Tự hào trang sử truyền thống lực lượng vũ trang Quân khu 3

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, theo Quyết định của Chính phủ, ngày 31/10/1945 các chiến khu được thành lập. Ở Đồng bằng Bắc Bộ có các chiến khu 2, 3 (gồm các tỉnh, thành thuộc Quân khu 3 hiện nay: Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Hà Đông, Sơn Tây, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Kiến An, Quảng Yên, Hải Ninh, Hải Phòng). Từ đó đến nay, sau nhiều lần thay đổi tên gọi, sắp xếp, nhưng ngày 31/10/1945 được xác định là ngày thành lập, Ngày truyền thống lực lượng vũ trang (LLVT) Quân khu 3.

Hiện nay, Quân khu 3 bao gồm 9 tỉnh, thành phố (Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Hòa Bình, Hưng Yên, Hải Dương) với diện tích tự nhiên 20 nghìn km2; dân số 12,7 triệu người; có 118,825 km đường biên giới trên bộ, 516 km bờ biển, trên 3 nghìn hòn đảo, án ngữ hướng Biển Đông và Đông Bắc Tổ quốc. Quân và dân Quân khu 3 giàu truyền thống yêu nước, cách mạng. Ngay từ năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tổ chức vũ trang, bán vũ trang đã hình thành, phát triển mạnh.

Ngày 10/5/1941, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 chủ trương: Dùng khởi nghĩa vũ trang để đập tan bộ máy thống trị của thực dân Pháp, phát xít Nhật, giành chính quyền về tay nhân dân. Quán triệt nghị quyết, cấp uỷ các cấp trong toàn quân khu đã tập trung lãnh đạo củng cố, phát triển Tự vệ Cứu quốc, các tổ, tiểu đội du kích, chờ thời cơ khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Tháng 8/1944, Trung ương Đảng kêu gọi: “Toàn dân sắm sửa vũ khí đuổi thù chung”. Ngày 12/3/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị: “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”.

Ngày 16/8/1945, tại Đại hội Quốc dân họp ở Tân Trào, Đảng chủ trương: Lãnh đạo quần chúng nổi dậy cướp vũ khí của Nhật, giành chính quyền. Sau Đại hội Quốc dân, Bác Hồ gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước đứng lên khởi nghĩa. Thực hiện lời kêu gọi của Bác, từ ngày 18 đến 24/8/1945, các tỉnh, thành phố Đồng bằng Bắc bộ đồng loạt nổi dậy Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi. Để bảo vệ chính quyền cách mạng, lực lượng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích, tự vệ trên địa bàn quân khu phát triển mạnh.

Tự hào trang sử truyền thống lực lượng vũ trang Quân khu 3
Kiểm tra công tác huấn luyện tại cơ quan Ban CHQS thành phố Phủ Lý. Ảnh: Phương Dung

Ngày 19/10/1946, hội nghị quân sự toàn quốc của Đảng ra chỉ thị: Đẩy mạnh hơn nữa xây dựng LLVT, sẵn sàng chiến đấu đáp ứng kịp thời. Sau hội nghị quân sự toàn quốc, Bộ Quốc phòng được thành lập, các chiến khu thành lập khu uỷ, bộ chỉ huy, chuẩn bị kháng chiến. Ngày 20/11/1946, thành phố Hải Phòng là nơi nổ súng đánh Pháp, mở đầu cuộc kháng chiến trên địa bàn Quân khu 3. Trong kháng chiến chống Pháp, nhân dân, LLVT Liên khu 3 phối hợp với các đơn vị chủ lực đánh hơn 78.600 trận, loại khỏi vòng chiến đấu gần 400 ngàn tên địch, phá huỷ, thu 42 nghìn súng, hàng trăm nghìn phương tiện chiến tranh, góp phần cùng cả nước làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Bất chấp Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ, cùng với cả nước, quân và dân Quân khu 3 tiếp tục bước vào cuộc kháng chiến giành độc lập. Từ cuối năm 1954 đến 1959, quán triệt Nghị quyết của Trung ương Đảng, quân và dân Quân khu 3 tập trung củng cố chính quyền cách mạng, làm thất bại âm mưu chống phá thi hành Hiệp định đình chiến. Cùng với đó, đón 20 vạn đồng bào từ miền Nam tập kết; hoàn thành cải cách ruộng đất, phát triển kinh tế - xã hội và LLVT cả ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ (DQTV), coi trọng xây dựng lực lượng dự bị động viên. Nhiều phong trào cách mạng phát triển mạnh trên địa bàn quân khu. Cùng với "Gió đại phong", "Sóng duyên hải", phong trào "Cờ 3 nhất" (nhất về huấn luyện quân sự, rèn luyện kỹ thuật; nhất về gương mẫu, kỷ luật; nhất về lao động và sản xuất) từ Đại đội 2 pháo binh, Sư đoàn 304 đã tạo thành cao trào thi đua sôi nổi, rộng khắp trên địa bàn quân khu. 

