Vóc dáng thành phố ngã ba sông

65 năm đã qua kể từ “Mùa thu giải phóng - 1954”, cùng với vùng đất núi Đọi - sông Châu nghìn năm văn hiến, từ đống đổ nát, ngổn ngang sau các cuộc chiến tranh, phố thị Phủ Lý bên bến Châu Cầu trên đường thiên lý Bắc - Nam đã hồi sinh và không ngừng vươn dậy, tự tin với vóc dáng của một đô thị trung tâm tỉnh lỵ đang trên đà phát triển.

TP. Phủ Lý hôm nay. Ảnh: Thế Trang

Cách đây 65 năm, sau khi giải phóng, phố thị Phủ Lý được biết đến là một thị xã bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh. Khi tiếp quản, Phủ Lý chỉ còn chừng gần trăm nóc nhà có người ở. Hàng trăm gia đình tản cư khi trở về không còn nhà cửa, tài sản. Trước khi rút chạy, những cánh tàn quân của địch còn dã tâm đặt mìn phá hỏng cầu cống, ném bom phá đê bao các vùng ven thị. Chợ Bầu- trung tâm thương mại lớn nhất thị xã lúc đó cùng hàng loạt cửa hàng, cửa hiệu nổi tiếng hầu như đóng cửa. Sau giải phóng, các gia đình đi tản cư mới bắt đầu tìm về dựng tạm mái nhà trên nền đất cũ, vừa để ổn định chỗ ở, vừa để mở cửa hàng nối lại công việc buôn bán.

Cuộc sống mới hồi sinh được 10 năm thì một lần nữa phố thị ngã ba sông Phủ Lý lại chìm trong khói lửa đạn bom bởi cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của không quân Mỹ. Những ngày tháng đó, quân dân Phủ Lý, Hà Nam kiên cường hiên ngang ngẩng cao đầu cùng quân dân Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Hàm Rồng Thanh Hóa... vít đầu lũ quạ sắt không lực Hoa Kỳ, quyết giữ vững tuyến đường huyết mạch giao thông, giữ vững những chuyến hàng theo đường bộ, đường sắt kịp thời chi viện cho chiến trường miền Nam. Tháng 1/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam được ký kết, cùng với miền Bắc xã hội chủ nghĩa, từ trong đổ nát chiến tranh, Phủ Lý một lần nữa bắt tay xây dựng, kiến thiết bằng một nhịp điệu khẩn trương, hối hả, bền bỉ suốt những năm tháng thời kỳ bao cấp và bùng nổ sự khởi sắc khi cùng cả nước bước vào công cuộc đổi mới, mở cửa, hội nhập, phát triển. Những trọng điểm bom đạn địch điên cuồng đánh phá cũng đồng thời là những địa danh lịch sử khắc ghi tinh thần chiến đấu ngoan cường của quân dân Phủ Lý quyết giữ vững mạch máu giao thông phục vụ nhiệm vụ chi viện chiến trường năm xưa dần được khôi phục, hồi sinh trở thành điểm nối quan trọng của hệ thống các tuyến đường liên vùng, liên tỉnh, mở hướng thông thương cho vùng đất cửa ngõ phía nam thủ đô Hà Nội, điểm trung chuyển cho các địa phương miền núi phía tây vươn tới các tỉnh đồng bằng, phía đông và duyên hải Bắc Bộ.

Mùa thu 2019 này, kỷ niệm 65 năm giải phóng Phủ Lý, vóc dáng thành phố đã rộng dài, thênh thang bốn hướng. Vùng đất Lam Hạ - “Tọa độ lửa bờ bắc sông Châu” trong những ngày chống chiến tranh phá hoại nay hiện hữu một cây cầu hiện đại mang tên Châu Giang nối thông khu phố cổ lâu đời với khu đô thị sinh thái hiện đại, tạo nên nét phác họa thanh tân, trẻ trung cho thành phố ngã ba sông. Rồi nữa, những địa danh đã từng là trọng điểm bị đánh phá ác liệt năm xưa: Ga Phủ Lý, cầu đường sắt, đường bộ, cầu phao quân sự Châu Sơn, cầu Đọ Xá, Nhà máy Cơ khí Hà Nam, Hợp tác xã cơ khí Quyết Tiến, Trận địa pháo phòng không Phù Vân… nay đã trở thành những cây cầu, trục đường vành đai rộng mở, những khu đô thị trẻ, vườn hoa, công viên, trung tâm thương mại, khu công nghiệp...

Dọc bờ sông Đáy, sông Nhuệ, sông Châu, chợ Bầu, chợ Trấn, quai Mễ, xóm chài, cảng sông… từng hằn sâu trong ký ức người Phủ Lý xưa cùng bến Hồng Phú "một thời máu đỏ, cờ bay" trong câu hát năm nào, nay càng thêm rộng dài, thoáng mở nhờ những dải bờ kè, đường ven sông, bến thuỷ du lịch hài hòa cùng những dải cây xanh, hệ thống chiếu sáng hiện đại.

Gần 60 dự án khu đô thị, khu nhà ở, khu thương mại, dịch vụ được phê duyệt và chấp nhận chủ trương đầu tư với tổng diện tích lên đến gần 1.400 ha. Hàng loạt điểm nhấn khu đô thị mới: Nam Châu Giang, Nam Trần Hưng Đạo, Nam Lê Chân, Đông, Tây sông Đáy, Liêm Chung, Liêm Chính, Bắc Thanh Châu, Bắc Châu Giang; Quang Trung, Khu đô thị đại học Nam Cao, Khu liên hợp thể dục thể thao, Bệnh viện Hữu nghị Việt- Đức, Bạch Mai cơ sở II, các trường đại học Sư phạm Hà Nội, Công nghiệp Hà Nội, Thương mại, tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại Vincom, Mường Thanh, Inco 515.9… đã và đang làm cho không gian, diện mạo Phủ Lý ngày càng rộng mở, khang trang.

Dây chuyền sản xuất gạch lát vỉa hè tại Công ty gạch Khang Minh, KCN Châu Sơn, TP. Phủ Lý. Ảnh: Tân Xuân

Năm 2007, sau 10 năm tỉnh Hà Nam tái lập, Phủ Lý được công nhận đô thị loại III, diện tích mở rộng gấp bốn lần, dân số tăng lên gấp đôi. Năm 2013, Phủ Lý tiếp tục mở rộng theo Nghị quyết của Chính phủ với hàng chục đơn vị hành chính được sáp nhập thêm từ các huyện lân cận. Để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng thành phố ngày càng hiện đại, văn minh, Thành ủy Phủ Lý xác định: ưu tiên hợp lý cho phát triển thương mại, dịch vụ, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, là động lực tạo đà tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh, bền vững. 9 tháng năm 2019, tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt gần 19 nghìn tỷ đồng (tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2018). Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đạt trên 8 nghìn tỷ đồng (tăng 14%). Thu ngân sách đạt 1.355 tỷ đồng (tăng 35%). Thương mại, dịch vụ có bước phát triển khá với tổng mức bán lẻ hàng  hóa và doanh thu dịch vụ 9 tháng năm 2019 đạt 8.408 nghìn tỷ đồng (tăng 23%). 

Cùng với thương mại, dịch vụ, sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa kết hợp nâng cao chất lượng tiêu chí xây dựng nông thôn mới cũng được cấp ủy, chính quyền thành phố tập trung đầu tư theo đúng quy hoạch các điểm dân cư gắn với đăng ký sản phẩm thực hiện theo Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” trên địa bàn 10 xã vùng ngoại thành. Tháng 5/2019, thành phố được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Các chính sách an sinh xã hội có sự cải thiện đáng kể. 9 tháng năm 2019, tỷ lệ dân số có bảo hiểm y tế đạt 92,3%; giải quyết việc làm mới cho 4.100 người, giải quyết việc làm thêm cho 5.230 người; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,2%.

Tiếp nối truyền thống của đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, qua 65 năm giải phóng, 22 năm trở thành đô thị trung tâm tỉnh lỵ, mùa thu 2019 này cùng với những khu đô thị mới mở, cuộc vận động “Xây dựng nếp sống văn minh đô thị”, “Người thành phố Phủ Lý văn minh, thanh lịch” đang tiếp tục được đẩy mạnh bằng quyết tâm hướng nếp nghĩ, nếp sống của người dân thành phố theo nhịp điệu của một đô thị hiện đại, sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, thân thiện.

Nguyễn Vũ

Nguyễn Vũ, Thế Trang

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy