Hằng năm, mỗi độ Xuân về, hơn một nghìn thanh niên trong toàn tỉnh lại lên đường nhập ngũ, tiếp bước cha ông, góp phần cống hiến sức trẻ cho sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Để giúp các thanh niên yên tâm lên đường, nhiều năm qua công tác giáo dục truyền thống luôn được các cấp, ngành, đoàn thể, địa phương quan tâm thực hiện bằng nhiều nội dung, hình thức phù hợp, phong phú, qua đó nhân lên niềm tự hào về quê hương, đất nước, giúp thanh niên sẵn sàng nhập ngũ xây dựng lý tưởng, động cơ đúng đắn, tự giác tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Thực tế những năm qua cho thấy, do ảnh hưởng của kinh tế thị trường, công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ ở các địa phương gặp không ít khó khăn. Phần vì số đông thanh niên trong độ tuổi đi học, đi làm xa, một bộ phận nhỏ xác định tư tưởng chưa đầy đủ, đúng đắn trong thực hiện nghĩa vụ quân sự (NVQS). Từ thực tế đó, vấn đề làm thế nào để thanh niên tình nguyện, tự giác lên đường thực hiện NVQS đã và đang được các cấp, ngành, địa phương quan tâm chú trọng thực hiện, trong đó giáo dục truyền thống là một trong những biện pháp tích cực nhằm làm thay đổi nhận thức và hành động của thanh niên.
Thượng tá Vũ Anh Tuấn, Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh cho biết: Công tác tuyên truyền, giáo dục là một biện pháp có ý nghĩa quan trọng. Qua tuyên truyền, giáo dục góp phần bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, quân đội, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của thanh niên đối với nhiệm vụ được giao, từ đó làm thay đổi cách nghĩ, hành động của thanh niên đối với việc thực hiện NVQS. Thiết nghĩ, việc tuyên truyền, giáo dục cần được tăng cường thực hiện từ trong mỗi gia đình, nhà trường và các cấp, ngành địa phương. Phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ này sẽ góp phần tạo thuận lợi cho công tác tuyển quân ở các địa phương.
Thực hiện chủ trương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tăng cường phối hợp thực hiện bằng nhiều biện pháp. Trong đó, hội cựu chiến binh (CCB) các cấp đã rất nỗ lực trong công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống, thường xuyên phối hợp với nhà trường tổ chức giao lưu, nói chuyện truyền thống cho học sinh các cấp học, đặc biệt chú trọng đối tượng là học sinh THPT, thanh niên trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ. Qua câu chuyện của những CCB về người lính “Bộ đội Cụ Hồ” các thời kỳ phần nào giúp đông đảo học sinh cảm nhận được tinh thần chiến đấu anh dũng, những hy sinh mất mát của nhiều thế hệ đi trước để có được cuộc sống hoà bình, hạnh phúc, ấm no như hôm nay.
Việc giáo dục truyền thống còn được tăng cường thực hiện thông qua hoạt động giáo dục ngoại khóa trong các nhà trường; thông qua tọa đàm, giao lưu, trao đổi… do tổ chức đoàn thanh niên phối hợp thực hiện nhân những dịp kỷ niệm lớn; qua tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng. Theo ông Lê Đức Thuyết, Chủ tịch Hội CCB huyện Lý Nhân, cùng với lựa chọn nội dung đúng, trúng, phù hợp, hoạt động giáo dục truyền thống đối với thế hệ trẻ cần được đa dạng hóa, linh hoạt hóa về hình thức nhằm đạt đến hiệu quả cao. Từ nhận thức đó, đồng thời với trách nhiệm và tình cảm của thế hệ đi trước, thời gian qua Hội CCB huyện Lý Nhân đã tích cực phối hợp làm tốt công tác giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng, đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều cán bộ, hội viên CCB đã đến từng nhà trường, giao lưu, nói chuyện truyền thống với các em học sinh. Bằng cách làm đó, năm 2023, các cấp hội CCB huyện Lý Nhân đã tổ chức 21 buổi nói chuyện truyền thống cho trên 6.000 giáo viên, học sinh trên địa bàn. Đồng thời, phối hợp tổ chức tuyên truyền Luật NVQS và trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc cho thanh niên trong độ tuổi thực hiện NVQS. Mặt khác, phối hợp tổ chức tốt “Ngày hội tòng quân” tiễn thanh niên lên đường nhập ngũ; thăm, tặng quà, động viên thanh niên trúng tuyển NVQS giúp anh em tân binh yên tâm, phấn khởi lên đường thực hiện nhiệm vụ.
Với sự vào cuộc đồng bộ, tích cực, các cấp hội CCB trong toàn tỉnh đã phối hợp với tổ chức đoàn thanh niên đẩy mạnh thực hiện nhiều mô hình “Tuổi trẻ giữ nước”, “Thanh niên lập thân, lập nghiệp” bằng những nội dung phù hợp với điều kiện và nhiệm vụ chính trị của địa phương. Năm 2023, Hội CCB tỉnh đã tổ chức được 82 buổi nói chuyện về truyền thống quân đội, truyền thống quê hương đất nước nhân những dịp lễ lớn của dân tộc, khơi dậy hào khí và lòng tự tôn dân tộc trong thế hệ trẻ.
Theo Thượng tá Vũ Anh Tuấn, Phó Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh, hiện nay, để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng tuyển quân, cùng với thực hiện những biện pháp cứng rắn, có tính răn đe trong công tác tuyển quân rất cần đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục truyền thống, nhân lên niềm tự hào của giới trẻ. Đặc biệt, chú trọng hơn nữa công tác giáo dục truyền thống cho đối tượng là học sinh, sinh viên ngay từ sớm, từ khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường. Đổi mới phương pháp giáo dục về truyền thống cách mạng, lịch sử kháng chiến, truyền thống của LLVT địa phương, truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng thông qua nhiều hình thức như: tọa đàm, trao đổi, nói chuyện truyền thống, giao lưu, thăm hỏi, tặng quà, động viên thanh niên lên đường nhập ngũ, giới thiệu, tôn vinh những tấm gương tiêu biểu trong thời chiến và thời bình… Thông qua công tác tuyên truyền nhằm góp phần nêu bật hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, khơi dậy niềm vinh dự, tự hào của thanh niên khi được đứng trong môi trường quân ngũ. Bên cạnh đó, cần tăng cường phối hợp trong quản lý nguồn thanh niên sẵn sàng nhập ngũ. Thực hiện tốt chế độ chính sách đối với thanh niên và gia đình thanh niên nhập ngũ, tạo động lực động viên thanh niên sẵn sàng lên đường thực hiện NVQS.
Với sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của các cấp, ngành, địa phương, công tác giáo dục truyền thống đã tạo chuyển biến tích cực đối với thanh niên trong độ tuổi thực hiện NVQS. Tuy nhiên, hiện nay, tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh hoạt động chống phá cách mạng nước ta. Trước tình hình trên, công tác tuyên truyền, giáo dục cần được quan tâm đẩy mạnh hơn nữa nhằm giúp cho mỗi người dân nói chung, mỗi bạn trẻ nói riêng có nhận thức đúng đắn về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Cùng với đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm của thanh niên trong thực hiện nghĩa vụ công dân đối với quê hương, đất nước, sẵn sàng tiếp bước thế hệ cha anh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Phương Dung