Chú trọng tuyển chọn, đào tạo vận động viên bộ môn Bơi - Lặn thể thao thành tích cao

Bơi - Lặn là một trong 7 bộ môn thi đấu thành tích cao của Hà Nam. Một thời gian dài, đây là bộ môn mang lại nhiều huy chương cho Hà Nam. Điển hình trong số đó là vận động viên (VĐV) Đỗ Xuân Thiện. Năm 2014, thi đấu giải vô địch bơi lặn châu Á, Đỗ Xuân Thiện đã giành được 1 Huy chương Vàng (HCV) và 1 Huy chương Đồng (HCĐ). Cùng giải này năm 2017, Thiện giành 1 Huy chương Bạc (HCB). Năm 2018, thi đấu tại Đại hội thể dục thể thao (TDTT) toàn quốc, Thiện giành 1 HCV và 1 HCB. Năm 2011, trong đội hình tuyển quốc gia thi đấu SEA Games 26 tại Indonesia, Đỗ Xuân Thiện đã giành HCĐ với cự ly sở trường lặn 400m – 1.500m vòi hơi chân vịt. Trước Đỗ Xuân Thiện, các VĐV như Nguyễn Lệ Thu, Trần Thị Mai Huệ cũng đã có những thành tích đáng nể khi góp nhiều huy chương các giải vô địch quốc gia, quốc tế cho thể thao thành tích cao Hà Nam.

Hiện Bộ môn Bơi - Lặn có 8 VĐV đều là VĐV lớp trẻ. Bộ môn có 2 huấn luyện viên (HLV), trong đó Đỗ Xuân Thiện, sau thời gian thi đấu đã trở thành HLV chính phụ trách đội và 1 đồng chí Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu (HLTĐ) TDTT kiêm chỉ đạo, HLV của bộ môn. Các VĐV của bộ môn đã bước đầu có thành tích tại các giải câu lạc bộ, giải trẻ các lứa tuổi, giải vô địch trẻ và vô địch quốc gia. Trong số các VĐV của bộ môn thi đấu nổi bật có Phạm Gia Khiêm và Trần Thị Thúy Lệ.

Chú trọng tuyển chọn đào tạo vận động viên bộ môn Bơi  Lặn thể thao thành tích cao
HLV và VĐV Bộ môn Bơi - Lặn tại bể bơi Tân Thủy. Ảnh: Bình Nguyên

Bơi - Lặn là một trong những bộ môn mũi nhọn được thành lập từ những ngày đầu của thể thao thành tích cao Hà Nam. Bộ môn đào tạo VĐV ở 2 môn bơi và lặn. Thành tích nổi trổi của bộ môn từ trước đến nay đều nghiêng về lặn với các nội dung lặn vòi hơi chân vịt, lặn chân vịt đôi và lặn khí tài. Đã nhiều lần, Trung tâm HLTĐ TDTT tỉnh điều chỉnh, chú trọng hơn trong việc đào tạo môn bơi nhưng do nhiều điều kiện khách quan và chủ quan, đến nay bộ môn này vẫn chưa tạo được bước đột phá. Năm 2022, trong 8 VĐV đã có 7 VĐV được hướng đào tạo bơi, nhưng năm 2023, toàn bộ VĐV đã chuyển sang đào tạo lặn. Một trong những nguyên nhân khách quan ở đây là nguồn VĐV cho môn bơi lặn khó tuyển chọn hơn các bộ môn khác. Phong trào bơi lội ở Hà Nam khá phát triển, nhưng chủ yếu bơi giải nhiệt, giải trí, bơi trị liệu, còn để chọn VĐV bơi ngoài khả năng bơi lặn giỏi còn phải có lòng đam mê và khả năng tập luyện cường độ cao.

Trước đây, Hà Nam duy trì các câu lạc bộ tuyến 2 là nguồn tuyển chọn VĐV năng khiếu, bơi là một trong số đó. Câu lạc bộ tuyến 2 về môn bơi đặt tại xã Thanh Thủy (Thanh Liêm) nhưng sau một thời gian, hình thức tuyển chọn này không còn được thực hiện. Một trong những hình thức tuyển chọn truyền thống khác là thông qua các giải thi học sinh giỏi TDTT, Hội khỏe Phù Đổng của ngành giáo dục và đào tạo, nhưng bơi không phải là môn thi ở những cuộc thi này. Giải thi đấu thể thao tuổi thơ của Hà Nam đã từng là giải thi đấu khá sôi nổi, thi đấu nhiều nội dung, trong đó có bơi, cũng từng là nơi tuyển chọn VĐV năng khiếu, nhưng nhiều năm qua, giải thi đấu này chưa được tổ chức lại. Và một lý do quan trọng nữa để bộ môn bơi không những ở Hà Nam mà các tỉnh, thành miền Bắc khó phát triển là yếu tố thời tiết khi miền Bắc có một mùa đông lạnh. Không có bể bơi nước ấm vào mùa đông, các VĐV chỉ có thể tập các bài tập thể lực trên cạn, điều này đã làm giảm đáng kể thời gian tiếp xúc tập luyện dưới nước – môi trường chính của môn thể thao này.

Còn về nguyên nhân chủ quan, Bộ môn Bơi – Lặn hiện nay được nhận sự hỗ trợ của Công ty TNHH Tân Thủy, chủ yếu là tạo điều kiện tập luyện tại bể bơi của Công ty. Trước đây, Trung tâm HLTĐ TDTT đã từng có 1 bể bơi phục vụ cho việc huấn luyện Bô môn Bơi – Lặn, nhưng sau này, Công ty TNHH Tân Thủy tiếp nhận khu vực này xây Khu dịch vụ thể thao đã xây dựng bể bơi mới, bể bơi cũ không còn. Bể bơi của Công ty TNHH Tân Thủy tuy có dành đường bơi cho các VĐV tập luyện, nhưng đây là bể bơi dịch vụ, nhất là vào mùa hè, lượng người đến bơi lội tại bể đông. Các VĐV muốn tập luyện phải “né” những thời điểm đông khách nhất là vào đầu giờ buổi sáng và cuối giờ buổi chiều. Không rơi vào thời điểm cơ thể thuận lợi nhất tiếp nhận huấn luyện, vì thế chất lượng của bộ môn cũng có phần bị hạn chế. Và hiện tại, Bộ môn Bơi – Lặn cũng là bộ môn có ít HLV của Trung tâm HLTĐ TDTT.

Tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII năm 2018, bộ môn Lặn không có tên trong danh sách các bộ môn thi đấu. Vì theo định hướng của Cục TDTT (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phát triển thể thao Việt Nam theo các môn thi đấu Olympic và ASIAD, các giải thi đấu này không có môn lặn. Sau đó, với nhiều kiến nghị từ các địa phương, cuối cùng bộ môn này đã được giữ lại. Không thể phủ nhận những thành tích của các VĐV Bộ môn Bơi – Lặn đã đóng góp cho thể thao thành tích cao Hà Nam, nhưng để phát triển hài hòa hai môn thể thào này, công tác tuyển chọn VĐV cần phải được chú trọng, hạn chế các yếu tố khách quan, bổ sung số lượng HLV, tạo điều kiện cho các VĐV được tập huấn tại các địa phương có điều kiện cơ sở vật chất tốt để nâng cao thành tích và chất lượng của bộ môn.

Chu Bình

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy