Nên ngâm củ đinh lăng tươi hay khô?

Củ (rễ) cây đinh lăng được nhiều người đem ngâm làm rượu thuốc, vậy ngâm củ đinh lăng tươi hay khô sẽ tốt hơn?

Cây đinh lăng có tên khoa học là Polyscias fruticosa. Được ví như nhân sâm nên từ lâu trong các bài thuốc lá nam, đinh lăng luôn góp công dụng lớn trong việc bồi bổ sức khỏe và chữa nhiều bệnh khác nhau.

Trả lời trên Báo VnExpress, ThS Nguyễn Thị Lai cho biết, rễ đinh lăng mới được nghiên cứu thử nghiệm và xác nhận tác dụng bổ dưỡng trong những năm gần đây, còn lá và thân cây thì đã được xem là thuốc chữa bệnh từ lâu theo kinh nghiệm của dân gian.

Các dưỡng chất có trong lá đinh lăng giúp kích thích hệ miễn dịch, tăng cường sức đề kháng, mang lại hiệu quả cao trong việc hỗ trợ điều trị các vấn đề về thần kinh, trầm cảm, mất ngủ…

Nên ngâm củ đinh lăng tươi hay khô
Củ đinh lăng được ví như nhân sâm.

Việc sử dụng củ đinh lăng để ngâm rượu rất phổ biến. Điều nhiều người quan tâm là nên ngâm củ đinh lăng tươi hay khô để đạt được tác dụng tốt nhất.

Nên ngâm củ đinh lăng tươi hay khô?

Việc ngâm đinh lăng khô được nhiều người lựa chọn, đặc biệt là với người cao tuổi. Việc ngâm đinh lăng khô có những ưu điểm sau:

- Màu sắc hấp dẫn: Sau khi đem rễ đinh lăng phơi khô, sao vàng rồi ngâm, rượu thường có màu sắc đẹp và thơm hơn so với ngâm củ tươi. Thời gian ngâm cũng nhanh hơn và khi uống sẽ có vị đậm đà hơn.

- Không làm giảm độ rượu: Việc ngâm đinh lăng khô giúp nồng độ rượu sẽ không giảm đi nhiều, còn đinh lăng tươi chứa nhiều nước nên sẽ làm rượu "nhẹ" đi.

- Dễ bảo quản: Một trong những ưu điểm của đinh lăng khô đó là có thể ngâm rượu bất cứ lúc nào.

Còn đinh lăng tươi tuy không có những ưu điểm trên nhưng bù lại, bình rượu thuốc lại có giá trị thẩm mỹ cao hơn. Đặc biệt, với những củ lâu năm, kích thước lớn, người ta thường ngâm tươi cả củ để trưng bày nhằm tăng vẻ sang trọng, đẳng cấp cho căn phòng, hoặc làm món quà biếu quý giá.

Nên ngâm củ đinh lăng tươi hay khô
Ảnh minh họa.

Cách ngâm rượu đinh lăng

Để ngâm được hũ rượu đinh lăng tươi đúng cách, trước hết bạn đem củ đinh lăng rửa sạch. Để rượu sau khi ngâm không có mùi tanh, cần cạo bỏ vỏ ở phần cuối để các chất trong củ dễ tiết ra.

Sau khi rửa sạch, bạn để củ thật khô rồi cho vào hũ thuỷ tinh; có thể cắt nhỏ hoặc ngâm cả củ. Nếu có điều kiện, có thể cho thêm sâm cau hoặc bạch tật lệ vào ngâm cùng.

Đổ rượu ngập hết các củ trong hũ rồi đậy nắp lại. Với khoảng 1kg đinh lăng, bạn chỉ cần dùng 3 - 4 lít rượu. Đặt hũ rượu ở nơi khô ráo, tránh ánh nắng mặt trời. Sau khoảng 30 ngày, khi rượu thuốc chuyển sang màu vàng là có thể dùng được.

Cách ngâm rượu đinh lăng khô: Củ đinh lăng cắt lát và phơi khô trong vòng 5 - 6 ngày mới đem ngâm. Thông thường, cần khoảng 4kg đinh lăng tươi để thu được 1kg đinh lăng khô.

Sau khi phơi khô, bạn cho đinh lăng vào chảo rang với lửa lớn khoảng 5 phút, để nguội rồi cho vào hũ thuỷ tinh, rót rượu vào.

Mỗi kg củ đinh lăng khô, bạn cần ngâm với khoảng 7 - 8 lít rượu. So với đinh lăng tươi thì thời gian ngâm đinh lăng khô sẽ lâu hơn, khoảng 3 tháng mới sử dụng được.

Theo vov.vn

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy