Những người ủng hộ và phản đối Brexit tuần hành bên ngoài Hạ viện Anh tại thủ đô London, ngày 15/1/2019. (Nguồn: THX/ TTXVN)
Trong một tuyên bố ngắn vào tối cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tuyên bố "lấy làm tiếc" về việc Quốc hội Anh bác bỏ thỏa thuận, vốn được Brussels đánh giá là công bằng và tốt nhất có thể.
Ông kêu gọi người Anh làm rõ quan điểm của mình sớm nhất có thể và cho rằng nguy cơ Anh rời EU trong hỗn độn vì một Brexit không có thỏa thuận đang hiện hữu hơn bao giờ hết khi mà chỉ còn hai tháng rưỡi nữa là đến thời điểm nước Anh chính thức rời EU.
Cùng một quan điểm, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cũng cảnh báo về một cuộc ly dị "nhiều sóng gió" giữa Anh và EU.
Tuy nhiên, Brussels sẽ tiếp tục quá trình phê chuẩn thỏa thuận và đây là "cách tốt nhất và duy nhất" để đảm bảo cho một Brexit diễn ra có trật tự.
Trưởng đoàn đàm phán về Brexit của châu Âu Michel Barnier cho rằng tình hình hiện giờ phụ thuộc vào việc Chính phủ Anh sẽ lên tiếng như thế nào về giai đoạn tiếp theo, đồng thời khẳng định châu Âu sẽ thống nhất và quyết tâm tìm ra một thỏa thuận.
Lãnh đạo nhiều nước châu Âu cũng chia sẻ quan điểm lo ngại của mình về diễn biến mới này.
Thủ tướng Áo Sebastian Kurz tái khẳng định là sẽ không có việc đàm phán lại thỏa thuận, trong khi Chính phủ Cộng hòa Ireland tuyên bố đang tăng tốc chuẩn bị cho một tình huống theo đó nước Anh rời EU không có thỏa thuận.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định Anh sẽ là bên chịu thiệt hại lớn nhất nếu xảy ra tình huống "Brexit cứng."
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez nhận định việc Anh rời EU trong hỗn độn sẽ tác động tiêu cực đến EU và là một thảm kịch đối với Vương quốc Anh.
Trong khi đó, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz cho rằng ngày 15/1 là ngày "cay đắng cho châu Âu" sau khi thỏa thuận Brexit bị Quốc hội Anh bác bỏ sau những nỗ lực của EU nhằm hoàn tất một thỏa thuận "ly dị" tốt nhất có thể cho tất cả đã trở nên vô ích.
Ông nói: "Hôm nay là một ngày cay đắng cho châu Âu. Chúng ta đã có sự chuẩn bị tốt, song một Brexit 'cứng' sẽ là một sự lựa chọn ít hấp dẫn nhất đối với EU và Vương quốc Anh."
Ngày 15/1, Hạ viện Anh đã bỏ phiếu phản đối thỏa thuận Anh rút khỏi EU - Brexit, mà Thủ tướng nước này Theresa May và các lãnh đạo EU đã nhất trí hồi cuối năm ngoái sau 17 tháng đàm phán căng thẳng.
Thỏa thuận đã bị bác bỏ khi có tới 432 phiếu phản đối và chỉ nhận được 202 phiếu ủng hộ.
Thời hạn Anh rời khỏi EU vào ngày 29/3 ngày càng đến gần, hiện giới phân tích cho rằng nhiều khả năng London sẽ rời khỏi "ngôi nhà chung" châu Âu mà không có bất cứ thỏa thuận nào.
Kết quả này đã được dự đoán khi trước thềm cuộc bỏ phiếu, đa số các phương tiện truyền thông Anh đều cho rằng Thủ tướng May sẽ phải đối mặt với một thất bại cay đắng.
Trước đó, các nhà đàm phán của 27 nước EU hy vọng rằng sau thất bại đầu tiên tại Hạ viện, bà May có thể đệ trình thỏa thuận chung này một lần nữa cho các nghị sỹ Anh.
EU sẽ dành cho Thủ tướng Anh hai hoặc ba nhượng bộ bổ sung chỉ mang tính biểu tượng về "lưới an ninh" liên quan tới vấn đề biên giới Ireland. Đây được xem là kịch bản ít thiệt hại nhất có thể trong trường hợp bà May thất bại tại Quốc hội.
Tuy nhiên, với kết quả chênh lệch phiếu bầu quá lớn trong cuộc bỏ phiếu ngày 15/1, hy vọng của các nhà đàm phán EU về việc Chính phủ của Thủ tướng May trình lại thỏa thuận Brexit đã tan biến.
Chỉ còn điều mong muốn chắc chắn nhất của phía EU là hoãn lại thời hạn Brexit trong bối cảnh nguy cơ một Brexit "cứng" đang dần hiện hữu trong khi khả năng về một cuộc trưng cầu dân ý mới hoặc thậm chí là cuộc tổng tuyển cử đã xuất hiện ở Anh./.