Uống nước cam thế nào là đúng cách?

Nước cam là thức uống tuyệt vời cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng biết sử dụng đúng cách; và sự sai lầm hay lạm dụng đều có thể lợi bất cập hại.

Nước cam không chỉ có hương vị tuyệt vời mà còn chứa rất nhiều chất dinh dưỡng quý giá gồm các khoáng chất và vitamin cần thiết cho cơ thể. Thứ đồ uống này có thể khiến người đang  mệt mỏi cảm thấy khỏe lại, người ốm nhanh hồi phục.

Uống nước cam thế nào là đúng cách
Như thế nào là uống nước cam đúng cách? Tốt nhất nên uống nước cam sau bữa ăn sáng hoặc ăn trưa 1 - 2 giờ (Ảnh: Health Digest)

Tuy nhiên, không phải ai cũng biết thế nào là uống nước cam đúng cách để tận dụng các lợi ích của nó và tránh những ảnh hưởng không mong muốn.

Theo tư vấn của bác sỹ chuyên khoa 1 Dương Ngọc Vân trên website của Bệnh viện Đa khoa Medlatec, uống nước cam đúng cách nghĩa là: 

Uống đúng thời điểm

Tốt nhất bạn nên uống nước cam sau bữa ăn sáng hoặc ăn trưa 1 - 2 giờ. Nước cam sau khi vắt xong cần uống ngay, nếu để lâu sẽ khiến cho giá trị dinh dưỡng cũng như hàm lượng vitamin C giảm đi.

Uống vừa đủ trong ngày

Theo BS Dương Ngọc Vân, mỗi ngày, một người trưởng thành chỉ nên uống tối đa 1 cốc nước cam ngày, tương đương 200ml, trong đó chứa 60mg vitamin C (tương đương với 100% nhu cầu vitamin C mà cơ thể của người lớn cần có trong 1 ngày). Nếu dùng quá lượng này, cơ thể dễ thừa vitamin C, về lâu dài sẽ không tốt cho cơ thể.

Riêng phụ nữ mang thai cần mỗi ngày 80mg vitamin C nên có thể tăng lượng nước cam, nhưng cần chia thành vài lần uống. Trẻ em chỉ nên uống lượng nước vắt ra từ 1/2 quả cam mỗi ngày là đủ.

Những người bị sốt cũng nên bổ sung nước cam vì nó có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, chống lại tác nhân gây sốt, đào thải độc tố, điều hòa nhiệt độ giúp hạ sốt dễ hơn, ngoài ra còn kích thích tiêu hóa, cung cấp nước và chất điện giải, ngăn ngừa thiếu máu.

Không uống nước cam trong một số trường hợp

Người bị viêm tuyến tụy, viêm loét tá tràng, viêm loét dạ dày cần hạn chế uống nước cam để tránh tích tụ axit, chất hữu cơ làm tăng axit bên trong dạ dày, dẫn đến ợ nóng và làm trầm trọng hơn vết loét.

Bệnh nhân bị bệnh thận cần thận trọng với nước cam vì việc tiêu thụ nhiều vitamin C dễ làm lắng đọng sỏi thận, sỏi tiết niệu. Người đang sử dụng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh không nên uống nước cam vì dễ gây tương tác làm hỏng cấu trúc của thuốc, khiến tác dụng của thuốc bị giảm.

Ngoài ra, nếu uống nước cam quá nhiều thì lượng đường trong nước cam cũng không có lợi cho người bị tiểu đường, nhất là trong trường hợp thêm đường vào cho dễ uống. 

Tránh kết hợp nước cam với một số thực phẩm

Uống nước cam đúng cách còn đồng nghĩa với việc tránh kết hợp nước cam với các loại thực phẩm sau:

- Không uống nước cam cùng với sữa vì dễ gây rối loạn tiêu hóa, dẫn đến các triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy, chướng bụng...

- Nếu ăn củ cải thì không nên uống nước cam vì dễ sinh ra các chất acid ferulic và axit hydroxyl - có thể ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp.

Tránh uống nước cam vào một số thời điểm

Mặc dù nước cam rất tốt nhưng có những thời điểm nếu uống nước cam sẽ gây nên bất lợi cho sức khỏe:

- Uống nước cam khi đói: Axit trong nước cam kết hợp với axit trong dạ dày làm dư axit, từ đó sinh ra cơn đau dạ dày, lâu ngày sẽ gây viêm loét dạ dày.

- Uống nước cam sau bữa ăn: Dẫn đến chướng bụng, khó tiêu vì đường trong nước cam dễ làm ức chế quá trình tiêu hóa thức ăn.

- Uống nước cam trước khi ngủ giấc đêm: Làm sinh tân dịch và gây lợi tiểu nên dễ bị mất ngủ ban đêm.  Không những thế, lượng axit từ nước cam bám lại trên răng sẽ dễ làm hư hỏng men răng.

Như thế nào là uống nước cam đúng cách? Bạn hãy tránh những thời điểm trên để nước cam luôn là nguồn dưỡng chất tuyệt vời cho cơ thể nhé.

Theo vov.vn

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy