Xác định công tác phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, “nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình” của lực lượng vũ trang (LLVT), Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo các cơ quan đơn vị chủ động, ứng phó nhanh, hiệu quả trước các tình huống thiên tai. Năm 2023, theo dự báo tình hình thời tiết diễn biến bất thường, bước vào mùa mưa bão, mọi công tác chuẩn bị cho PCTT-TKCN đã được Bộ CHQS tỉnh và các cơ quan, đơn vị quân sự trên địa bàn tỉnh thực hiện chu đáo, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khi xảy ra các tình huống thiên tai.
Xây dựng phương án ứng phó nhanh, hiệu quả
Theo thống kê, toàn tỉnh Hà Nam có khoảng gần 363 km đê các loại, trên 20 công trình kè và gần 300 cống. Trong đó, có một số đoạn đê, kè chưa được xây dựng chắc chắn, khi có mưa lớn kéo dài kết hợp với lũ thượng nguồn đổ về có nguy cơ sạt lở hoặc vỡ đê, nhất là tuyến đê sông Hồng thuộc địa bàn thị xã Duy Tiên, huyện Lý Nhân; tuyến đê sông Đáy thuộc địa bàn thành phố Phủ Lý, huyện Thanh Liêm, Kim Bảng. Những năm qua, trên địa bàn tỉnh từng xảy ra các loại hình thiên tai gây thiệt hại về tài sản, cơ sở vật chất của nhân dân. Trên cơ sở xác định và nắm vững hệ thống đê kè, cống, các trọng điểm trên địa bàn, Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan đơn vị xây dựng phương án sẵn sàng ứng phó trước các tình huống thiên tai có thể xảy ra; kiện toàn Ban chỉ huy PCTT-TKCN, thiết lập sở chỉ huy bổ trợ trên 3 hướng đặt ở các huyện, thành phố, thị xã. Trên mỗi hướng đều xác định cụ thể lực lượng tại chỗ của địa phương; lực lượng tăng cường của Bộ CHQS tỉnh, của Quân khu 3 và Bộ Quốc phòng.
Công tác xây dựng phương án, kế hoạch, điều động lực lượng, phương tiện hỗ trợ được Bộ CHQS tỉnh triển khai thực hiện chi tiết, cụ thể. Hệ thống kế hoạch được xây dựng từ tỉnh tới các đơn vị, bảo đảm sự điều chỉnh và hiệp đồng chặt chẽ giữa các đơn vị. Theo đó, các trọng điểm được xác định gồm: trọng điểm doanh trại đơn vị, kho vũ khí, trạm sửa chữa, trạm xăng dầu…; trọng điểm đê, kè, cống cấp tỉnh; các tuyến đê trọng yếu cấp huyện; khu vực dự kiến ngập lụt; khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất đá, cháy rừng... đặc biệt chú trọng việc ứng phó với các loại hình bão mạnh, siêu bão, bảo đảm ứng cứu nhanh, kịp thời các sự cố do thiên tai gây ra.
Xác định rõ các trọng điểm ứng cứu khi xảy ra thiên tai, Bộ CHQS tỉnh chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia thực hiện nhiệm vụ theo phương châm “4 tại chỗ”, đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho cán bộ, chiến sỹ (CBCS) LLVT và nhân dân địa phương nhận thức rõ nhiệm vụ PCTT-TKCN, nỗ lực góp sức trong công tác PCTT-TKCN. Các cơ quan, đơn vị đứng chân trên địa bàn duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, bố trí lực lượng, phương tiện xử trí các tình huống thiên tai; theo dõi nắm chắc diễn biến tình hình thời tiết, có biện pháp ứng phó kịp thời. Đồng thời hiệp đồng chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị tăng cường của Bộ Quốc phòng, Quân khu 3 sẵn sàng cơ động lực lượng tham gia xử trí tình huống. Cụ thể như: hiệp đồng với Quân đoàn 1; Trường Cao đẳng kỹ thuật mật mã; Xưởng 10 Công binh (Quân khu 3); Trung đoàn bộ binh 8, Sư đoàn 395 (Quân khu 3); Bệnh viện Quân y 5 (Quân khu 3), bố trí lực lượng, phương tiện, vật chất PCTT-TKCN, sẵn sàng cơ động, triển khai lực lượng tham gia thực hiện nhiệm vụ ở địa bàn theo hiệp đồng khi có tình huống và phối hợp chặt chẽ với lực lượng tại chỗ tham gia ứng cứu khắc phục sự cố thiên tai.