Năm 1964, sa lầy trong cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam, đế quốc Mỹ liều lĩnh mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân ra miền Bắc. Trong những năm chiến tranh ác liệt, quân và dân Quân khu 3 vừa chiến đấu, vừa sản xuất, sát cánh cùng Quân chủng Hải quân, Phòng không - Không quân tạo thế trận hiệp đồng rộng khắp, đánh địch nhiều tầng, mọi hướng, đạt hiệu suất chiến đấu cao. Quân và dân Quân khu 3 cùng các lực lượng đánh 39.450 trận, bắn rơi 1.526 máy bay Mỹ (trong tổng số 4.181 máy bay bị bắn rơi ở miền Bắc), bắn chìm, bắn cháy 75 tàu chiến; tiêu diệt nhiều toán biệt kích; rà phá gần 69 nghìn quả bom, mìn, thuỷ lôi; phá tan chiến dịch phong toả đường biển vào cảng Hải Phòng; đập tan các chiến dịch "Biển lửa", "Mũi lao lửa", "Rồng biển" của địch. Đặc biệt, đã cùng với quân dân miền Bắc đánh đòn quyết định ở trận "Điện Biên Phủ trên không" (12/1972), buộc Mỹ phải chấp nhận đàm phán tại Hội nghị Pari (27/1/1973); góp phần làm nên "Đại thắng mùa Xuân 1975", hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Sau năm 1975, nhờ thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác, chuẩn bị kế hoạch tác chiến, điều chỉnh, bố trí lực lượng, xây dựng công trình phòng thủ nên khi tình hình biên giới Tây Nam, phía Bắc có diễn biến phức tạp, LLVT Quân khu 3 đã luôn ở thế chủ động, sẵn sàng chiến đấu kiên cường, chi viện đắc lực cho mặt trận cũng như làm tròn nhiệm vụ quốc tế. Từ kinh nghiệm trong chiến tranh chống phá hoại của đế quốc Mỹ, LLVT Quân khu 3 tập trung xây dựng, nâng cao sức mạnh tổng hợp, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biên giới, biển đảo, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Bước vào thời kỳ mới, để xây dựng LLVT Quân khu 3 theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, các cơ quan, đơn vị thường xuyên quán triệt, chấp hành nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu; phối hợp với các lực lượng nắm chắc, xử lý kịp thời diễn biến phức tạp nảy sinh từ cơ sở. Tập trung xây dựng thế trận phòng thủ, xây dựng nền quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc. Bộ CHQS các tỉnh, thành phố chủ động làm tốt chức năng tham mưu với cấp ủy, chính quyền hoàn thành toàn diện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, đồng thời đóng góp tích cực vào các phong trào, cuộc vận động lớn ở địa phương. 

Trải qua 75 năm, quân và dân Quân khu 3 đã đóng góp lớn sức người, sức của cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, quân và dân Đồng bằng sông Hồng đã tích cực chi viện các chiến trường (riêng những chiến dịch lớn đã chi viện 520 nghìn lượt dân công, 3,6 triệu ngày công, 16 nghìn tấn lương thực, thực phẩm). Quân và dân quân khu đã huy động hàng chục vạn con em vào bộ đội tham gia những đoàn quân Nam tiến với 235.200 thanh niên nhập ngũ, hàng vạn tấn gạo chi viện mặt trận.

Trong kháng chiến chống Mỹ, với tính chất vừa là hậu phương, vừa là tiền tuyến, khẩu hiệu "Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược" đã trở thành phương châm hành động của nhân dân, LLVT Đồng bằng sông Hồng. Từ đây 1,7 triệu thanh niên với hàng chục sư đoàn, hàng trăm tiểu đoàn, hàng chục vạn thanh niên xung phong, cán bộ các ngành tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, xây dựng chính quyền cách mạng ở miền Nam và làm nhiệm vụ quốc tế. Trong giai đoạn thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Quân khu 3 đã tích cực chi viện cho các hướng. Từ năm 1978 đến năm 1984 đã chi viện về lực lượng, cơ sở vật chất, trang bị kỹ thuật cho tuyến phòng thủ biên giới phía Bắc, Đông Bắc, biển và hải đảo của Tổ quốc. Các tỉnh, thành phố đã tổ chức lực lượng DQTV hùng hậu, cùng những đơn vị chủ lực xây dựng công trình quốc phòng và tham gia xây dựng, bảo vệ biên giới.

Trong các cuộc kháng chiến giành độc lập và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, toàn Quân khu 3 có 223.520 liệt sỹ, 143.258 thương binh, bệnh binh. Với những chiến công, thành tích đặc biệt xuất sắc, LLVT Quân khu 3 được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Sao Vàng lần thứ nhất (năm 1985); Huân chương Sao Vàng lần thứ hai (năm 2010); Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ nhất (năm 1979); Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ hai (năm 2002); 5 lần được tặng thưởng Huân chương Độc Lập. Toàn quân khu có: 831 tập thể được phong tặng, 323 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu "Anh hùng LLVTND", "Anh hùng LLVTND thời kỳ đổi mới"; 19.590 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu “Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng”. 

Nối tiếp truyền thống 75 năm xây dựng, trưởng thành, LLVT Quân khu 3 tiếp tục phát huy bản chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, cùng LLVT cả nước quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; xây dựng địa bàn Quân khu 3 vững về chính trị, giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng, an ninh, đời sống văn hoá, xã hội phát triển, góp phần xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. 

Thế Vĩnh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.