Sáng 14/2, Bộ Quốc phòng tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác quốc phòng ở bộ, ngành Trung ương, địa phương năm 2022; triển khai nhiệm vụ quốc phòng năm 2023. Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam chủ trì hội nghị tại điểm cầu Bộ Quốc phòng. Hội nghị được truyền hình trực tuyến tới 78 điểm cầu trong toàn quốc.
Tại điểm cầu Hà Nam, dự hội nghị có các đồng chí: Đại tá Lường Văn Thắng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh; Trần Xuân Dưỡng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh; phòng, ban, đơn vị trực thuộc Bộ CHQS tỉnh.
Năm 2022, tình hình an ninh, chính trị thế giới, khu vực diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường. Đặc biệt xung đột quân sự Nga – Ukraina kéo dài tác động sâu sắc, toàn diện đến mọi quốc gia. Trong nước, chính trị, xã hội cơ bản ổn định, kinh tế phục hồi tích cực. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, lực lượng cực đoan tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và LLVT. Thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, bất thường. Yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc ngày càng cao.
Trong bối cảnh đó, các bộ, ngành, Trung ương, địa phương đã quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các chiến lược và văn bản quy phạm pháp luật về QP - AN, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ về quốc phòng. Trong đó nhiều nhiệm vụ hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc. Công tác giáo dục QP&AN có nhiều đổi mới.
Trong năm, các bộ, ngành Trung ương, địa phương đã bồi dưỡng kiến thức QP&AN cho cán bộ chủ trì các cấp, mở rộng bồi dưỡng kiến thức QP&AN cho chức sắc, chức việc tôn giáo, các đối tượng đặc thù… góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về nhiệm vụ quốc phòng. Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương gắn với nhiệm vụ quốc phòng. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) với QP - AN, đối ngoại.
Các bộ, ngành Trung ương, địa phương tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện chiến lược phát triển KT-XH, các chương trình mục tiêu quốc gia, gắn với chiến lược về QP – AN, chú trọng các vùng chiến lược, địa bàn trọng điểm. Các địa phương chú trọng xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển KT-XH gắn với quy hoạch thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ (KVPT). Thực lực, tiềm lực, thế trận quốc phòng trong KVPT, phòng thủ quân khu được tăng cường. LLVT các địa phương được xây dựng ngày càng vững mạnh, sức mạnh bảo vệ Tổ quốc được nâng lên, góp phần giữ vững độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Tại hội nghị, các bộ, ngành, địa phương đã thảo luận về những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, trao đổi những kinh nghiệm trong triển khai thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Trung tướng Nguyễn Doãn Anh ghi nhận, biểu dương những kết quả đạt được trong triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác quốc phòng từ Trung ương tới các bộ, ngành, địa phương.
Thông tin một số nét nổi bật về tình hình thời sự thế giới, khu vực, trong nước, Trung tướng nhấn mạnh: năm 2023, khó khăn thách thức có thể lớn hơn, để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, trong thời gian tới, các bộ, ngành Trung ương, địa phương cần tập trung chỉ đạo và triển khai tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã đề ra.
Trong đó, tiếp tục xây dựng thể chế chính sách quốc phòng, tạo hành lang pháp lý xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng LLVT nhân dân. Quan tâm xây dựng các dự án luật, chương trình, kế hoạch, trong tổ chức thực hiện công tác quốc phòng. Đồng thời nghiên cứu đề xuất xây dựng một số chế độ, chính sách đối với LLVT và một số lực lượng khác, nhất là lực lượng dân quân tự vệ, y tế khi thực hiện làm nhiệm vụ đặc biệt, đặc thù trong thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai, thảm hoạ.
Xây dựng, nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng DQTV. Quan tâm đẩy mạnh công tác giáo dục QP&AN cho các đối tượng, nâng cao nhận thức của toàn dân về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Kết hợp phát triển KT-XH gắn với tăng cường củng cố QP-AN; Xây dựng và bảo đảm hoạt động của KVPT. Tiếp tục quan tâm xây dựng và chuẩn bị mọi nguồn lực cho động viên QP. Xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện, “thế trận lòng dân” vững chắc…, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Nhân dịp này, 31 tập thể, 40 cá nhân được Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Phương Dung