Thu nhập bình quân đầu người liên tục gia tăng, Ấn Độ được dự báo sẽ sớm soán ngôi Đức trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới trước năm 2026.
Hãng tin RT (Nga) ngày 31/12 dẫn báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) có trụ sở tại Anh cho biết Ấn Độ sẽ hoàn thành mục tiêu trở thành nền kinh tế trị giá 5.000 tỉ USD trước năm 2026, qua đó vươn lên vị trí nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới.
Báo cáo cũng cho rằng đến năm 2034, nền kinh tế của quốc gia Nam Á này sẽ đứng thứ 3 toàn cầu.
“Ấn Độ đã ngoạn mục vượt qua cả Pháp và Anh để trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới vào năm 2019. Với đà này, quốc gia Nam Á dự kiến vượt qua Đức để giữ vị trí nước có nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới trước năm 2026 và sẽ vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 trước năm 2034” , CEBR nhận định.
Theo CEBR, ba quốc gia Ấn Độ, Đức và Nhật Bản sẽ tiếp tục cạnh tranh giành vị trí nền kinh tế lớn thứ 3 trong 15 năm tới. CEBR cũng lưu ý rằng tình trạng tăng trưởng chậm trong năm qua đã làm gia tăng sức ép nước này cần phải cải cách kinh tế một cách triệt để hơn nữa.
Ấn Độ, vốn được ca ngợi là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới, chỉ đạt tốc độ tăng trưởng 5% so với cùng kỳ giữa tháng 4 và tháng 6 năm ngoái. Đây được đánh giá là tốc độ tăng trưởng yếu nhất kể từ năm 2013, xuất phát từ sự chững lại của nhu cầu tiêu dùng và chi tiêu của chính phủ nước này trong bối cảnh xung đột thương mại toàn cầu.
Ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs (Mỹ) cũng dự báo rằng nền kinh tế Ấn Độ sẽ phục hồi vào năm 2020 khi các điều kiện toàn cầu dần được cải thiện.
Theo Báo Tin tức
Trương Dũng