Những trận đánh ác liệt giành giật từng tấc đất với quân địch; những khó khăn, thiếu thốn và cả những hi sinh, mất mát của đồng đội trên chiến trường Quảng Trị rực lửa; những ngày hừng hực khí thế và ý chí chiến đấu anh dũng, ngoan cường trong làn mưa bom, bão đạn, những giây phút xúc cảm chạm đáy tâm can đến mừng vui khôn xiết của ngày toàn thắng thống nhất đất nước… Đó mãi là ký ức hào hùng, không thể nào quên với cựu chiến binh Trần Hân (thôn Văn Bút, xã Trác Văn, thị xã Duy Tiên).
“Đấy là những năm tháng không thể nào quên…”- Ông Hân bắt đầu câu chuyện với tôi khi vừa pha xong ấm trà. Khuôn mặt gầy gầy nhưng đầy vẻ cương trực của ông bỗng chốc đầy cảm xúc, hoài niệm. Năm 1971, thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang bước vào giai đoạn khốc liệt nhất và phong trào xung phong, tình nguyện lên đường nhập ngũ của học sinh, sinh viên các trường lên cao, ông khi đó đang là học sinh Trường Trung cấp Thủy lợi Trung ương.
Với tinh thần xung phong, tháng 12/1971, ông đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Sau 3 tháng huấn luyện ở ngoài Bắc, ông trực tiếp tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, bổ sung vào Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 102, Sư đoàn 308. Khi đó vừa giải phóng Quảng Trị đợt I xong, bắt đầu vào đợt II của chiến dịch. Ông được cử đến Tổ đài làm lính thông tin của tiểu đoàn. Lúc này đang là mùa mưa, ở bên kia chiến tuyến, quân địch liên tục bắn pháo càn, dội bom dù nhằm tái chiếm Quảng Trị. Ác liệt vô cùng những trận đánh giữa bộ đội ta và địch, giành giật từng tấc đất.
Ông nhớ, có những ngày quân địch ném bom B52 liên tiếp, cứ 15, 20 phút một trận, mỗi trận 3 loạt, ở dưới hầm nhìn lên bom rơi trên đầu thì coi như mình sống. Rồi pháo dàn càn lên, càn xuống liên tục. Ngừng pháo, ngừng B52 thì F4, rồi AD6 đánh bom dù, những quả bom dù màu đỏ mỗi lần bổ nhào để lại những hố to như cái ao… Rồi những cái chết thương tâm của đồng đội. Giọng ông nghèn nghẹn, mắt ngân ngấn khi kể cho tôi nghe về sự hi sinh của “anh Dũng” cùng tiểu đoàn đang đào hầm bị trúng đạn pháo của địch; “anh Coi” lính bộ binh mới được bổ sung vào đơn vị lúc 20h ngày hôm trước thì 4h ngày hôm sau đi tác chiến bị thương ở bụng và ra đi mãi mãi…
Còn nhiều nữa những hi sinh, mất mát đau thương của đồng đội, của bộ đội ta. Ông bảo: Thương lắm! Những đêm vác máy vô tuyến cùng đồng đội đi đánh địch ra khỏi nơi chiếm đóng để lấy liệt sĩ về, qua làn pháo sáng nhìn thấy đồng đội mình nằm đó thân thể đã bị trương lên, mối xông rào rào, phải lấy dây võng buộc xác đồng đội kéo về chôn cất. Đấy là những hình ảnh mà cả cuộc đời này ông Hân không thể nào quên.
Rồi những ngày đói ăn, thiếu thốn do đang là mùa mưa nên việc tiếp tế lương thực, nhu yếu phẩm cho chiến trường rất khó khăn và thường chậm. Gian khổ, hi sinh, ác liệt là thế, nhưng ông bảo: Tinh thần, ý chí của bộ đội mình thật kiên cường, sẵn sàng hi sinh, vượt lên tất cả để giành giật từng tấc đất, góp sức mình cùng cả nước đánh giặc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau gần 7 tháng tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, ông Hân bị thương do trúng mảnh pháo tăng của địch khi đang chuẩn bị xuống hầm. Lúc đó, ông cũng không hề biết là mình bị thương, đến khi máu chảy nhiều mới biết. Rồi ông bị hôn mê và được đồng đội đưa ra Bắc trị thương. Khi vết thương bình phục, ông trở lại đơn vị, khi đó, đơn vị của ông làm nhiệm vụ hành quân nghi binh phục vụ cho việc giải phóng miền Nam. Thế rồi, thời khắc lịch sử đáng nhớ nhất, vui sướng nhất của cuộc đời ông và các đồng đội cũng như của cả đất nước đã đến. Ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước hát khúc khải hoàn mừng ngày thống nhất.
Ông Hân kể: “Lúc đó đơn vị tôi đang cơ động bí mật ở Ninh Bình, khi nghe tin miền Nam giải phóng, tôi và đồng đội vui mừng, sung sướng không tả xiết. Chúng tôi reo hò hòa chung không khí mừng vui sôi động của nhân dân quanh vùng; lúc đó không kịp chuẩn bị cờ để phất, nhiều đồng đội của tôi đã bắn đạn chỉ thiên vì quá sung sướng. Lúc đó, chúng tôi, những người lính từng vào sinh, ra tử trong chiến tranh đều chung cảm giác như được sinh ra lần thứ hai và thực sự thấy được giá trị, ý nghĩa to lớn khôn cùng của hòa bình, độc lập…
Kết thúc dòng hồi ức một thời binh nghiệp, ông quay sang tôi vẫn vẻ mặt cương trực, dứt khoát, ông nói như nhủ lòng mình: Đồng đội cùng chiến đấu với tôi ngày ấy nhiều người đã mãi nằm lại mảnh đất thiêng Quảng Trị. Tôi vô cùng may mắn khi còn sống và trở về, vì thế tôi luôn tâm niệm: Phải sống cho thật ý nghĩa, thật xứng đáng với sự hi sinh của đồng đội, của thế hệ đi trước.
Tôi thật sự cảm phục ý chí, tinh thần chiến đấu cũng như nghị lực vượt qua khó khăn, thương tật (ông là thương binh 3/4, hiện vẫn mang trong mình mảnh kim khí từ thời chiến) của ông. Tổ quốc đã ghi nhận những đóng góp của ông trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bằng nhiều tấm huân, huy chương, kỷ niệm chương: Huân chương Chiến sỹ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huy chương Kháng chiến hạng Nhì; Kỷ niệm chương Chiến sỹ bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972.
Trở về cuộc sống đời thường, ông đã sống đúng như tâm niệm của mình, sống có ý nghĩa, xứng đáng là “Bộ đội Cụ Hồ”. Những gì có lợi cho Đảng, cho dân, ông đều hết sức làm, luôn gương mẫu, tích cực trong mọi phong trào của địa phương. Ông thường xuyên giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ ở địa phương; tích cực tham gia công tác xã hội, vận động mọi người chung sức làm đường giao thông thôn, xóm, xây dựng nông thôn mới… Gia đình ông từng được Trung tâm Giáo dục truyền thống lịch sử Việt Nam vinh danh Gia đình chính sách tiêu biểu có thành tích xuất sắc hướng về cội nguồn và quá khứ vẻ vang của dân tộc.
Thu Thảo