Lý Nhân là huyện có vị trí quan trọng trong khu vực phòng thủ được bao quanh bởi hệ thống đê, bối. Trong đó, đáng chú ý có hơn 27km đê hữu Hồng. Hệ thống đê, kè, cống trên địa bàn hằng năm được đầu tư tu bổ, nâng cấp, tuy nhiên trước sự bất thường của thời tiết, mùa mưa bão đến có thể ảnh hưởng gây nguy hiểm tới cuộc sống, làm thiệt hại tài sản của Nhà nước và nhân dân. Xác định lực lượng vũ trang (LLVT) giữ vai trò nòng cốt trong công tác phòng, chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn (PCTT – TKCN), bước vào mùa mưa bão Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Lý Nhân đã triển khai kế hoạch PCTT-TKCN trong toàn LLVT huyện nhằm nâng cao tính chủ động trong công tác PCTT-TKCN.
Để chủ động ứng phó trước các tình huống thiên tai, Ban CHQS huyện Lý Nhân xác định rõ các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, sẵn sàng các phương án PCTT-TKCN. Trước mùa mưa bão, Ban CHQS huyện đã hiệp đồng với các đơn vị tăng cường của Bộ CHQS tỉnh, của Quân khu 3 bố trí lực lượng, phương tiện ứng cứu trong các tình huống sự cố về thiên tai, bão lũ có thể xảy ra.
Trung tá Nguyễn Ngọc Quyền, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Lý Nhân cho biết: Đơn vị đã hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị tăng cường trong PCTT-TKCN. Cùng với đó, tăng cường tập huấn, bồi dưỡng, huấn luyện, luyện tập lực lượng làm nhiệm vụ PCTT-TKCN tại chỗ. Qua đó, nâng cao khả năng sử dụng các loại trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn của cán bộ chiến sỹ (CBCS) LLVT, để có thể ứng phó kịp thời với các sự cố thiên tai, bão lũ, cháy rừng có thể xảy ra.
Căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương, hằng năm Ban CHQS huyện đều điều chỉnh kế hoạch PCTT-TKCN bảo đảm phù hợp. Phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với địa phương và các đơn vị tăng cường bổ sung lực lượng, phương tiện khi cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tế tình hình. Cơ quan quân sự từ huyện tới xã, thị trấn gắn việc huấn luyện quân sự với bồi dưỡng, luyện tập các phương án PCTT-TKCN, sẵn sàng xử lý các tình huống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. CBCS LLVT huyện duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, thường xuyên theo dõi mực nước trên sông nhất là khi lượng mưa lớn, nước dâng cao. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng ở địa phương thường xuyên kiểm tra các trọng điểm, tăng cường tuần tra, canh gác, kịp thời phát hiện sự cố đê, kè, cống để có biện pháp xử lý. Khi có tình huống xảy ra, nhanh chóng điều động lực lượng tại chỗ khắc phục hậu quả.
Với quan điểm chỉ đạo “phòng là chính, tích cực, chủ động, ứng cứu nhanh, có hiệu quả” và phương châm “4 tại chỗ”, Ban CHQS huyện Lý Nhân đã làm tốt mọi công tác chuẩn bị, sẵn sàng về nhân lực, vật lực cho công tác PCTT-TKCN. Để việc phòng, chống thiên tai được hiệu quả, Ban CHQS huyện đã xác định rõ các trọng điểm đê, kè, cống, khu vực dự kiến ngập lụt, sạt lở đất, đá, khu vực sơ tán nhân dân... xây dựng các phương án ứng cứu phù hợp. Các lực lượng được bố trí trong công tác PCTT-TKCN gồm: lực lượng phòng, chống tại chỗ; lực lượng, phương tiện cơ động; lực lượng, phương tiện hiệp đồng; lực lượng khắc phục hậu quả; lực lượng tuần tra, bảo vệ; lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ... Trong đó, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, xác định nguy cơ cũng như mức độ ảnh hưởng khi xảy ra bão lũ, để có sự chuẩn bị tốt cho hoạt động cứu hộ, cứu nạn. Ban CHQS huyện và các xã, thị trấn (nhất là các xã ven đê) thường xuyên phối hợp nắm chắc tình hình, sẵn sàng ứng cứu, khắc phục khi có sự cố, giảm tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra. Khi xảy ra tình huống, xác định tập trung chủ động cứu người trước, cứu tài sản sau, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhà nước và nhân dân.
Trung tá Nguyễn Ngọc Quyền, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Lý Nhân khẳng định: PCTT-TKCN là nhiệm vụ chính trị quan trong của LLVT, do vậy Ban CHQS huyện Lý Nhân luôn chú trọng nhiệm vụ này. Cùng với dự báo các tình huống thiên tai, bão lũ, Ban CHQS huyện Lý Nhân đã xây dựng kế hoạch ứng cứu với siêu bão, có biện pháp ứng cứu đối với các tình huống đột xuất, bất ngờ do thiên tai gây ra. Trong đó phát huy vai trò của CBCS LLVT trong việc duy trì chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm hệ thống thông tin liên lạc thông suốt. Củng cố, bảo dưỡng, sửa chữa, bổ sung các loại trang thiết bị phục vụ công tác PCTT-TKCN, như: xuồng cứu hộ, cứu nạn; nhà bạt; phao tròn, phao cứu sinh các loại, bảo đảm ứng cứu nhanh, hiệu quả với các tình huống thiên tai.
Mặc dù khá chủ động trong công tác PCTT-TKCN, tuy nhiên trong thực tế tổ chức thực hiện LLVT huyện cũng gặp phải một số khó khăn nhất định như: lực lượng thực hiện nhiệm vụ PCTT-TKCN chủ yếu là kiêm nhiệm chưa có lực lượng chuyên trách nên trình độ chuyên môn, tính chuyên nghiệp về công tác cứu hộ, cứu nạn chưa cao. Việc trang bị phương tiện bảo đảm cho công tác PCTT-TKCN chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Một số phương tiện, trang thiết bị phục vụ PCTT-TKCN đã cũ, xuống cấp, công suất thấp, hiệu quả sử dụng chưa cao, nhất là có tình huống khẩn cấp xảy ra; cơ sở vật chất phục vụ cho nhiệm vụ phòng, chống lụt bão còn hạn chế; lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên của huyện thường xuyên đi làm xa ảnh hưởng đến việc huy động trong PCTT-TKCN…
Dù gặp những khó khăn nhất định, song với tổ chức, biên chế hiện có của Ban CHQS huyện, sự phối hợp, hiệp đồng của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn và lực lượng tăng cường của cấp trên, LLVT huyện Lý Nhân đã và đang nỗ lực quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ ứng phó với các loại hình thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước, Quân đội và nhân dân. Tiếp tục phát huy tốt vai trò nòng cốt, xung kích của LLVT huyện trong công tác PCTT-TKCN.
Phương Dung