Xác định công tác phòng chống thiên tai- tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) là nhiệm vụ chiến đấu quan trọng của quân đội trong thời bình, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc tăng cường tập huấn, huấn luyện, chuẩn bị những điều kiện cần thiết, qua đó nâng cao tính chủ động và năng lực của toàn lực lượng, sẵn sàng ứng phó hiệu quả những tình huống thiên tai có thể xảy ra.
Trao đổi về vấn đề này, Đại tá Trịnh Đức Thiêm, Phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh cho biết: Xác định công tác PCTT-TKCN là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng nên ngay từ đầu năm, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện tốt công tác chuẩn bị, xây dựng kế hoạch, củng cố lực lượng, phương tiện, đáp ứng tốt yêu cầu trước mọi tình huống thiên tai. Quán triệt sâu sắc quan điểm “Phòng là chính, tích cực, chủ động ứng cứu nhanh, có hiệu quả các tình huống thiên tai”, Bộ CHQS tỉnh luôn chú trọng vận dụng phương châm “4 tại chỗ” nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân khi xảy ra thiên tai bão lụt.
Các phương án, dự kiến tình huống và cách thức xử trí được Bộ CHQS tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn xây dựng cụ thể, chi tiết và phổ biến rộng rãi. Trong đó, chú trọng kế hoạch, phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão, bảo đảm ứng cứu nhanh, kịp thời các sự cố do thiên tai gây ra. Bộ CHQS tỉnh cũng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc tăng cường phối hợp nắm tình hình, tham mưu với ban chỉ huy PCTT-TKCN cùng cấp có biện pháp tích cực, phù hợp, hiệu quả trong PCTT-TKCN. Đặc biệt, tranh thủ huy động nguồn lực của các doanh nghiệp khai thác, chế biến đá trên địa bàn chủ động sẵn sàng một khối lượng vật chất cần đủ để ứng phó kịp thời với tình huống thiên tai lũ lụt.
Trên tinh thần chủ động, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, Bộ CHQS tỉnh đã huy động 100% cán bộ, chiến sỹ (CBCS) tích cực tham gia công tác PCTT-TKCN. Trong đó, các lực lượng nòng cốt được bố trí gồm: lực lượng phòng chống tại chỗ; lực lượng, phương tiện cơ động; lực lượng, phương tiện hiệp đồng; lực lượng khắc phục hậu quả; lực lượng tuần tra, canh gác; lực lượng dự bị… Trên cơ sở dự kiến những tình huống có thể xảy ra, Bộ CHQS tỉnh thống nhất cách xử trí bảo đảm tốt việc sử dụng lực lượng, phương tiện cơ động giữa địa phương và các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn cùng lực lượng tăng cường của Bộ Quốc phòng, Quân khu 3. Cùng với đó, bảo đảm cơ sở vật chất và những điều kiện cần thiết cho thực hiện nhiệm vụ PCTT-TKCN tại chỗ. Đồng thời, bố trí sở chỉ huy tại tất cả các địa bàn trung tâm, các huyện, thành phố, thị xã giúp cho việc chỉ huy được nhanh chóng, thông suốt, kịp thời, đồng bộ.
Cùng với chủ động chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật chất… Bộ CHQS tỉnh chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, đơn vị trực thuộc tăng cường tập huấn, huấn luyện, diễn tập đối với mạng lưới tổ, đội kiêm nhiệm cứu hộ, cứu nạn, nâng cao năng lực, trình độ, khả năng cơ động cho CBCS trong công tác PCTT-TKCN. Cùng với đó, tiến hành kiểm tra thực tế trên một số tuyến đê xung yếu tại những khu vực trọng điểm; thành lập các trung tâm sở chỉ huy, xây dựng đường cơ động và khu vực tập kết, nhà kho để vật chất phục vụ công tác PCTT-TKCN. Đồng thời, sẵn sàng các loại vật chất, tàu xuồng, nhà bạt, phao cứu sinh, sửa chữa, bảo dưỡng bảo đảm tốt tình trạng kỹ thuật, khả năng cơ động của phương tiện, thông tin liên lạc thông suốt và các phương án sơ tán, di dời nhân dân ở những khu vực ảnh hưởng do thiên tai, bão lũ.
Các cơ quan quân sự địa phương, đơn vị trong toàn tỉnh cũng đã tiến hành hạ thủy phương tiện cứu hộ, cứu nạn trên sông, luyện tập các phương án PCTT-TKCN bảo đảm sát với tình hình thực tế. Tăng cường phối hợp với ngành chức năng rà soát toàn bộ hệ thống đê, kè, cống, các điểm trọng yếu, trên cơ sở đó phát hiện sớm sự cố, xử lý kịp thời, bảo đảm an toàn cho sản xuất cũng như tính mạng, tài sản của người dân khi xảy ra thiên tai, bão, lũ.
Huyện Thanh Liêm là một trong những địa bàn được xác định có nhiều tuyến đê trọng yếu, địa hình đồi núi đan xen, có nguy cơ cao về các tình huống ngập úng, sạt lở đất, đá, cháy rừng… ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống nhân dân. Thực tế những năm gần đây trên địa bàn đã từng xảy ra nhiều vụ cháy rừng làm thiệt hại không nhỏ tài sản và đe dọa tính mạng của nhân dân. Trước những tình huống thiên tai, CBCS lực lượng vũ trang (LLVT) đã luôn xung kích cùng các lực lượng và nhân dân địa phương ứng phó hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Thượng tá Vũ Anh Tuấn, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Thanh Liêm cho biết: Quán triệt, thực hiện phương châm chủ động “4 tại chỗ”, đơn vị đã thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các lực lượng duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, trực chỉ huy, trực ban... Đồng thời, thường xuyên phối hợp nắm tình hình và chuyển tải rộng rãi những thông tin dự báo thời tiết, sự cố thiên tai, giúp các đơn vị, lực lượng có biện pháp phối hợp ứng phó kịp thời.
Đặc biệt, tại một số trọng điểm đê, kè, cống, khu vực dự kiến ngập lụt, sạt lở đất, đá, khu vực cần phải sơ tán nhân dân..., đơn vị chuẩn bị sẵn sàng về lực lượng, phương tiện, trang bị lượng vật chất hậu cần và phối hợp cùng các đơn vị tăng cường kịp thời triển khai phương án ứng cứu khi có tình huống xảy ra. Nhờ làm tốt công tác chuẩn bị nên những năm qua, CBCS LLVT huyện đã luôn chủ động trong các tình huống tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng; phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Sự chỉ đạo thống nhất, đồng bộ, tích cực, chủ động của Bộ CHQS tỉnh và các cơ quan, đơn vị quân đội trên địa bàn là yếu tố quan trọng, quyết định để LLVT tỉnh hoàn thành vai trò lực lượng xung kích, nòng cốt trong công tác PCTT-TKCN, qua đó chung tay cùng các cấp, ngành địa phương ứng cứu, xử lý kịp thời, hiệu quả mọi tình huống do thiên tai gây ra.
Phương Dung