Trung đoàn 46 - Những trang sử hào hùng

Đứng trước tình hình, nhiệm vụ mới, chấp hành mệnh lệnh của Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam và Bộ Tư lệnh Quân khu Ba, ngày 15/11/1951 tại Xích Thổ (một xã miền núi thuộc huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình), Trung đoàn 46 được thành lập gồm 3 tiểu đoàn nòng cốt: Tiểu đoàn 57, Tiểu đoàn 922, Tiểu đoàn 928.

Hòa chung khí thế hào hùng của quân và dân cả nước nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, 75 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, những ngày này nhiều thế hệ cựu chiến binh là tướng lĩnh, sĩ quan, chiến sĩ Trung đoàn 46 Anh hùng lại có dịp nhân lên niềm tự hào về chặng đường gần 70 năm xây dựng, công tác, chiến đấu, lập nhiều chiến công xuất sắc, cùng các LLVT góp phần xứng đáng vào cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ cũng như trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển đất nước.

Các thế hệ cựu chiến binh Trung đoàn 46 tỉnh Hà Nam trong dịp gặp mặt truyền thống.

Những ngày kháng chiến chống Pháp trường kỳ gian khổ, giai đoạn 1950 - 1954 Hà Nam và các tỉnh thuộc vùng Đồng bằng Bắc Bộ là khu vực đan xen giữa vùng tự do, vùng địch tạm chiếm, LLVT của ta tranh chấp, giằng co quyết liệt với các cánh quân của địch. Các LLVT của ta tham gia kháng chiến thời kỳ đó gồm ba thứ quân: dân quân du kích, bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực. Ba lực lượng luôn sát cánh bên nhau cùng đánh địch và đóng vai trò nòng cốt trên cả ba mặt trận: tuyên truyền địch vận, đấu tranh ngoại giao, đấu tranh vũ trang ở tất cả các chiến trường thuộc nhiều tỉnh trong khu vực.

Ở Hà Nam thời kỳ này, LLVT ba thứ quân được trải đều khắp các huyện, các xã. Hầu như làng xã nào cũng có lực lượng dân quân du kích. Cấp huyện thường xây dựng được từ 2 đến 3 trung đội bộ đội địa phương cơ động tập trung. Cấp tỉnh có hai tiểu đoàn bộ đội địa phương (Tiểu đoàn 71, Tiểu đoàn 73) đủ quân số phục vụ nhiệm vụ chiến đấu trong tỉnh và phối hợp, chi viện cho bộ đội chủ lực.

Đứng trước tình hình, nhiệm vụ mới, chấp hành mệnh lệnh của Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam và Bộ Tư lệnh Quân khu Ba, ngày 15/11/1951 tại Xích Thổ (một xã miền núi thuộc huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình), Trung đoàn 46 được thành lập gồm 3 tiểu đoàn nòng cốt: Tiểu đoàn 57, Tiểu đoàn 922, Tiểu đoàn 928.

Đầu năm 1954, Trung đoàn 46 được bổ sung thêm hai tiểu đoàn 71, 73 của tỉnh Hà Nam để trở thành trung đoàn chủ lực của Liên khu (gồm 6 tỉnh: Sơn Tây, Hà Đông, Hoà Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình), làm nòng cốt cho đấu tranh vũ trang, đấu tranh chính trị, binh vận, đánh địch bảo vệ cơ sở, mở rộng khu căn cứ và phát triển chiến tranh du kích.

Ngay từ những ngày đầu thành lập, Trung đoàn 46 đã lập nhiều chiến công xuất sắc tại các trận tập kích một số đồn bốt quan trọng của địch ở: Liễu Đề, Đại Tám, Cầu Tây; Văn Lý, Xương Điền, mở rộng vùng căn cứ du kích các huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng (Nam Định). Tiếp đó là các trận đánh: Hà Thanh (Yên Mô, Ninh Bình); An Nhân, Ngọc Động, Hoàng Đạo (Duy Tiên, Hà Nam); Vạn Bảo, Sông Đào (thành phố Nam Định); Thạch Thất, Quốc Oai (Sơn Tây). Tổng kết giai đoạn 1951 - 1954, Trung đoàn 46 đã tổ chức 151 trận đánh, tiêu diệt 16.813 tên địch, bắt sống 2.542 tên, diệt gọn 3 tiểu đoàn, 21 đại đội; bắn chìm, bắn cháy 34 tàu chiến, 1 máy bay vận tải; phá huỷ một số xe tăng, xe quân sự; thu hàng nghìn vũ khí, quân trang, quân dụng. 

Kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, Trung đoàn 46 được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 86 huân chương các loại, là đơn vị lá cờ đầu của Quân khu Ba, được Bác Hồ tặng lá cờ truyền thống với sáu chữ vàng: “Đoàn kết - Anh dũng - Quyết thắng”.

Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 46 thuộc 5 đơn vị với các phiên hiệu: Trung đoàn 46A, 46B, 46C, 46D, 46Đ tự hào mang theo lá cờ truyền thống vẻ vang mà Bác Hồ trao tặng nối tiếp nhau hành quân ra chiến trường, có mặt ở rất nhiều mặt trận và đều lập công xuất sắc. Thời kỳ này Trung đoàn 46 Anh hùng có 3 đơn vị (Trung đoàn 46A, Trung đoàn 46B, Tiểu đoàn 5 thuộc Trung đoàn 46Đ) và 4 cá nhân được tặng thưởng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Sau năm 1979, các đơn vị mang phiên hiệu Trung đoàn 46 được tham gia trong đội ngũ một số binh đoàn chủ lực lớn theo yêu cầu nhiệm vụ xây dựng quân đội, kết thúc 28 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành đầy vinh quang với nhiều chiến công oanh liệt, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhìn lại chặng đường xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 46 có quyền tự hào về những chiến công, những thành tích và đóng góp to lớn của đơn vị vào nghệ thuật quân sự, nghệ thuật chiến tranh nhân dân. Đó là phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh ngay trong trận đầu ra quân” như trận đêm ba mươi Tết năm Nhâm Thìn 1952; Đó là Trung đoàn 46A thuộc đội hình tác chiến của Sư đoàn 320 chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị, Đường 9, Tây Nguyên, Ba Tơ… trong kháng chiến chống Mỹ đã từng được Tỉnh uỷ Quảng Ngãi tặng lá cờ danh dự “Vì độc lập tự do” và mang tên “Đoàn Ba Tơ”, được tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tham gia 500 trận đánh, diệt gần 3 nghìn tên địch, bắn rơi 1 máy bay, được khen thưởng 6 Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công; đó là Trung đoàn 46B tham gia góp lửa tại các chiến trường A, B, C, đã phối hợp với Sư đoàn 304 giải phóng thị xã Quảng Trị, được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (ngày 20/12/1972) và được tặng danh hiệu “Trung đoàn Thạch Hãn” với 16 chữ vàng “Tiến công dũng mãnh, phòng ngự kiên cường, đánh giặc giòn giã, lập công xuất sắc”; đó là Trung đoàn 46Đ (thành lập 1974) với vai trò là đơn vị chủ lực mạnh, sẵn sàng bổ sung cho các chiến trường. 

Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, trung đoàn lập công xuất sắc, có 3 tiểu đoàn, 7 đại đội, 7 cán bộ chiến sĩ được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; đó là các đơn vị: Trung đoàn 46C, Trung đoàn 46D (thành lập tại Yên Mô, Ninh Bình) được bổ sung, phiên chế vào một số sư đoàn quân chủ lực lập nhiều chiến công trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước cũng như trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc tại biên giới tây nam, biên giới phía bắc.

Ngày nay, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, rời quân ngũ, hàng nghìn cựu chiến binh Trung đoàn 46 thuộc nhiều thế hệ trở về quê hương không chỉ phát huy bản chất tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, nêu gương mẫu mực mà còn tích cực, tự nguyện đóng góp công sức, trí tuệ trong việc duy trì, phát triển các phong trào, hoạt động cộng đồng với những việc làm cụ thể, thiết thực, giàu ý nghĩa ở địa phương. Nhiều cựu chiến binh của trung đoàn đã trở thành điển hình tiên tiến của phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, “chung tay xây dựng nông thôn mới”; điển hình trong thực hiện chủ trương đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh… qua đó góp phần viết tiếp những trang sử truyền thống vẻ vang của Trung đoàn 46 Anh hùng.

Thanh Nghị

Thế Vĩnh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy