kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Ngành hậu cần phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật

Ngành hậu cần phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật

Thời gian qua, Bộ CHQS tỉnh thường xuyên phát động phong trào đẩy mạnh nghiên cứu sáng kiến, cải tiến mô hình, trang thiết bị trong thực hiện nhiệm vụ ở tất cả các cơ quan, đơn vị, lực lượng. Hưởng ứng phong trào, ngành hậu cần đã có nhiều sáng kiến, cải tiến mang lại hiệu quả thiết thực, khả năng ứng dụng cao trong thực tiễn công tác.

Sáng kiến bếp đun củi cơ động phục vụ huấn luyện, dã ngoại của ngành Hậu cần, Bộ CHQS tỉnh đoạt giải A tại hội thi cấp quân khu.

Theo thống kê, 2 năm 2018 - 2019, ngành hậu cần Bộ CHQS tỉnh đã có 47 sáng kiến, cải tiến mô hình, trang thiết bị hậu cần được nghiên cứu, chế tạo, ứng dụng. Phần lớn các sáng kiến có ý nghĩa rất thiết thực, gần gũi, phục vụ trực tiếp đời sống bộ đội, công tác bảo đảm hậu cần và thực tế huấn luyện, diễn tập sẵn sàng chiến đấu của LLVT tỉnh, như: bếp đun củi cơ động phục vụ huấn luyện dã ngoại; giá dụng cụ cấp dưỡng phục vụ ăn ở dã ngoại; bộ truyền dịch mùa đông; thiết bị mắc tăng võng trời mưa phục vụ huấn luyện dã ngoại; cải tiến bộ đai nẹp cố định tạm thời gãy xương đùi kết hợp gãy xương cẳng chân; dao thái đa năng, túi đựng tấm nilon mưa khi huấn luyện trên thao trường; máy xông ngải cứu, thiết bị nạp tượng gạo… 

Trong 47 sáng kiến có nhiều sáng kiến, cải tiến đã được Bộ CHQS tỉnh lựa chọn tham gia hội thi cấp quân khu và giành giải cao. Đó là sáng kiến bếp đun củi cơ động phục vụ huấn luyện dã ngoại; cải tiến bộ đai nẹp cố định tạm thời gãy xương đùi kết hợp gãy xương cẳng chân. Đây là 2 sáng kiến xuất sắc giành giải A, được Bộ Tư lệnh Quân khu 3 tặng Bằng khen, Sở Khoa học Công nghệ cấp Giấy chứng nhận…

Trò chuyện về quá trình thực hiện sáng kiến “Bếp đun củi cơ động phục vụ huấn luyện dã ngoại” của mình, Thượng úy Lưu Xuân Trường (Trợ lý Ban Tham mưu Kế hoạch, Phòng Hậu cần, Bộ CHQS tỉnh) chia sẻ: Từ trước tới nay trong quá trình huấn luyện, dã ngoại, các đơn vị thường sử dụng bếp Hoàng Cầm để phục vụ nấu ăn cho bộ đội. Bếp Hoàng Cầm có ưu điểm vượt trội là bảo đảm tính bí mật trong quá trình tác chiến. 

Tuy nhiên, trong thời bình yêu cầu bảo đảm bí mật không đòi hỏi cao, thời gian huấn luyện dã ngoại ngắn, trong khi việc đào bếp Hoàng Cầm mất nhiều thời gian (2- 3 người đào trong 3-4 giờ liên tục mới có bếp đun). Xuất phát từ ý tưởng làm thế nào để có thể nấu ăn cho bộ đội khi hành quân huấn luyện dã ngoại một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, tôi đã có ý tưởng làm chiếc bếp đun củi cơ động. 

Chiếc bếp này có ưu điểm gọn, nhẹ, thuận tiện vì có thể tháo lắp nhanh chóng và xếp gọn trong ba lô khi hành quân. Khi tới vị trí đóng quân chỉ mất 3-5 phút lắp bếp là có thể tiến hành đun nấu phục vụ bữa ăn cho bộ đội. 

Nguyên liệu làm bếp đun củi cơ động cũng sẵn và thông dụng: inox, sắt, thép không gỉ. Bếp được cấu tạo bởi 4 bộ phận chính: mặt bếp, thân bếp, cửa tiếp nhiên liệu, đáy bếp và được lắp ghép với nhau. Bếp đun củi cơ động cơ bản đáp ứng yêu cầu: gọn nhẹ, dễ sử dụng, hiệu quả, kinh tế, tính ứng dụng cao, giá thành rẻ (420 nghìn đồng/bếp). Bếp vừa bảo đảm nhiệt lượng cao, tiết kiệm lượng củi đun (tiết kiệm gần 50% củi so với bếp kiềng 3 chân); lượng nhiệt cao nên giảm tới 30% thời gian đun nấu và có thể triển khai ở mọi địa hình khi hành quân dã ngoại. 

Một bếp đun củi cơ động có thể bảo đảm đun nấu bữa ăn cho một tiểu đội, 3 bếp đun củi có thể bảo đảm đun nấu bữa ăn cho một trung đội bộ binh. Chiếc bếp đun củi cơ động đã thể hiện rõ tính năng vượt trội trong thực tiễn, được Bộ CHQS tỉnh phổ biến trong toàn lực lượng.

Trong lĩnh vực quân y cũng có những sáng kiến, cải tiến thiết thực, phục vụ tốt công tác chăm sóc sức khỏe bộ đội ngay từ cơ sở. Cải tiến “bộ đai nẹp cố định tạm thời gẫy xương chi dưới” của Trung úy chuyên nghiệp Nguyễn Trung Thành (nhân viên quân y, Ban CHQS huyện Lý Nhân) và “bộ truyền dịch mùa đông” của Đại úy chuyên nghiệp Đào Duy Quyết (Bệnh xá, Phòng Hậu cần, Bộ CHQS tỉnh)… cho thấy rõ những ưu điểm trong thực hiện nhiệm vụ. 

Thực tế hiện nay, trong thực hành huấn luyện và cấp cứu gẫy xương chi dưới thường sử dụng nẹp tre, nẹp gỗ để cố định tạm thời gãy xương và cố định bằng băng cuộn, việc này đòi hỏi kỹ thuật phức tạp, bộ đội khó có thể tự cấp cứu cho nhau, vừa tốn thời gian, dễ gây đau đớn nhiều cho thương binh, vừa có thể ảnh hưởng không tốt đến các tổn thương hoặc di lệch ổ gẫy. 

Qua kinh nghiệm công tác, Trung úy Nguyễn Trung Thành đã nghiên cứu, chế tạo bộ đai nẹp (gồm nẹp gỗ cải tiến kết hợp với bộ đai thông minh dùng để cố định tạm thời gẫy xương chi dưới). Bộ đai nẹp có thể cố định tạm thời gãy xương đùi và xương cẳng chân một cách nhanh chóng, dễ dàng, chắc chắn, ít sang chấn, mắc lỗi khi cố định. Hai thanh nẹp dài được thiết kế tách rời thành 2 nửa riêng biệt, có thể gấp đôi nhờ bộ bản lề nối ở giữa, được gấp gọn giúp việc mang theo khi hành quân và sử dụng được dễ dàng. 

Bộ nẹp khi gấp lại thành bộ cố định tạm thời gẫy xương cẳng chân, khi mở ra thành bộ cố định tạm thời gẫy xương đùi. Các điểm băng bó cố định được thay thế bằng bộ dây đai có khuy cài và các miếng dán (có thể điều chỉnh rộng hẹp) để giúp định vị, chống lệch nẹp, giúp cố định cẳng chân an toàn, nhanh chóng, ít gây tổn thương thêm vết thương. 

Việc sử dụng bộ đai nẹp trong công tác cấp cứu vừa dễ thao tác, vừa nhanh, an toàn lại có thể tái sử dụng nhiều lần. Bộ đai nẹp có thể áp dụng thuận tiện cả trong thời chiến, thời bình, cả trong và ngoài ngành quân đội, góp phần giảm tỷ lệ tàn phế, ngăn ngừa sốc, tổn thương thứ phát… Với những ưu điểm vượt trội đó, bộ đai nẹp được thủ trưởng các cấp đánh giá cao và có khả năng ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn công tác, phục vụ huấn luyện, diễn tập, chiến đấu của bộ đội.

Những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật hậu cần được sáng chế thời gian qua đã khẳng định khả năng sáng tạo không ngừng của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ ngành hậu cần. Nhiều sáng kiến chất lượng, hiệu quả, có thể ứng dụng, nhân rộng trong công tác bảo đảm hậu cần, huấn luyện hậu cần của LLVT tỉnh. Các sáng kiến, cải tiến, trang thiết bị được phát huy sẽ góp phần không nhỏ nâng cao chất lượng bảo đảm hậu cần và công tác huấn luyện hậu cần của các cơ quan, đơn vị, phục vụ tốt hơn công tác huấn luyện, diễn tập sẵn sàng chiến đấu của LLVT, đặc biệt có thể ứng dụng rộng rãi trong đời sống xã hội cả trong thời chiến, thời bình.

Phương Dung

Phương Dung

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy