Ở huyện Kim Bảng có hai xã mang tên người cộng sản sinh ra tại quê hương, đó là xã Lê Hồ và xã Nguyễn Úy. Trong bài viết này chúng tôi giới thiệu về xã Lê Hồ cùng cuộc đời hoạt động cách mạng kiên cường của người cộng sản Lê Hồ mà xã vinh dự được mang tên.
Lê Hồ sinh năm 1910 trong một gia đình nông dân nghèo yêu nước ở xã Cao Mật. Trước năm 1945, xã Cao Mật thuộc tổng Phương Đàn, huyện Kim Bảng. Ngày nay xã Lê Hồ gồm 6 thôn: Cao Mật, Phương Đàn, Phương Thượng, An Đông, Khang Thái, Đại Phú, nằm ở phía Tây Bắc huyện Kim Bảng.
Sớm giác ngộ cách mạng đầu tháng 4 năm 1926, Lê Hồ và các bạn cùng chí hướng tham gia lễ truy điệu chí sĩ Phan Chu Trinh (qua đời cuối tháng 3 ở Sài Gòn) tại sân chùa Bầu thị xã Phủ Lý. Sau đó Lê Hồ tham gia tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên tại địa phương. Tháng 10/1930, Lê Hồ cùng với Nguyễn Đình Úy, Tạ Văn Giác được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam tại chùa Đức Mộ, tổng Phù Lưu. Đây là chi bộ thứ hai của huyện Kim Bảng do đồng chí Nguyễn Văn Đạt làm Bí thư Chi bộ.
Nghĩa trang đồng chí Lê Hồ, tại xã Lê Hồ (Kim Bảng). Ảnh: Thế Trang
Đầu năm 1932, Bí thư Chi bộ Nguyễn Văn Đạt, vốn là giáo viên trường Tiểu học huyện bị chuyển đi dạy ở miền núi tỉnh Phú Thọ. Đồng chí Lê Hồ chính thức làm Bí thư Chi bộ trong hoàn cảnh khó khăn ngặt nghèo. Chi bộ 1 ở huyện lỵ chỉ còn 2 đảng viên lại bị địch truy lùng ráo riết.
Phong trào cách mạng Kim Bảng sau một thời gian lắng xuống do địch tập trung khủng bố gắt gao dần dần phục hồi, thống nhất dưới sự lãnh đạo của chi bộ do đồng chí Lê Hồ làm Bí thư. Chi bộ đã phát triển thêm được đảng viên mới và quần chúng cách mạng ở An Đông, Lưu Xá, Cao Mỹ, Phúc Trung (Kim Bảng), Đục Khê, Yến Vĩ, Đốc Tín (Mỹ Đức), Bài Châm, Kim Châm, Tạo Khê (Ứng Hòa, Hà Đông).
Đầu năm 1935, được tổ chức đồng ý đồng chí Lê Hồ mở một cửa hàng tạp hóa ở phố Đục Khê (Mỹ Đức, Hà Đông). Cửa hàng thực chất là nơi gặp gỡ của đảng viên cộng sản, quần chúng cách mạng nhất là khi có hội chùa Hương. Mùa hè năm 1936, cửa hàng lại rời về chợ Dầu (Tượng Lĩnh) mang tên Nam Kim, bán thuốc nam, thuốc bắc để che mắt địch, còn bên trong là trạm liên lạc liên kết phong trào cách mạng hai tỉnh Hà Nam, Hà Đông.
Trong thời kỳ 1936 - 1939, tranh thủ khi Mặt trận nhân dân ở Pháp lên nắm chính quyền, nới lỏng chính sách cai trị ở thuộc địa, Đảng ta đã đẩy mạnh phong trào cách mạng, tổ chức hoạt động công khai. Năm 1936, đồng chí Lê Hồ và Chi bộ lãnh đạo quần chúng đấu tranh đòi quyền tự do, dân chủ, cải thiện dân sinh, đại xá chính trị phạm. Tỉnh ủy Hà Nam tổ chức hội nghị tại nhà đồng chí Lê Uông ở Cao Mật để chỉ đạo phong trào cách mạng, đồng chí Lê Hồ tham dự cùng với các đồng chí Trần Tử Bình, Đào Đình Luông, Cựu Năng, Song Hồ, Lê Nhuận, Đỗ Đình Phát, Tạ Văn Giác.
Năm 1939, theo sự chỉ đạo của trên, đồng chí Lê Hồ đã ra làm Lý trưởng. Đồng chí đã chia lại ruộng công làng Cao Mật cho dân cày, cấp thẻ thuế thân cho cán bộ của Đảng để đi lại hoạt động dễ dàng, cho một số dân cùng đinh khỏi phải nộp thuế.
Chính quyền Mặt trận nhân dân ở Pháp đổ, thực dân Pháp ở Việt Nam trở lại khủng bố, đàn áp cách mạng gắt gao hơn. Cuối năm 1939, Tỉnh ủy Hà Nam triệu tập Hội nghị nghiên cứu Nghị quyết 6 của Trung ương Đảng. Sau khi dự hội nghị của tỉnh, đồng chí Lê Hồ đã tổ chức hội nghị tại Cao Mật để truyền lại nội dung nghị quyết cho cán bộ, đảng viên huyện Kim Bảng.
Phong trào cách mạng đang có chuyển biến tích cực thì ngày 2/2/1940 đồng chí Lê Hồ bị địch bắt đưa lên giam ở căng Bá Vân (Thái Nguyên). Trong tù đồng chí giữ vững khí tiết người cộng sản tham gia viết bài cho báo "Dòng sông Công" của Chi bộ trong nhà tù. Tháng 2/1945, Pháp chuyển gần 100 tù chính trị ở căng Bá Vân (Thái Nguyên) về giam ở căng Nghĩa Lộ. Tại đây, người chiến sỹ cộng sản Lê Hồ tiếp tục nêu cao khí phách, được mệnh danh là chiến sỹ quả cảm. Chiều 17/3/1945, đồng chí và nhiều tù chính trị ở căng Nghĩa Lộ đã vượt ngục thành công, được nhân dân cưu mang, giúp đỡ. Cuối tháng 3, đồng chí về địa phương, bắt lại liên lạc, tiếp tục chỉ đạo phong trào cách mạng ở huyện Kim Bảng. Cũng trong thời gian này, Xứ ủy Bắc Kỳ cử các đồng chí: Trần Quyết, Lê Thành, Lê Quang Tuấn phụ trách phong trào Hà Nam.
Đầu tháng 4/1945, tại túp lều của ông bà Ba Hoán bên sông Đào làng Ngọc Động (Duy Tiên) đã diễn ra một hội nghị quan trọng quyết định một số công tác trước mắt nhằm phát động quần chúng sẵn sàng vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Tất cả hội nghị đều nhất trí thành lập Ban Cán sự Đảng lâm thời tỉnh Hà Nam, đồng chí Lê Thành là Bí thư, các đồng chí: Trần Quyết, Lê Hồ, Phạm Sỹ Phú (Minh Phú) là Ủy viên. Đồng chí Lê Thành phụ trách huyện Kim Bảng, Duy Tiên; đồng chí Trần Quyết: thị xã Phủ Lý, huyện Thanh Liêm, cơ sở vùng Nhuộng (Ý Yên), đồng chí Minh Phú: huyện Bình Lục. Đồng chí Lê Hồ phụ trách công tác quân sự.
Sau hội nghị Ngọc Động, tháng 5/1945, hội nghị Ban Cán sự lâm thời được triệu tập và tổ chức tại nhà đồng chí Lê Hồ ở Cao Mật, có mở rộng thêm thành phần. Đồng chí Hà Kế Tấn đại diện Xứ ủy về chỉ đạo hội nghị và công nhận Ban Cán sự tỉnh Hà Nam. Hội nghị đề ra những công tác cụ thể cho thời kỳ tiền khởi nghĩa, quyết định ra tờ báo "Quyết chiến" để hướng dẫn phong trào, động viên quần chúng. Ban Cán sự lâm thời chuyển thành Ban Cán sự chính thức. Đồng chí Lê Hồ tiếp tục được phân công phụ trách quân sự.
Đầu tháng 6/1945, một người dân ở Khả Phong (Kim Bảng) đi đào củ mài đã phát hiện một cái hang giấu vũ khí của Pháp ở Thung Do, xã Đồng Tâm, châu Lạc Thủy (nay thuộc tỉnh Hòa Bình). Ban Cán sự Đảng tỉnh đã cử đồng chí Lê Hồ chỉ huy 2 tiểu đội tự vệ cứu quốc giả làm những người đi kiếm củi đi lấy vũ khí, chia làm 2 đợt, tổng cộng được 2 khẩu tiểu liên, 16 súng trường và nhiều đạn, lựu đạn, mìn...
Một góc xã Lê Hồ (Kim Bảng). Ảnh: Tân Xuân
Trong khi đảng viên và quần chúng cách mạng ở Kim Bảng và toàn tỉnh đang gấp rút chuẩn bị tổng khởi nghĩa thì ngày 17/6/1945, đồng chí Lê Hồ qua đời tại quê hương. Sau khi chỉ huy đi lấy vũ khí ở Thung Do về, đồng chí bị thương hàn cấp tính. Mặc dù tổ chức đã hết sức quan tâm cứu chữa, nhưng đồng chí không qua khỏi. Mặt trận Việt Minh huyện Kim Bảng tổ chức trang trọng lễ truy điệu đồng chí, Bí thư Ban Cán sự Đảng tỉnh Hà Nam Lê Thành về dự.
Để tưởng nhớ công lao to lớn của người Đảng viên cộng sản - chiến sỹ cách mạng, Ban Cán sự Đảng tỉnh đã quyết định xã Cao Mật từ đây mang tên Lê Hồ, cơ quan ấn loát của tỉnh là Nhà in Lê Hồ. Tháng 9/1945, thực hiện chủ trương của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, huyện Kim Bảng bỏ cấp tổng. Các xã của tổng Phương Đàn sáp nhập thành một xã mới, lấy tên là xã Lê Hồ cho đến nay. Xã cũng đã xây dựng nghĩa trang riêng cho đồng chí Lê Hồ. Sau này nhà nước ta đã công nhận đồng chí Lê Hồ là liệt sỹ.
Thành tên một xã, tên tuổi, sự nghiệp cách mạng của đồng chí Lê Hồ luôn luôn được trân trọng, nhắc nhớ, ghi vào lịch sử riêng/chung Kim Bảng, Hà Nam một dấu son.
Mai Khánh
Thế Trang