Những dấu ấn của thể dục thể thao Hà Nam năm 2020 

Thực hiện đường lối của Đảng về đẩy mạnh phát triển sự nghiệp thể dục thể thao (TDTT) trong thời kỳ đổi mới, xây dựng chiến lược quốc gia về nâng cao sức khỏe, tầm vóc con người Việt Nam, tăng tuổi thọ và cải thiện chất lượng giống nòi, tăng cường thể lực của thanh niên; kết hợp thể thao phong trào và thể thao thành tích cao, dân tộc và hiện đại, những năm qua, ngành văn hóa, thể thao và du lịch (VH,TT&DL) Hà Nam đã tập trung triển khai thực hiện tốt các nội dung, mục tiêu của Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020. Qua đó, tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò, tác dụng của TDTT trong việc nâng cao sức khỏe thể lực, tầm vóc của người Việt Nam, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Lan tỏa phong trào TDTT quần chúng 

Phong trào thể thao cho mọi người ngày một lớn mạnh, huy động được nhiều nguồn lực xã hội hóa TDTT. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 1.108 công trình TDTT công lập và tận dụng với quy mô khác nhau để phục vụ nhân dân, trong đó, tiêu biểu của tỉnh phải kể tới: Nhà thi đấu TDTT đạt tiêu chuẩn quốc tế với sức chứa trên 7.000 chỗ ngồi, 96 nhà tập đơn và đa năng; 45 bể bơi các loại, khoảng 300 sân vận động và sân bóng đá mi ni, 425 sân bóng chuyền, 790 sân cầu lông, 40 sân quần vợt... 

Việc tổ chức các giải thể thao đã khuyến khích phong trào TDTT phát triển. Hằng năm, các cấp, ngành tổ chức trung bình trên 30 giải thể thao cấp tỉnh; công tác tổ chức Đại hội TDTT các cấp được duy trì 4 năm một lần, chú trọng phát triển các môn thể thao dân tộc đã thu hút được sự quan tâm tham gia hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo quần chúng nhân dân, chất lượng các phong trào TDTT ngày một nâng lên. Tính đến năm 2020, tỷ lệ dân số tham gia tập luyện TDTT thường xuyên trên toàn tỉnh ước đạt 31%; tỷ lệ gia đình tập thể thao ước đạt 23,8%. 

Những dấu ấn của thể dục thể thao năm 2020 
Đội tuyển U16 Hà Nam lần đầu tham gia Cúp vô địch quốc gia nhận Huy chương Bạc chung cuộc.

Thực hiện các nhiệm vụ của Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2020, trong những năm qua, giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường trên địa bàn tỉnh được quan tâm đầu tư và chú trọng phát triển. Tính đến năm 2020, toàn tỉnh có 100% số trường trung học chuyên nghiệp, trung học phổ thông, trung học cơ sở và tiểu học thực hiện đầy đủ chương trình giáo dục thể chất nội khóa và ngoại khóa. Các loại hình câu lạc bộ thể thao trong trường học đã và đang nhận được sự quan tâm tạo điều kiện tối đa của các nhà trường và các cấp có thẩm quyền. Công tác phổ cập dạy và học bơi, cứu đuối đối với học sinh phổ thông, đặc biệt là học sinh tiểu học được chú trọng. Các giải thi đấu thể thao ngành giáo dục và đào tạo được tổ chức đều đặn, phù hợp với từng lứa tuổi học sinh, sinh viên.

Công tác tổ chức hội thao cấp tỉnh, quân khu và thi đấu TDTT của lực lượng vũ trang được các đơn vị trên địa bàn tỉnh hỗ trợ đặc thù, phù hợp với môi trường và điều kiện công tác của từng loại hình lực lượng vũ trang. Trên cơ sở đó, TDTT trong lực lượng vũ trang từng bước đi vào ổn định, giúp cho cán bộ, chiến sĩ vừa thực hiện nhiệm vụ huấn luyện thể lực phục vụ sẵn sàng chiến đấu, vừa góp phần vào thành tích thể thao chung của tỉnh, của đất nước.

Thể thao thành tích cao khẳng định vị thế

Những năm qua, cơ sở vật chất - kỹ thuật TDTT đã được tỉnh chú trọng đầu tư xây dựng, góp phần cải thiện, nâng cao thành tích thể thao trong công tác tập luyện và thi đấu của vận động viên (VĐV); việc đào tạo tài năng thể thao có sự chỉ đạo, quản lý thống nhất của các cấp; chất lượng của huấn luyện viên (HLV) và VĐV ngày càng được nâng cao; chế độ, chính sách cho VĐV, HLV đã và đang được hoàn thiện; các khoản chi về chế độ dinh dưỡng, tiền công hằng ngày, bảo hiểm, thưởng vật chất được bảo đảm. 

Trong 10 năm (2010 – 2020), thể thao thành tích cao tỉnh Hà Nam đạt được nhiều thành tích nổi bật trong các kỳ đại hội, kỳ thi đấu thể thao trong nước và quốc tế. Trung bình mỗi năm, thể thao thành tích cao của tỉnh tham gia 20 - 25 giải thể thao khu vực và quốc gia, đạt 70 - 80 huy chương các loại; trung bình hằng năm thể thao Hà Nam đóng góp từ 70 - 75 lượt VĐV của các môn tập trung cho đội tuyển trẻ và tuyển quốc gia, đạt nhiều thành tích cao. Đoàn thể thao tỉnh Hà Nam đã tham gia thi đấu 3 kỳ Đại hội TDTT toàn quốc các năm 2010, 2014, 2018, giành 28 huy chương các loại, trong đó có 06 Huy chương Vàng (HCV), 14 Huy chương Bạc (HCB) và 08 Huy chương Đồng (HCĐ). Đặc biệt, tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII năm 2014, Đoàn thể thao Hà Nam xếp thứ 40/65 tỉnh, thành, ngành, vượt 15 bậc so với kỳ đại hội trước.

Đóng góp vào thành tích chung đó, phải kể đến những VĐV xuất sắc giành nhiều thành tích nổi bật, tiêu biểu, như: môn Bơi lặn có VĐV Đỗ Xuân Thiện đạt HCĐ SEAGames năm 2011 và 1 HCV, 1 HCĐ Giải vô địch châu Á; môn Bóng đá nữ có VĐV Nguyễn Thị Tuyết Dung giành danh hiệu Quả bóng Vàng Bóng đá nữ Việt Nam năm 2016, năm 2018 và Quả bóng Bạc năm 2017, được Đài BBC bầu chọn là một trong 100 phụ nữ tiêu biểu toàn cầu, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; môn Điền kinh có VĐV Nguyễn Thị Tươi đạt HCB vòng loại Olympic trẻ châu Á năm 2010, HCĐ Giải Học sinh giỏi Đông Nam Á; môn Vật có VĐV Trần Thị Hương đạt 1 HCĐ tại Giải Vô địch trẻ châu Á năm 2010... Ngoài ra, còn nhiều VĐV đạt thành tích cao được Thủ tướng Chính phủ, Bộ VH,TT&DL, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam tặng Bằng khen. 

Những dấu ấn của thể dục thể thao năm 2020 
Một trận đấu của vận động viên Hà Nam (áo xanh) tại Giải Vật vô địch quốc gia.

Tuy nhiên, để phong trào thể thao quần chúng tiếp tục lan tỏa và thể thao thành tích cao tiếp tục gặt hái được nhiều thành công, Chiến lược phát triển TDTT của tỉnh cần có sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Ngành VH,TT&DL tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính và phân cấp quản lý, điều hành các hoạt động TDTT; nâng cao năng lực quản lý nhà nước về TDTT; tăng cường tham mưu xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực TDTT. 

Đồng thời tiếp tục tham mưu với tỉnh xây dựng, bổ sung cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực đầu tư cho tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện VĐV, HLV; xây dựng cơ sở vật chất phục vụ TDTT quần chúng, thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, ngành cũng cần rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách về tiền lương, tiền công cho đội ngũ VĐV, HLV thể thao theo đúng quy định của Nhà nước; triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp đấu tranh phòng, chống các hiện tượng tiêu cực trong hoạt động TDTT, góp phần xây dựng nền TDTT trong sạch, lành mạnh./. 

Chu Bình

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy