“Đánh thắng trận đầu” trong ký ức của một cựu chiến binh

Tìm về thôn Tiền, xã Vũ Bản (Bình Lục), chúng tôi có dịp được gặp gỡ cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Xuyền (cựu chiến sĩ tàu 140, Phân đội 3, Đoàn 130 Quân chủng Hải quân), người trực tiếp tham gia chiến đấu và góp sức làm nên “Chiến thắng trận đầu” cách đây tròn 55 năm (tháng 8/1964).

Trong câu chuyện với chúng tôi, những diễn biến về chiến công oai hùng của Hải quân Nhân dân Việt Nam những ngày đầu mới thành lập được tái hiện như những thước phim tư liệu lịch sử sinh động, tự hào.

CCB Nguyễn Ngọc Xuyền với những hình ảnh truyền thống về “Đánh thắng trận đầu”.

Năm 1958, là con một trong gia đình, không thuộc diện phải nhập ngũ  nhưng thanh niên trẻ Nguyễn Ngọc Xuyền vẫn tình nguyện lên đường cầm súng.

Là lính bộ binh (Trung đoàn 66, Sư đoàn 304), sau một đợt tuyển chọn, tân binh Nguyễn Ngọc Xuyền được điều động sang Quân chủng Hải quân, được cử đi học Trường đào tạo Hải quân khóa I (tại Hạ Lý, Hải Phòng, nay là Xưởng 46, Quân chủng Hải quân) và được phiên chế về tàu 140, Phân đội 3, Đoàn 130, đóng quân tại Quân cảng Bãi Cháy, một trong những quân cảng đầu tiên của Hải quân Nhân dân Việt Nam. Tại đây, tân binh Nguyễn Ngọc Xuyền cùng đồng đội vừa tham gia xây dựng lực lượng, vừa ngày đêm luyện tập phương án đánh trả tàu và máy bay địch xâm phạm vùng trời, vùng biển.

Đầu năm 1964, những nhận định của Bác Hồ và Quân ủy Trung ương về âm mưu của Mỹ- Ngụy trong việc mở rộng chiến tranh ra miền Bắc càng khiến anh em tàu 140, Đoàn 130 Hải quân thêm quyết tâm luyện tập, sẵn sàng chiến đấu để góp sức lập công ngay trận đầu. Đúng như nhận định của Bác Hồ và Quân ủy Trung ương, năm 1964 do lúng túng, sa lầy ở chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ bí mật vạch kế hoạch dùng không quân, hải quân đánh phá một số mục tiêu quan trọng của ta ở miền Bắc.

Thực hiện kế hoạch đó, cuối tháng 7 đầu tháng 8/1964, Mỹ cho nhiều lượt tàu xâm phạm vùng biển miền Bắc hòng buộc ta phải lộ diện các trạm ra-đa và hệ thống phòng thủ vùng duyên hải. Đêm 31/7/1964, tàu khu trục Ma-đốc của Mỹ ngang nhiên xâm phạm vùng biển Quảng Bình, sau đó tiến lên phía bắc, hoạt động gần bờ dọc vùng biển từ Vĩnh Linh đến Thanh Hóa với âm mưu điều tra mạng lưới bố phòng của ta.

Ngày 2/8, tàu khu trục Ma-đốc tiếp tục tiến sâu vào vùng biển miền Bắc (cách Hòn Mê, Thanh Hóa 9 hải lý). Các biên đội tàu hải quân của ta đã buộc phải xuất kích, tiến công, xua đuổi tàu khu trục Mỹ. Nhận mật lệnh của chỉ huy cấp trên, ngày 2/8, Phân đội 3, Đoàn 130 Hải quân của Nguyễn Ngọc Xuyền (gồm 4 tàu: 140, 142, 144, 146) đang luyện tập ở vùng biển Đông Bắc lập tức cơ động về các vị trí chiến đấu. Hai tàu 142, 146  tham gia cùng Phân đội 3 tàu phóng lôi (Đoàn 135) bí mật di chuyển đi vùng biển Hòn Mê, Hòn Nẹ (Thanh Hóa). Tàu 140 do Nguyễn Ngọc Xuyền là thợ máy cùng tàu 144 quay lại Quân cảng Bãi Cháy (Hạ Long, Quảng Ninh) phối hợp với lực lượng phòng không sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vùng biển, vùng trời Đông Bắc.

Tiếp đó, vin vào cái gọi là “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, sáng ngày 5/8/1964, Hải quân Mỹ tiến hành chiến dịch “Mũi tên xuyên”, ném bom đánh phá một số cửa biển quan trọng ở miền Bắc, mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại quy mô lớn bằng không quân, hải quân kéo dài suốt 9 năm (1964-1973) ra miền Bắc nước ta.

Tại Quảng Ninh, tàu 140 Hải quân cùng các tàu bạn đã ở vị trí sẵn sàng chiến đấu. 14 giờ chiều, một tốp máy bay phản lực tám chiếc gầm rú, bổ nhào cắt bom, bắn rốc-két chùm nhằm hủy diệt đội hình tàu hải quân chiến đấu còn hết sức non trẻ của ta ở đây. Trong đội hình xung trận, tàu 140 Hải quân vừa bình tĩnh tránh bom, vừa kiên cường giáng trả, khiến phần lớn bom, đạn của bọn “giặc nhà trời” đều trượt mục tiêu. Chúng lồng lộn quay lại nhiều lần, bắn như vãi đạn về phía những chiến tàu nhỏ bé của Hải quân ta.

Tàu 140 trúng liền hai quả rốc-két, một quả trúng phòng hải đồ khiến Thuyền phó Nguyễn Văn Chung hy sinh, một quả trúng buồng lái, Thuyền trưởng Nguyễn Văn Khẩn bị thương nặng, thiết bị điều khiển chính và điều khiển phụ đều bị hỏng. Trong tình huống đó, thợ máy Nguyễn Ngọc Xuyền lập tức lao lên thay thế, vừa chỉ huy anh em duy trì hỏa lực chiến đấu giáng trả máy bay địch, vừa trực tiếp dùng kinh nghiệm sử dụng động cơ hai bên mạn để điều khiển tàu tiến, lui, vòng tránh linh hoạt, bảo vệ tàu và giữ vững đội hình chiến đấu.

Nhờ đó, mặc dù không còn bộ phận điều khiển nhưng bằng kinh nghiệm của thợ máy Nguyễn Ngọc Xuyền, tàu 140 Hải quân hoạt động rất linh hoạt, lúc tăng tốc, lúc chạy dãn xa đội hình, vừa vận động theo hình chữ chi tránh đạn, vừa nhanh chóng rút ngắn cự ly chiếm lĩnh vị trí có lợi để công kích địch, vừa tranh thủ sửa chữa hỏng hóc để tiếp tục sẵn sàng chiến đấu. Sau gần một tiếng chiến đấu căng thẳng, Phân đội 3, Đoàn 130 Hải quân đã phối hợp với các lực lượng quân binh chủng ở Quảng Ninh tập trung hỏa lực đánh trả bắn rơi một máy bay, bắn bị thương hai chiếc khác, bắt sống viên phi công đầu tiên trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc.

Kết thúc trận đánh, thợ máy Nguyễn Ngọc Xuyền tiếp tục dùng động cơ hai bên mạn điều khiển tàu 140 Hải quân trở về Quân cảng Bãi Cháy an toàn trong niềm vui mừng, khâm phục của anh em đồng đội. Sau chiến công “đánh thắng trận đầu” vô cùng đáng nhớ đó, thợ máy Nguyễn Ngọc Xuyền được cấp trên tặng thưởng Huân chương Chiến công và tiếp tục gắn bó cùng tàu 140 Hải quân tham gia nhiều trận chiến đấu trực diện với kẻ thù trên vùng biển Đông Bắc.

Năm 1971, ông được điều về Cục Vận tải Đường biển, nhiều năm thực hiện nhiệm vụ vượt qua bao “thủy lôi, bom mìn” tiếp tế cho tiền tuyến lớn, sát cánh cùng đồng đội góp công đánh bại hoàn toàn ý đồ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc của đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

55 năm sau chiến công “Đánh thắng trận đầu” đầy oai hùng ấy, vùng biển đông bắc Tổ quốc đã có nhiều thay đổi. Quân cảng Bãi Cháy bây giờ đã chuyển thành công trình dân sự cùng một cây cầu dây văng lớn nối liền hai miền Bãi Cháy - Hồng Gai của thành phố Hạ Long ngày đêm nhộn nhịp khách du lịch. Và sắp tới dự án đường hầm qua vùng biển Cửa Lục sắp được triển khai, tạo điểm nhấn hiện đại cho một địa danh lịch sử của Hải quân Nhân dân Việt Nam. Tại đây, một tấm bia di tích ghi lại sự kiện lịch sử “Đánh thắng trận đầu” của Hải quân Nhân dân Việt Nam đã được dựng lên trang trọng trong niềm tự hào của nhiều thế hệ cựu chiến binh, cán bộ, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam.

Về với cuộc sống đời thường ở quê hương Vũ Bản cựu chiến binh hải quân Nguyễn Ngọc Xuyền giờ đã vào tuổi lão ông, đảng viên 60 năm tuổi Đảng. Vào những năm kỷ niệm lớn, ông và anh em trong đơn vị khắp mọi miền Tổ quốc lại hẹn nhau về thăm vùng biển Cửa Lục (Hạ Long) - chiến trường xưa, thắp hương, thả hoa tưởng niệm, tri ân những đồng đội đã ngã xuống và cùng sống lại ký ức tự  hào về “Đánh thắng trận đầu” oai hùng năm xưa ấy.

Thế Vĩnh

Thế Vĩnh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy