Phong trào tập luyện bóng chuyền hơi nhìn từ một giải thi đấu

Bóng chuyền hơi là một môn thể thao phổ thông được nhiều người ở nhiều lứa tuổi ưa chuộng. Không có nhiều quy định về kỹ thuật nên đây là môn thể thao dành cho mọi đối tượng. Ở Hà Nam, khoảng 10 năm trở lại đây, phong trào tập luyện, thi đấu bóng chuyền hơi diễn ra sôi nổi. Có thời điểm hầu như thôn, xóm, tổ phố nào cũng có câu lạc bộ (CLB), điểm, nhóm chơi bóng chuyền hơi. Hiện nay, toàn tỉnh có 457 CLB, tổ, đội văn hóa - thể thao, trong đó chủ yếu là các CLB bóng chuyền hơi. Tại hội thao nhiều ngành, giải thể thao nhiều cấp và ngay tại đại hội TDTT các cấp 4 năm một lần, bóng chuyền hơi luôn là môn thi đấu chính thức, được nhiều người đăng ký tham gia nhất và cũng là môn thể thao sôi nổi, thu hút nhiều cổ động viên nhất. Vừa qua, nhằm đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào bóng chuyền hơi trên địa bàn tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã tổ chức Giải Bóng chuyền hơi Cúp các CLB xã, phường, thị trấn (viết chung là xã) tỉnh Hà Nam năm 2023. Nhưng khác với sự phát triển sôi nổi tại cơ sở, giải bóng chuyền hơi cấp tỉnh diễn ra không như mong đợi.

Điều lệ giải quy định mỗi huyện, thị xã, thành phố được thành lập 1 đoàn, gồm từ 3 đến 6 đội nam và từ 2 đến 5 đội nữ. Đội bóng chuyền hơi (viết tắt là đội) phải thuộc CLB thể thao cơ sở đại diện cho một xã, phường, thị trấn thuộc địa bàn đơn vị đăng ký thi đấu. Điều này giúp các xã lựa chọn được những CLB chơi tốt nhất, những vận động viên (VĐV) có năng lực nhất tham gia thi đấu. Khi có thông báo điều lệ tới các trung tâm văn hóa, thông tin và thể thao các huyện, thị xã, thành phố thì các trung tâm đều triển khai đến cấp xã nhưng nhiều xã đã bỏ qua, không triển khai, không thông báo cho các CLB trên địa bàn. Nhiều lãnh đội cho biết, biết giải được tổ chức là từ các viên chức thể thao của trung tâm chứ không phải từ cấp xã và biết từ các băng zôn quảng bá giải.

Phong trào tập luyện bóng chuyền hơi nhìn từ một giải thi đấu
CLB Bóng chuyền hơi phường Lê Hồng Phong giành HCV nội dung BCH nữ.

Năm nay, tham gia giải có 150 VĐV, trong đó thành phố Phủ Lý là đơn vị có số lượng đội tham gia đông nhất gồm 2 đội nữ đến từ CLB phường Lê Hồng Phong và phường Thanh Châu; 3 đội nam đến từ các CLB phường Châu Sơn, xã Phù Vân và xã Liêm Chung. Huyện Thanh Liêm có 3 đội nữ gồm các CLB xã Thanh Tân, xã Thanh Hương và thị trấn Kiện Khê. Huyện Bình Lục có 2 đội nam gồm các CLB thị trấn Bình Mỹ và xã Đồng Du. Huyện Lý Nhân có 1 đội nam và 1 đội nữ đều đến từ xã Chính Lý. Huyện Kim Bảng có 1 đội nam đến từ CLB thị trấn Quế và 1 đội nữ thôn Lác Nhuế (xã Đồng Hóa). Có 14 CLB tham gia là số lượng quá nhỏ so với độ rộng của phong trào bóng chuyền hơi và ngoài thành phố Phủ Lý tham gia ở mức thấp nhất số lượng đội tham dự theo quy định, các huyện khác không đáp ứng đủ, trong đó thị xã Duy Tiên không có đội nào tham gia.

Lý giải về vấn đề này, ông Đỗ Lương Vinh, Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý Thể dục thể thao (Sở VH,TT&DL) cho biết: Đó là chưa có sự quan tâm thỏa đáng dành cho phong trào thể thao ở cấp cơ sở. Mặt khác, ý thức của người dân khi đại diện cho xã đi tham gia thi đấu phải có sự hỗ trợ nhất định về kinh phí mới tham gia. Đặc biệt, có địa phương có doanh nghiệp sẵn sàng tài trợ cho việc ăn uống của các đội trong thời gian tham gia giải, miễn phí xe đưa đón, nhưng yêu cầu phải được trả tiền công thi đấu cho từng người tham gia giải. Đây không phải là lần đầu tiên và cũng không chỉ ở giải bóng chuyền hơi đã tạo thành một tiền lệ xấu ở địa phương này. Dưới cấp xã, có nhiều nơi tổ chức được các giải mở rộng thu hút đến gần 20 CLB tham gia, cùng đóng góp, cùng chơi rất sôi nổi, nhưng tham gia cấp tỉnh khi yêu cầu mỗi đội nộp lệ phí 1 triệu đồng/đội (nộp lệ phí có nghĩa khẳng định đội đã đăng ký sẽ chắc chắn tham gia, tạo điều kiện cho Ban tổ chức (BTC) xác lập hình thức thi đấu và số tiền thu được, BTC sử dụng 100% để chi huy chương, giấy chứng nhận huy chương và tiền thưởng cho các đội thì nhiều đội lại đắn đo. Đây chính là sự trông chờ, ỷ lại vào sự bao cấp chứ hoàn toàn không mang tinh thần Fair Play của một giải thể thao, không coi giải là cơ hội để những người có cùng đam mê giao lưu, học hỏi và khẳng định “màu cờ sắc áo”. Đã từ lâu, việc nộp lệ phí khi tham gia các giải thể thao là quy định bắt buộc, giải nào có sự xã hội hóa cao thì tiền giải thưởng sẽ cao, kích thích phong trào phát triển.

Phong trào tập luyện bóng chuyền hơi nhìn từ một giải thi đấu
Thành phố Phỷ Lý giành Cúp, Cờ giải nhất toàn đoàn.

Ở một khía cạnh khác, có phải vì bóng chuyền hơi nhẹ nhàng, dễ chơi nên thường được xem là một môn thể thao giao lưu giải trí hơn là một môn thi đấu. Điều này dẫn đến khi tham gia thi đấu ở một cấp lớn như cấp tỉnh lại không tự tin. Để một giải cấp tỉnh diễn ra nghiêm túc, đúng tầm thì căn cứ vào kế hoạch của BTC, các huyện, thị xã, thành phố nên tổ chức thi đấu để chọn các đội mạnh tham gia cấp tỉnh, như thế chất lượng giải sẽ cao hơn và giúp đánh giá được chất lượng phong trào cơ sở. Tuy là môn chơi phổ biến, nhưng tính tự phát vẫn còn khá cao khi trong lễ khai mạc, yêu cầu 14 đội chơi phải có mặt, thế nhưng chỉ có chưa đến một nửa số đội tham gia lễ khai mạc. Vì có đội thi đấu ở vòng sau, có đội thi đấu vào buổi chiều nên cho rằng sát giờ thi đấu đến cũng được. Điều này cho thấy sự không nghiêm túc và không tôn trọng BTC giải.

Mặc dù Giải Bóng chuyền hơi Cúp các CLB xã, phường, thị trấn tỉnh Hà Nam năm 2023 đã xác định được các CLB để trao cúp, cờ, huy chương và giải thưởng, nhưng giải đã không để lại nhiều dấu ấn trong hệ thống các giải thi đấu thể thao cấp tỉnh năm nay.

Chu Bình

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy