạn liên quan đến xe đưa đón học sinh. Năm 2019, nam sinh 6 tuổi học sinh trường Gateway (Cầu Giấy, Hà Nội) tử vong vì bị bỏ quên trên ôtô đưa đón suốt 9 tiếng. Cùng năm, tại Đồng Nai, ôtô chở 16 học sinh lớp 1 từ trường về nhà giáo viên chủ nhiệm bị bung cửa, khiến ba em rơi xuống đường.

Năm 2021, xe chở học sinh ở huyện Sông Mã (Sơn La) đang đi trên đường thì cửa bật tung khiến ba em ngã ra đường, một em tử nạn. Tháng 2/2023, tài xe xe buýt chuyên đưa đón học sinh ở TP Biên Hòa (Đồng Nai) lùi xe khi học sinh chưa xuống hết khiến bé gái lớp 3 tử vong.

Ngoài siết hàng loạt điều kiện với ôtô đưa đón học sinh, dự thảo Luật Đường bộ còn đề xuất nhiều quy định mới, như: Cho phép thu phí tất cả cao tốc do Nhà nước đầu tư; xe máy phải kiểm tra khí thải định kỳ; dùng gầm cầu cạn làm bãi trông xe; cấm xe giường năm 2 tầng chạy đường cấp 5, 6 miền núi; giảm thời gian lái xe ban đêm với tài xế vận tải...

Theo Viết Tuân/VnE

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy