Để tăng tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) hướng đến bao phủ BHYT toàn dân, Bộ Y tế đề xuất phương án đưa thân nhân lao động vào diện đóng BHYT bắt buộc. Theo đó, Nhà nước hỗ trợ 30% tiền đóng, 70% còn lại do chủ doanh nghiệp cùng lao động chi.
Phương án 1: Sửa đổi, bổ sung một số quy định về các đối tượng bắt buộc tham gia BHYT đã được quy định tại Điều 12 Luật BHYT để phù hợp với thực tiễn thực hiện Luật thời gian qua. Trong đó sửa đổi để làm rõ hơn nội hàm của các đối tượng như:
Học viên công an nhân dân tại điểm a khoản 3 bao gồm học viên người Việt Nam và người nước ngoài, con của liệt sĩ tại điểm i khoản 3 bao gồm con đẻ, con nuôi hợp pháp, tách đối tượng cựu sĩ quan công an nhân dân nghỉ hưu trong nhóm đối tượng hưu trí tại điểm a khoản 2 thành 01 nhóm đối tượng riêng để điều chỉnh mức hưởng cho đồng bộ với mức hưởng của đối tượng cựu chiến binh.
Sửa đổi, bổ sung khoản 5 về nhóm tự đóng BHYT, trong đó bổ sung người sinh sống, làm việc, người được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các tổ chức, cơ sở từ thiện, tôn giáo, người Việt Nam không có giấy tờ tuỳ thân, người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam mà không thuộc các đối tượng đã được quy định trong Luật BHYT, người lao động trong thời gian nghỉ không hưởng lương hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động tự đóng hoặc tham gia theo hình thức hộ gia đình.
Một số nhóm được cập nhật như người nhiễm HIV, người dân các xã An toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp, Mỹ (cơ sở của cách mạng trong kháng chiến) hiện thường trú tại địa phương đã được cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cư trú.
Một số nhóm được bổ sung để đồng bộ với Luật Bảo hiểm xã hội đang sửa đổi, như hộ kinh doanh có đăng ký, lao động có hợp đồng một tháng trở lên; người làm bán thời gian...
Phương án 2: Bổ sung nhóm đối tượng là thân nhân người lao động. Trong đó, nhóm thân nhân người lao động sẽ được Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng.; 70% còn lại do người lao động và chủ sử dụng lao động đóng, trong đó người lao động đóng 1/3 và chủ sử dụng lao động đóng 2/3 (tương tự như trách nhiệm đóng đối với nhóm người lao động).
- Quy định cơ chế khuyến khích đóng BHYT một lần cho tối đa 03 năm để tạo cơ chế đóng thuận tiện, duy trì người dân tham gia BHYT.
- Quy định chính sách BHYT bổ sung mang tính tự nguyện do các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm thực hiện theo quy định của pháp luật trong đó việc tham gia BHYT bắt buộc do Nhà nước thực hiện là điều kiện để tham gia BHYT bổ sung nhằm mở rộng đối tượng tham gia BHYT bắt buộc.
Phương án 3: Giữ nguyên như quy định hiện hành và không bổ sung đối tượng mới.
Như vậy, việc bổ sung thân nhân người lao động là đối tượng tham gia BHYT thuộc nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT là một trong ba phương án được Bộ Y tế đề xuất.
Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, đến hết năm 2023, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 93,35% (vượt 0,15% so với Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ) với trên 93,3 triệu người tham gia, vượt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 68/2022/QH15 của Quốc hội, tiệm cận mục tiêu BHYT toàn dân.
Theo baotintuc.vn