Tăng cường huấn luyện, luyện tập xử trí các tình huống
Cùng với xây dựng phương án ứng phó, công tác tập huấn, huấn luyện, luyện tập các tình huống PCTT-TKCN được Bộ CHQS tỉnh quan tâm chỉ đạo. Ngay từ đầu năm, trong chương trình huấn luyện quân sự chung, các cơ quan đơn vị đã tăng cường luyện tập nội dung, phương án PCTT-TKCN. Các nội dung huấn luyện được Bộ CHQS chỉ đạo cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc, đúng tiến trình, bảo đảm CBCS nắm vững yếu lĩnh động tác, làm chủ phương tiện, trang thiết bị trong mọi tình huống. Để nâng cao năng lực cho các lực lượng trong công tác PCTT-TKCN, thời gian qua Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo đơn vị trực thuộc tăng cường diễn tập các tình huống PCTT-TKCN. Trong năm 2022, Bộ CHQS tỉnh đã phối hợp với Công an tỉnh tổ chức diễn tập phương án chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn cấp tỉnh tại Khu công nghiệp Đồng Văn với gần 300 CBCS công an, quân đội và gần 200 công nhân tham gia. Đồng thời chỉ đạo Ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo cấp xã tổ chức diễn tập chiến đấu trong khu vực phòng thủ kết hợp xử trí tình huống cháy nổ, cháy rừng, PCTT-TKCN sát với tình huống thực tế của địa phương. Thông qua diễn tập đã phát huy vai trò của ban chỉ huy PCTT-TKCN các cấp và các ban, ngành, đoàn thể trong việc ứng phó linh hoạt với sự cố thiên tai xảy ra trên địa bàn. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực, khả năng ứng phó trước các tình huống của CBCS LLVT và nhân dân địa phương, nâng cao ý thức trách nhiệm, sẵn sàng ứng phó với các sự cố thiên tai có thể xảy ra.
Đại tá Trịnh Đức Thiêm, Phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh cho biết: Công tác huấn luyện có vai trò quan trọng góp phần nâng cao năng lực tổ chức chỉ huy, hiệp đồng của các cấp, ngành, đơn vị, nâng cao trình độ sử dụng phương tiện trang bị và rèn luyện bản lĩnh, ý chí, khả năng ứng cứu của CBCS LLVT trong các tình huống thiên tai. Xác định rõ điều đó, Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo cơ quan, đơn vị thường xuyên tổ chức huấn luyện các tình huống trong PCTT, đặc biệt là công tác cứu hộ, cứu nạn, luyện tập phương án phòng, chống cháy nổ. Qua đó, nâng cao sức bền, sự linh hoạt của mỗi CBCS trong thực hiện nhiệm vụ PCTT-TKCN nói riêng và trong thực hiện nhiệm vụ quân sự nói chung. Trong công tác chuẩn bị vật chất bảo đảm cho PCTT-TKCN, Bộ CHQS tỉnh và các cơ quan, đơn vị đã tăng cường phối hợp tranh thủ nguồn lực từ các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất khai thác, chế biến đá, sẵn sàng các loại vật chất tại chỗ ứng phó với tình huống thiên tai lũ lụt. Cùng với chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, Bộ CHQS tỉnh chỉ đạo các tổ kiêm nhiệm cứu hộ, cứu nạn tăng cường phối hợp với địa phương, cơ sở, thường xuyên theo dõi, kiểm tra những vị trí xung yếu, phát hiện sớm sự cố, xử lý kịp thời, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân khi xảy ra tình huống thiên tai, bão, lũ.
Về hệ thống cơ sở vật chất trang thiết bị, Bộ CHQS tỉnh đã đề xuất, tham mưu với Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh và cấp trên quan tâm đầu tư mua sắm cơ sở vật chất, trang bị phục vụ ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN. Thời gian qua, đơn vị đã tiếp nhận các loại vật chất như: thiết bị định vị, máy phát điện, súng bắn dây mồi đa năng; phao tròn cứu sinh, máy đẩy; tàu vận tải, xuồng các loại, xe cứu hộ đa năng; gần chục nghìn phao, áo phao cứu sinh, bè cứu sinh; thiết bị chữa cháy… Các trang thiết bị được quản lý và sử dụng hiệu quả. Trước khi bước vào mùa mưa bão, đơn vị đã tiến hành hạ thủy, chạy thử tàu, xuồng cứu hộ cứu nạn, rà soát các loại dụng cụ, vật chất, bảo đảm thiết bị vận hành tối ưu khi đưa vào sử dụng.
Nhờ tích cực, chủ động trong công tác chuẩn bị PCTT-TKCN nên những năm qua CBCS LLVT tỉnh đã luôn ứng phó hiệu quả trước các tình huống thiên tai. Điển hình như những năm gần đây, nắng nóng gay gắt ở huyện Thanh Liêm và Kim Bảng hầu như năm nào cũng xảy ra tình trạng cháy rừng. Ứng phó trước các tình huống trên, CBCS LLVT tỉnh đã kịp thời tham gia cùng với ngành chức năng và nhân dân địa phương chữa cháy kịp thời.
Với tinh thần chủ động sẵn sàng cao của CBCS LLVT tỉnh, tin tưởng rằng đây sẽ luôn là lực lượng nòng cốt, là điểm tựa vững chắc cho cấp ủy, chính quyền nhân dân trong công tác PCTT-TKCN, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Phương Dung