Quan tâm chăm lo đời sống vận động viên thể thao thành tích cao

Ông Nhữ Mạnh Tùng, Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh cho biết: Để tạo điều kiện cho các VĐV gắn bó lâu dài và cống hiến hết mình cho thể thao thành tích cao tỉnh nhà, cũng như tạo điều kiện thuận lợi trong việc tuyển chọn được những VĐV có năng khiếu, ngoài chế độ tiền công, chế độ đãi ngộ cho VĐV cũng rất cần được quan tâm.

Những năm qua, cùng với việc tăng số lượng vận động viên (VĐV) thể thao thành tích cao, công tác chăm lo đời sống, cơ sở vật chất tập luyện, kêu gọi xã hội hóa cho các VĐV cũng được quan tâm. Thực hiện các nghị định của Chính phủ, quyết định của UBND tỉnh, từ năm 2019, tiền công và dinh dưỡng của các VĐV đã được điều chỉnh nâng cao. Theo đó, với các VĐV tuyển tỉnh, tiền công (tiền lương) các VĐV được nhận 180 nghìn đồng/ngày và tiền dinh dưỡng (tiền ăn thường xuyên) là 240 nghìn đồng/ngày. Như vậy, tổng số tiền chi cho mỗi VĐV tuyển tỉnh là gần 12 triệu đồng/tháng, tăng gần 4 triệu đồng so với trước.

Đối với các VĐV tuyển trẻ, tiền công của các VĐV nhận được 200 nghìn đồng/ngày và tiền dinh dưỡng là 75 nghìn đồng/ngày với tổng số gần 8 triệu đồng/tháng, tăng hơn 2 triệu đồng so với trước. Còn đối với các VĐV năng khiếu, tiền dinh dưỡng là 145 nghìn đồng/ngày, tiền công (tiền hỗ trợ) là 55 nghìn đồng/ngày, tính tổng số các VĐV đạt mức gần 6 triệu đồng/tháng, tăng hơn 2 triệu đồng so với trước.

Trong thời gian, các VĐV tham gia thi đấu, tiền ăn của các VĐV được nâng cao hơn để bảo đảm chất lượng dinh dưỡng với từng mức: 320 nghìn đồng/ngày với các VĐV tuyển tỉnh; 240 nghìn đồng/ngày với các VĐV tuyển trẻ và VĐV năng khiếu. Đối với các VĐV tập trung đội tuyển quốc gia vẫn được địa phương hỗ trợ thêm mức tiền bằng mức tiền ăn, tiền công, tiền hỗ trợ mà VĐV đang được hưởng. Điều này trước đây, các VĐV không được hưởng khi lên tuyển quốc gia, nhưng từ năm 2021 theo Quyết định của UBND tỉnh, các VĐV đã được hưởng chế độ này. Với các chế độ tiền công, tiền dinh dưỡng được điều chỉnh, ngoài việc hỗ trợ, phục hồi thể lực, còn giúp các VĐV nâng cao chất lượng đời sống, có thể tự lập và cao hơn nữa là tích lũy khi sống trong môi trường tập luyện tập trung thể thao thành tích cao. Cùng với tiền công, tiền hỗ trợ, điều kiện chỗ ở của các VĐV cũng dần được nâng cao.

Thể thao thành tích cao của Hà Nam hình thành năm 1999, khi đó các VĐV phải đi ở nhờ, các bộ môn không tập trung mà phân bố ở các địa phương trong tỉnh. Năm 2009, khi Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao (TDTT) tỉnh được nâng cấp, các VĐV đã được về tập trung ở đây nhưng phòng ngủ của các VĐV vẫn được trưng dụng từ các phòng kỹ thuật phục vụ sân vận động của Trung tâm. Những phòng ngủ dưới tầng hầm sân vận động khá chật, tối và nóng bức vào mùa hè.

Quan tâm chăm lo đời sống vận động viên thể thao thành tích cao
Khu ký túc xá VĐV đang được hoàn thiện.

Dự kiến khoảng tháng 4 năm nay, các VĐV sẽ được chuyển chỗ khi khu ký túc xá của Trung tâm được hoàn thiện và bàn giao gồm 4 tầng với 48 phòng, có điện nước, quạt trần và bình tắm nóng lạnh đầy đủ. Tất cả các VĐV nữ sẽ được chuyển lên ở tại khu ký túc xá này với sự phân bố 3 VĐV/phòng. Với các VĐV nam số lượng ít hơn (30 VĐV) sẽ được ở trên tầng hai Nhà tập đa năng. Khu vực này cũng đã được sửa sang, nâng cấp. Ngoài cơ sở vật chất cần thiết, các phòng đều được lắp đặt điều hòa nhiệt độ, giúp các VĐV lấy lại năng lượng sau các giờ tập luyện căng thẳng.

Công tác xã hội hóa lĩnh vực TDTT thời gian qua cũng nhận được nhiều sự quan tâm của các tổ chức và cá nhân. Từ năm 2013, Bộ môn Bóng đá nữ của Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh đã được Tổng Công ty Phong Phú hỗ trợ, giúp nâng cao chất lượng bộ môn và tinh thần VĐV. Với mức hỗ trợ 1,1 tỷ đồng/năm, đến năm 2021 tăng lên 1,5 tỷ đồng/năm, các VĐV và huấn luyện viên (HLV) đã được hỗ trợ thêm về tiền lương hằng tháng, tiền thuê chuyên gia hỗ trợ chuyên môn và các VĐV tuyển tỉnh đã được đóng BHXH như viên chức nhà nước.

Nhằm tạo điều kiện cho các VĐV có thành tích thi đấu nổi bật, cống hiến nhiều năm, những năm vừa qua, Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng tạo điều kiện tuyển dụng các VĐV làm HLV. Hiện các HLV trưởng thành từ VĐV của Trung tâm có 9 người. Đó là những cái tên quen thuộc, như: Nguyễn Thị Khánh Thu, Trần Thị Hồng Nhung, Nguyễn Thị Tuyết Dung, Lê Thu Thanh Hương, Trần Thị Ngọc, Trần Thị Thủy của Bộ môn Bóng đá; Trần Thị Hoa, Trần Thị Hương, Đoàn Chí Linh của Bộ môn Vật – Jujitsu; Đỗ Xuân Thiện của Bộ môn Bơi lặn.

Ông Nhữ Mạnh Tùng, Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh cho biết: Để tạo điều kiện cho các VĐV gắn bó lâu dài và cống hiến hết mình cho thể thao thành tích cao tỉnh nhà, cũng như tạo điều kiện thuận lợi trong việc tuyển chọn được những VĐV có năng khiếu, ngoài chế độ tiền công, chế độ đãi ngộ cho VĐV cũng rất cần được quan tâm. Đồng thời đề nghị các cấp có thẩm quyền quan tâm, có chế độ đãi ngộ đối với các VĐV thành tích cao của tỉnh sau khi nghỉ thi đấu, kết thúc sự nghiệp được cộng thêm 1 tháng lương cho mỗi năm tập luyện và thi đấu; đối với VĐV đoạt huy chương quốc gia, quốc tế, mỗi tháng hỗ trợ thêm tiền bằng tiền được nhận hằng tháng trong năm VĐV đạt được huy chương. Đối với các VĐV trẻ và năng khiếu được hỗ trợ đóng tiền học phí…

Chu Bình

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy