kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Thực phẩm giúp sĩ tử có thể lực, trí lực tốt nhất trong mùa thi

Thực phẩm giúp sĩ tử có thể lực, trí lực tốt nhất trong mùa thi

Chế độ dinh dưỡng và khả năng tập trung học tập, kết quả thi cử có mối liên quan chặt chẽ với nhau. Vậy làm thế nào để giúp sĩ tử có thể lực, trí lực tốt nhất trong mùa thi?

Có nên bồi bổ cấp tập hoặc sử dụng thực phẩm bổ não cho trẻ trong mùa thi?

Mùa thi đang đến gần và đây là khoảng thời gian các sĩ tử trong giai đoạn nước rút. Học nhiều, ngủ ít, tâm lý căng thẳng đã khiến nhiều trẻ bị mệt mỏi. Để giúp con có sức khỏe tốt nhất vượt qua kỳ thi, trong giai đoạn này chăm sóc dinh dưỡng là một trong những vấn đề được các bậc cha mẹ hết sức quan tâm, chú trọng.

Mỗi cuối tuần, chị Thanh Thảo ở Hà Nội lại tranh thủ đi chợ và chất đầy các loại thịt cá, trứng sữa, rau quả vào tủ lạnh. Trong những ngày này, các loại thực phẩm đều được mua nhiều hơn trước để chăm chút bữa ăn cho cậu con trai đang chuẩn bị thi vào lớp 10. Nghe nói các loại thực phẩm giàu đạm tốt cho trí não nên chị tăng cường các loại thịt, tôm, cá, trứng, sữa trong mỗi bữa ăn của con.

Thực phẩm giúp sĩ tử có thể lực trí lực tốt nhất trong mùa thi
Các loại thực phẩm nên ưu tiên lựa chọn cho sĩ tử.

Có con chuẩn bị bước vào các kỳ thi tuyển sinh đại học, chị Trần Thu Hương ở Hà Nội cũng rất lo lắng. Thấy con học hành sớm tối, ít có thời gian nghỉ ngơi, ngoài việc tẩm bổ đồ ăn, thức uống đủ chất, chị Hương vẫn chưa yên tâm, sợ con không đủ sức khỏe, căng thẳng đầu óc. Vì vậy, chị đã tìm mua một số loại thực phẩm chức năng mà trong thành phần có nhân sâm và các loại vitamin cho con uống, nhằm giúp con tỉnh táo, tiếp thu kiến thức tốt hơn.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, quá trình ôn thi căng thẳng, não bộ hoạt động nhiều, để việc ôn thi đạt hiệu quả thì cần bổ sung các chất dinh dưỡng nhiều hơn bình thường. Việc chăm lo cho bữa ăn của các sĩ tử trong mùa thi là điều hết sức cần thiết. Tuy nhiên, chế độ ăn uống cần đảm bảo khoa học, hợp lý, tránh gây quá tải cho hệ tiêu hóa và cơ thể.

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Thị Thúy Hòa – Viện trưởng Viện dinh dưỡng ứng dụng cho biết, mỗi ngày, cơ thể chỉ cần được cung cấp một lượng thức ăn nhất định. Nếu các bậc cha mẹ cố bồi dưỡng, ép trẻ ăn nhiều hơn sẽ tạo gánh nặng cho hệ tiêu hóa cũng như toàn bộ quá trình chuyển hóa trong cơ thể. Điều đó không chỉ khiến các sĩ tử cảm thấy nặng nề, khó chịu mà còn bị phân tán năng lượng để tiêu hóa thức ăn, dẫn đến khó tập trung, mất sự tỉnh táo để học tập.

“Chúng ta không nên nghĩ cứ ép con ăn là cơ thể sẽ hấp thu được hết mà nên thuận theo tự nhiên. Làm thế nào để các sĩ tử ăn uống ở trong một trạng thái thoải mái và ăn theo nhu cầu.Việc bồi dưỡng cấp tập trong giai đoạn thi cử là trái với khoa học” – BS Phạm Thị Thúy Hòa nói.

Vị chuyên gia về dinh dưỡng cũng cho biết, việc uống nước trà, cà phê hay cha mẹ tìm mua và bổ sung các loại thực phẩm chức năng nhằm giúp sĩ tử tỉnh táo, tăng cường trí nhớ… trong giai đoạn ôn thi thực ra cũng là một dạng cưỡng ép cơ thể. Bởi việc thu nạp kiến thức là cả một quá trình lâu dài và đều đặn chứ không thể dựa vào một số loại thực phẩm để mong trí não minh mẫn hơn, có khả năng tiếp thu bài học tốt hơn trong một giai đoạn ngắn.

“Tôi không nói được một cách rõ ràng là các thực phẩm chức năng có tác dụng tăng cường sự hoạt động của trí não như các bậc cha mẹ kỳ vọng hay không. Bởi thực chất, não của chúng ta lúc nào cũng hoạt động rồi. Cho nên trong giai đoạn này, đừng ép buộc và đừng tạo áp lực, bắt con trong mấy tiếng đồng hồ là phải giải hết phần bài này, đọc hết phần sách kia mà hãy chia sẻ và cho con thời gian nghỉ ngơi, ăn ngủ hợp lý. Một môi trường thư thái, thoải mái sẽ giúp trẻ tiếp thu kiến thức tốt hơn. Còn việc bổ sung những thực phẩm chức năng mà chúng ta nghĩ rằng sẽ giúp trẻ thông minh hơn thì các bậc cha mẹ nên cân nhắc lại và theo tôi là không cần thiết” – BS Phạm Thị Thúy Hòa nêu quan điểm.

Chế độ ăn uống cho sĩ tử cần đảm bảo khoa học, hợp lý, tránh gây quá tải cho hệ tiêu hóa và cơ thể

Trong giai đoạn ôn thi, để giúp các sĩ tử được cung cấp đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết, theo BS Phạm Thị Thúy Hòa, trong các bữa ăn cần đảm bảo có 4 nhóm thực phẩm bao gồm: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.

Về định lượng thực phẩm trong mỗi bữa ăn, bác sĩ Thúy Hòa gợi ý, tinh bột có thể dưới dạng cơm, bún, phở, miến, bánh mỳ, khoai… với lượng tương đương khoảng 1 bát cơm. Mỗi bữa ăn, các sĩ tử cũng cần được cung cấp khoảng nửa lạng thịt hoặc cá, tôm, trứng và khoảng 6ml dầu ăn. Trong nhóm thực phẩm cung cấp chất đạm nên ưu tiên chọn các loại cá và thịt gia cầm.

Đồng thời, cha mẹ cũng nên ưu tiên chọn các loại rau lá có màu xanh đậm và nấu chín kỹ khi chế biến bữa ăn cho sĩ tử. Khi nấu chín kỹ các loại rau này, dù bị hao hụt một phần vitamin C nhưng bù lại sẽ có được các vi khoáng như sắt, đồng, kẽm. Nhưng vi khoáng này sẽ giúp cơ thể tạo hồng cầu và hồng cầu sẽ vận chuyển oxi đến các tế bào não. Khi não được cung cấp đủ oxi sẽ giúp trẻ tỉnh táo hơn, tiếp thu bài học tốt hơn.

"Mỗi ngày, các sĩ tử cũng cần được cung cấp khoảng 800g trái cây tươi dưới dạng thô hoặc ép nước. Chúng ta thường cho rằng ép nước trái cây thì không tận dụng được chất xơ nhưng thực ra trong nước ép cũng có chất xơ hòa tan. Trong nước ép trái cây rất giàu vitamin, khoáng chất sẽ giúp các bạn học sinh tỉnh táo hơn khi ôn thi. Loại nước trái cây nào cũng rất tốt nhưng nước ép táo giúp tỉnh táo nhanh nhất. Tuy nhiên chúng ta nên lưu ý, không nên uống nước trái cây nguyên chất mà nên pha thêm khoảng 1/3 nước lọc so với lượng nước ép. Bên cạnh đó, các loại hoa quả như chuối tiêu, xoài, thanh long, đu đủ... cũng chứa những loại khoáng chất có tác dụng rất tốt cho sĩ tử. Tuy nhiên, điều quan trọng là các bạn ấy phải thích thú, nếu không thì các bậc cha mẹ có thể thay đổi và lựa chọn bất cứ loại quả nào con muốn ăn” – BS Phạm Thị Thúy Hòa hướng dẫn.

Thực tế có rất nhiều trẻ phải học nhiều lớp, nhiều ca trong 1 ngày, thậm chí tan lớp học này thì phải chạy ngay sang lớp khác để học, không thể về nhà ăn trưa hay tối đúng bữa. Theo BS Phạm Thị Thúy Hòa, trước tiên, các bậc cha mẹ nên xem lại lịch học của con để tránh tình trạng học nhồi nhét không hiệu quả. Trong trường hợp không thể sắp xếp lịch học thưa hơn, cha mẹ có thể chuẩn bị những bữa phụ giữa các ca học, làm sao vẫn đảm bảo đủ các nhóm thực phẩm. Chẳng hạn một chiếc bánh mỳ kẹp thịt, một ít trái cây tươi hoặc nước ép trái cây hoặc một chiếc bánh chuối rán kèm một hộp sữa cũng đã đủ cho một bữa ăn phụ. 

Trong chế độ ăn uống hàng ngày, một loại thức uống rất cần được chú trọng, đó là nước lọc. Nếu trừ đi lượng nước trái cây và sữa, một ngày các sĩ tử cần được cung cấp ít nhất 1,5 lít nước, uống thường xuyên, nhiều lần, từng ngụm nhỏ, không đợi có cảm giác khát mới uống – vị chuyên gia dinh dưỡng lưu ý.

Theo vov.vn

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy